Lãnh đạo các đảo quốc vùng Thái Bình Dương |
Theo tờ Người quan sát Samoa, trong cuộc phỏng vấn tiền hội nghị cấp cao các đảo quốc Thái Bình Dương, Thủ tướng Tonga, ông Akilisi Pohiva đã mời những người đồng cấp cùng đặt cược cho “cuộc chinh phục thách thức giảm cân” trong thời hạn 1 năm để tạo ra những ví dụ điển hình cho cộng đồng từng nước. Các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trong tháng 9, và ông Pohiva muốn có một cam kết chính thức.
Bệnh dịch
10 quốc đảo Thái Bình Dương đang chiếm trọn Top10 bảng thống kê tình trạng béo phì thế giới.
Theo trang thống kê The World Factbook, số liệu gần đây nhất là năm 2016 cho thấy tỷ lệ béo phì ở Nauru cao nhất thế giới với 61% dân số, ở quần đảo Cook là 55,9%, Palau là 55,3%, quần đảo Marshall là 52,9%, Tuvalu là 51,6%, Niue là 50%, Tonga là 48,2%, Samoa là 47,3%, Kiribati là 46% và Micronesia là 45,8%. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới là bức tranh còn đáng ngại hơn, bởi hầu hết 10 quốc đảo này đều có tình trạng thừa cân đến xấp xỉ... 90% dân số.
Béo phì, thừa cân dẫn đến bệnh tật và giảm tuổi thọ. Minh chứng điển hình là năm 2012, tuổi thọ bình quân ở Tonga là 72,5, nhưng năm 2017 giảm xuống còn 67.
Những thiên đường du lịch giờ tràn ngập người béo phì. Người sở tại gọi béo phì là “bệnh dịch” và họ đổ lỗi cho thói quen ăn uống từ bỏ các món cá giàu năng lượng nhưng ít chất béo cùng với rau xanh để chuyển sang các loại thực phẩm nhập khẩu. Lườn cừu nhập khẩu từ New Zealand, rẻ và nhiều chất béo bị đổ lỗi nhiều nhất ở Tonga. Thịt bò đóng hộp, lườn gà, cánh gà nhập khẩu cũng bị “đổ tội”.
Thuế “béo”
Tonga do 170 đảo lớn nhỏ hợp thành và dân số hiện tại chỉ nhỉnh hơn 107.000 người. Đây là thiên đường nhiệt đới, người dân thân thiện, biển đẹp mê hồn và tên thủ đô Nuku’alofa có nghĩa là “nơi ở của tình yêu”. Nhưng “cơn nghiện” sử dụng đồ ăn nhiều chất béo đang hành hạ các cư dân thiên đường. Ở đây, “ăn đến chết” đã trở thành thành ngữ phổ biến trong xã hội. Béo phì, tiểu đường và những bệnh liên quan được gộp chung thành “bệnh lối sống” và chúng là nguyên nhân gây ra 74% các ca tử vong do bệnh tật ở Tonga. Ngành y tế nước này thống kê được rằng, năm 2000 mức chi từ ngân sách cho y tế bình quân đầu người là 163 USD, đến năm 2017 đã tăng lên 245 USD, chiếm đến 12% tổng chi ngân sách.
Trước những lo ngại tình trạng béo phì kéo lùi đất nước, chính quyền Tonga đã ban hành biểu thuế mới, được đặt lên long là “thuế béo”, áp thêm mức 0,15 USD/kg các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu. Một chương trình quốc gia là Mai-e-Nima khuyến khích nhà trường cung cấp 5 khẩu phần ăn gồm hoa quả và rau cho học sinh mỗi ngày.
“Nếu các nhà lãnh đạo tự nguyện tập luyện và thay đổi chế độ ăn uống, họ sẽ làm gương được cho công chúng”, Thủ tướng Akilisi Pohiva đặt niềm tin. “Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đấu xem ai giảm được nhiều cân hơn, nhưng một khi đã nhận cược tức là anh phải nghĩ đến khẩu phần ăn của mình để có cách điều chỉnh”.