| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 03/11/2014 , 09:00 (GMT+7)

09:00 - 03/11/2014

Lỗi đâu phải do người lao động

Chuyện tiền lương lại tiếp tục làm nóng nghị trường kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 này, khi Chính phủ cho rằng chưa thể tăng lương cho bộ máy theo lộ trình vào năm 2015, do cân đối ngân sách khó khăn.

Còn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì lý giải thêm về lý do chưa thể tăng lương vì bộ máy còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp… khiến ngân sách bị áp lực rất nặng nề.

Hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức đang nín thở chờ quyết định cuối cùng. Vì việc tăng lương hay không có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ.

Những lý do mà Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đưa ra để lý giải cho việc chậm tăng lương cho bộ máy, rõ ràng là không thuyết phục.

Để bộ máy cồng kềnh, phình to, có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tuyển dụng người.

Muốn tuyển một người vào bộ máy, trước hết cần đặt câu hỏi: Tuyển vào để làm gì? Có đủ việc cho họ làm không? Vị trí đó có thực sự cần thiết không? Có ảnh hưởng đến quỹ lương không?...

Bộ máy đã phình quá to trong khi các địa phương vẫn ồ ạt xin thêm biên chế, hàng chục vạn người vẫn tìm cách nhao vào biên chế.

Ở đây cũng có phần trách nhiệm của Quốc hội. Trong việc để bộ máy phình to, vai trò giám sát của Quốc hội ở đâu?

Công việc đáng 2 người làm, nhưng tuyển vào đến 4 người. Trong 139.000 cơ quan hành chính, ngoài 139.000 ông trưởng, còn thêm đến gấp 5 lần số lượng ông phó nữa, trong khi mỗi cơ quan thực sự chỉ cần 1 đến 2 ông phó (Bộ Ngoại giao của Mỹ chỉ có 1 thứ trưởng, thì năng suất lao động, hiệu quả công tác thấp, trong khi quỹ lương tăng thêm, gây ảnh hưởng đến ngân sách, là lẽ đương nhiên.

Lỗi ấy đâu phải do người lao động? Lỗi đó hoàn toàn thuộc về người tuyển dụng và bố trí lao động.

Chưa thể tăng lương vì bộ máy còn cồng kềnh. Thế đến bao giờ thì bộ máy hết cồng kềnh? Đề án từ nay đến năm 2020 phải cắt giảm được 100.000 người trong bộ máy, liệu có làm nổi không, khi mà báo cáo trình Quốc hội mới đây nhất, Bộ Nội vụ vẫn chủ trương chỉ giữ nguyên số lượng công chức, viên chức trong bộ máy từ nay đến hết năm 2016? Mà giả sử từ năm 2017 trở đi có làm được, thì con số giảm đó vẫn chỉ như “muối bỏ bể” trong cái khối công chức, viên chức khổng lồ kia.

Nghĩa là bộ máy vẫn chưa hết cồng kềnh. Vậy chẳng lẽ từ nay đến năm 2020, vẫn chưa thể tăng lương cho bộ máy, vì nó vẫn… cồng kềnh, hay sao?

Bình luận mới nhất