| Hotline: 0983.970.780

Lời đáp cho câu hỏi khó

Thứ Sáu 26/09/2014 , 09:32 (GMT+7)

Năm 2013, Trọng Quan đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Trọng Quan không “rung đùi tự mãn” mà cho rằng những kết quả đó chỉ là bước đầu

Vài năm trước, Báo NNVN đã đăng bài viết phản ánh nỗi trăn trở của một vị lãnh đạo xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) làm sao để có hàng trăm tỷ đồng hoàn thành 19 tiêu chí NTM, khi mà xuất phát điểm của địa phương còn quá thấp (năm 2009 mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí). Đến nay, câu hỏi đó đã được cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Trọng Quan tìm ra câu trả lời.

Làm gì để dân giàu?

Nhìn lại chặng đường thực hiện 19 tiêu chí NTM, ông Vũ Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Trọng Quan, cho biết: “Đảng bộ, chính quyền xã xác định nhiệm vụ xây dựng NTM phải hướng tới mục tiêu: SX phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch đẹp, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ.

Để làm được điều đó, trước hết phải bắt đầu từ công tác quy hoạch. Đối với xã thuần nông như Trọng Quan, nhiệm vụ quy hoạch đồng ruộng, thực hiện dồn điền đổi thửa là khâu then chốt”.

Mặc dù, thời điểm xã bắt đầu triển khai xây dựng NTM (năm 2009), công tác dồn, điền đổi thửa gặp nhiều khó khăn như: đất đã được cấp giấy chứng nhận; đất dành cho đối tượng ưu tiên; khẩu thôn này di chuyển sang thôn khác; đất ruộng xen canh, xen cư; ruộng cao; ruộng thấp, xa gần, tốt xấu; đất ruộng đã chuyển đổi mục đích sử dụng…

Nhưng với quyết tâm cao và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2009, địa phương là 1 trong 3 xã đi đầu thực hiện thành công công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, giảm bình quân từ 4 - 5 thửa/hộ xuống còn 1,5 thửa/hộ. Trong đó đã hình thành những nhóm hộ gia đình anh, em, con, cháu cùng nhận vào một thửa, từ đó giảm cơ bản được tình trạng manh mún ruộng đất, nhằm tạo nên các vùng SX với quy mô lớn hơn.

Xác định phát triển SXNN là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, ngoài việc xây dựng, thực hiện các đề án SX, địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, nhân dân đã chủ động sắm máy cày, mua máy gặt đập liên hợp để bổ sung thay thế các máy cỡ nhỏ. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn xã đã có 25 máy cày trung và 8 máy gặt đập liên hợp, cùng 25 giàn xạ hàng.

HTX dịch vụ nông nghiệp với 2 máy gặt, 2 máy làm đất đã chủ động điều tiết giá một số dịch vụ góp phần nâng cao hiệu quả SXNN. Địa phương đã xây dựng các vùng SX như: vùng chuyên lúa năng suất cao; vùng 2 vụ lúa 1 vụ màu; vùng chuyển đổi VAC.

Năm 2013, Trọng Quan đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Trọng Quan không “rung đùi tự mãn” mà cho rằng những kết quả đó chỉ là bước đầu trong quá trình phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trọng Quan vẫn phải tiếp tục nỗ lực, tích cực học tập, hăng say lao động hơn nữa, xứng đáng là một xã điểm, xã đi đầu trong xây dựng NTM của huyện và của tỉnh.

Trong đó, năm 2013 - 2014, xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu với diện tích 50,2 ha, gieo trồng cùng một loại giống lúa Tẻ Nhật cho năng suất, chất lượng và có giá trị cao trong XK, với các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, năng suất đạt từ 250 - 270 kg/sào, cá biệt 300 kg/sào, thu về cho người nông dân hàng tỷ đồng.

Theo ông Chuyển, quan điểm của chính quyền xã là: Tăng cường SX cây vụ đông đảm bảo từ 40 - 50% diện tích gieo cấy, trong đó lấy cây khoai tây làm chủ lực với diện tích chiếm 60% diện tích cây vụ đông. Đồng thời duy trì hoạt động của 5 kho lạnh đảm bảo cung ứng giống cho nông dân trong xã và thị trường.

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là các vùng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây, nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm cho thu nhập gấp 3 - 5 lần trồng lúa, một số hộ thực sự thoát nghèo và làm giàu từ vùng đất chuyển đổi.

Năm 2009, bình quân thu nhập của người dân trong xã từ 13,2 triệu đồng/người/năm, đến năm 2013 đã tăng lên 25,8 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người dân ngày càng sung túc.

Tiền từ dân mà ra

Cùng với thúc đẩy SX phát triển, các công trình kết cấu hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Xã đã bổ sung, hoàn thiện cứng hóa 100% mương cấp 1; nâng cấp sửa chữa 4 nhà, xây mới 3 nhà văn hóa và 7 sân thể thao thôn; xây mới trạm y tế xã, chợ; bổ sung cơ sở vật chất, xây đủ phòng học 3 trường đạt chuẩn…

Khu xử lý rác thải tập trung cũng được đầu tư xây dựng mới trên diện tích 1,3 ha, hoàn thành 8.000 m đường giao thông trục chính nội đồng; gần 17.000 m đường giao thông nhánh cấp 1; gần 3.000 m đường giao thông trục thôn; trên 2.000 m đường giao thông trục xã… Từ đó, diện mạo nông thôn địa phương khang trang, sạch đẹp.

Vậy nguồn lực lấy từ đâu? Ông Chuyển cho biết: Đề cao nguyên tắc dân chủ thì dân mới tin, mới ủng hộ. Từ cách làm trên, những năm qua Trọng Quan đã huy động nhân dân đóng góp trên 30 ha đất nông nghiệp; 158 hộ gia đình hiến gần 2.600 m2 đất thổ cư; 500 cây lâu năm các loại; góp vốn đối ứng trên 10 tỷ đồng; gần 10.000 công lao động; di dời 3.347 m2 tường bao, trên 40 trụ cổng và nhiều gian nhà…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất