| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay đi tìm lời giải cho bệnh lạ ở Hòa Bình

Chủ Nhật 26/09/2010 , 16:25 (GMT+7)

Lời kêu cứu từ bản Vắt cứ yếu dần trong khi cơ quan chức năng từ xã tới tỉnh, nơi thì nắm sơ sơ, nơi thì… mới nghe chuyện lần đầu.

Bao năm nay, bà con bản Vắt vẫn phải sống trong hoang mang, lo sợ vì không biết mó nước ở trung tâm bản là nguyên nhân gây bệnh hay vì một lý do nào khác

Từng ấy năm sống giữa với mịt mù những hoang mang, lo sợ là ngần đó thời gian người dân bản Vắt (Mai Châu, Hòa Bình) phải co ro thu mình dưới những nếp nhà xiêu vẹo. Đó cũng là khoảng thời gian bà con nơi đây cũng đã quá mệt mỏi với những lời đồn ác ý rằng bản Vắt bị trời hành, bị ma hờn quỷ ám.

Lời kêu cứu từ thẳm sâu nơi bản nghèo ấy cứ dần yếu hơi. Trong khi, cơ quan chức năng từ xã tới tỉnh, nơi thì sơ sơ biết chuyện, nơi thì… mới nghe sự tình lần đầu.

Xã không nắm được số người mắc bệnh?


Theo ông Vì Văn Lương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Bảng (Mai Châu, Hòa Bình), tình trạng dị tật xuất hiện dày đặc tại bản Vắt đã được chính quyền nắm bắt từ cách đây nhiều năm. Đặc biệt, cách đây vài năm, điều tra sức khỏe tại bản đã cho thống kê “đáng sợ” khi có tới 21/40 hộ dân có người bị dị tật.

Tuy nhiên, ông Lương điềm tĩnh khẳng định, tình trạng này hiện đã giảm khá nhiều.

“Trước đây thì khá nhiều nhưng năm vừa rồi chỉ có một cháu nhỏ bị dị tật tay ngắn tay dài do một bên tay thiếu khớp,” ông Lương cho hay.

Mặc dù vậy, khi được hỏi về nguyên nhân, vị chủ tịch xã này lại cho hay, sở dĩ, số lượng người dân mắc các căn bệnh lạ trên giảm xuống một phần là do… họ đã chết.

Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về số lượng người có tật hiện tại, ông Lương mất khá nhiều thời gian cộng trừ mới ra được con số… áng chừng. Theo thống kê của ông Lương, hiện bản Vắt vẫn còn 15 trường hợp trên tổng số 54 hộ dân vẫn đang ngày ngày phải sống chung với những dị tật như câm, điếc, mù, thần kinh…

Đáng chú ý, ông Vì Văn Lương cho hay, cách đây khoảng hai năm, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã về tận bản để lấy mẫu nước kiểm tra. Thế nhưng, kết quả của đợt kiểm tra đó ra sao thì chính quyền xã cũng chẳng hề hay biết.

Đợt kiểm tra đã diễn ra cách đây hai năm, đoàn kiểm tra thì “quên” thông báo kết quả cho xã còn xã cũng "quên" không tìm hiểu kết quả điều tra thế nào, thế nên chuyện mó nước hại người vẫn khiến người dân trong bản lo sợ.

Cất công lên tỉnh hỏi về đợt kiểm tra mẫu nước cách đây vài năm, chúng tôi lại càng hoang mang bởi, không biết đoàn thanh tra liên tỉnh như ông chủ tịch xã nói liệu có tồn tại?

Chưa từng nghe về mó nước bản Vắt


Mặc dù, bóng đen của những căn bệnh không rõ nguyên nhân đã phủ bóng lên bản Vắt rất nhiều năm (theo nhiều người dân bản khẳng định là ngay từ trước năm 1975 đã có hiện tượng dị tật), tuy nhiên, hầu hết các ban ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình lại không mấy rõ về tình trạng này.

Thực tế, đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã “tròn mắt” khi chúng tôi hỏi về kết quả kiểm tra mẫu nước ở bản Vắt cách đây hai năm.

Ông Bùi Văn Tuyên, Trưởng phòng Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường, khẳng định, chưa từng nghe về trường hợp của bản này.

“Nếu từng nghe về thông tin này, chắc chắn tôi sẽ nhớ. Tuy nhiên, tôi khẳng định không biết gì về cuộc kiểm tra này,” ông Tuyên khẳng định.

Tuy thế, ông Tuyên cũng không quên “mách nước” chúng tôi lên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình tìm hiểu thông tin. Theo ông, nếu có gì liên quan tới dị tật, mà cần kiểm tra nguồn nước, chắc chỉ có ở cơ quan này.

Tiếp tục lên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình, chúng tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi bà Trần Thị Ái Hương, Giám đốc trung tâm cũng cho hay, kiểm tra mẫu nước là việc của Trung tâm y tế dự phòng. Tuy nhiên, trường hợp của bản Vắt thì chính bà cũng… không nắm rõ lắm.

“Chúng tôi thường chỉ kiểm tra đối với những mẫu nước được chỉ định hoặc của người dân tự mang lên. Còn đối với trường hợp này thì trung tâm chưa hề có kiểm tra,” bà Hương khẳng định.

Cũng theo vị giám đốc này, hiện nay, mạng lưới thông tin từ các tuyến cơ sở của trung tâm vẫn đang hoạt động rất tốt nhưng bà vẫn hoàn toàn không hề có một chút thông tin nào về những trường hợp này.

Ngay sau đó, bà có gọi điện về Trung tâm y tế dự phòng huyện Mai Châu để kiểm tra thông tin. Tuy nhiên, những gì chúng tôi thu được vẫn chỉ là cái lắc đầu khá ngơ ngác của bà với lời hứa, sẽ chỉ đạo anh em cho đi kiểm tra ngay.

Quả bóng trách nhiệm một lần nữa lại bị đẩy đi khi bà Hương “giới thiệu” chúng tôi lên Sở Y Tế Hòa Bình. Tại đây, câu chuyện trở nên sáng rõ hơn khi vị Trưởng phòng nghiệp vụ y của Sở khẳng định, Sở có nắm được tình trạng mắc bệnh với tỷ lệ cao ở Bản Vắt. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân thì Sở khẳng định chưa thể nắm được vì muốn làm rõ phải xem xét đến nhiều yếu tố như đất, nước, phong tục, tập quán...

Một lần nữa vị trưởng phòng lại “giới thiệu” tiếp cho chúng tôi về gặp Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh…

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng cứ được "đá qua đá lại" như thế, trong khi, nỗi đau bản Vắt, hàng chục năm nay vẫn chưa một lần thôi nhức nhối.

Mới đây nhất, trả lời qua điện thoại, bà Hương khẳng định, hiện Trung tâm y tế dự phòng đã cho người về tận bản Vắt lấy mẫu nước để kiểm tra và kết quả sẽ có trong thời gian sớm nhất.

Người dân bản Vắt cũng đang nóng lòng chờ một câu trả lời cho những nỗi đau đã mấy đời vây kín.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.