| Hotline: 0983.970.780

Lợi ích lớn từ điện mía

Thứ Ba 29/03/2011 , 10:42 (GMT+7)

Nhờ việc dùng bã mía để phát điện, trong vụ mía năm nay, Cty CP Đường Ninh Hoà đã không còn phải phụ thuộc vào nguồn điện từ hệ thống điện lưới quốc gia.

Những năm trước, trong mỗi vụ ép mía, Cty CP Đường Ninh Hoà lại phải bỏ ra không ít tiền để chi trả tiền điện và chi phí cho việc xử lý bã mía. Nhưng từ vụ mía 2010-2011, công ty không cần phải bỏ ra những khoản tiền đó nữa.

Dư điện xài

Theo kỹ sư Hồ Nhẫn, Trưởng phòng Kỹ thuật Cty CP Đường Ninh Hoà, cứ mỗi tấn mía đem ép thành đường, sẽ thải ra 340 kg bã. Năm nay, sản lượng mía ép của Cty là 300 ngàn tấn, tính ra, sẽ có tới 102 ngàn tấn bã mía.

Mọi năm trước, với lượng bã lớn như trên, Cty CP Đường Ninh Hoà lại phải đau đầu với bài toán xử lý, bởi diện tích của công ty không lớn, khu vực để chứa bã rất chật hẹp. Cty thường phải thuê xe chở bã đi đổ xuống các ruộng mía, nhưng cũng không thể giải quyết hết. Giải pháp dùng bã mía để đốt lò gạch cũng đã được thử nghiệm nhưng không hiệu quả, nên lại bỏ.

Trước khi bước vào vụ mía năm nay, Cty CP Đường Ninh Hoà đã quyết định đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến, đồng thời lắp đặt hệ thống lò hơi và tuabin phát điện bằng bã mía. Cứ mỗi tấn bã mía, hệ thống này lại tạo ra được 209 KW điện. Với 102 ngàn tấn bã mía, sản lượng điện trong mùa ép mía năm nay (4-5 tháng) dự kiến vào khoảng trên 21 triệu KW.

Cũng theo kỹ sư Hồ Nhẫn, hiện tại trung bình mỗi giờ, Cty CP Đường Ninh Hoà đang tự làm ra được 7.200 KW điện. Trong khi đó, công ty chỉ cần khoảng 4.700 kWh là đáp ứng đủ nhu cầu chế biến đường và các nhu cầu điện khác. Như vậy lượng điện làm ra từ mỗi giờ hoạt động của hệ thống phát điện bằng bã mía đang giúp cho Cty này có dư điện để xài. Chỗ điện dư thừa còn lại, Cty đã ký hợp đồng bán cho điện lực Khánh Hoà với giá 550 đ/kWh để đáp ứng thêm nguồn điện phục vu nhu cầu của địa phương.

Nhờ việc dùng bã mía để phát điện, trong vụ mía năm nay, Cty CP Đường Ninh Hoà đã không còn phải phụ thuộc vào nguồn điện từ hệ thống điện lưới quốc gia. Theo đó, đơn vị đã chủ động được kế hoạch sản xuất mà không cần phải quan tâm tới lịch cắt điện luân phiên của điện lực địa phương. Do vụ mía chưa kết thúc, nên đến thời điểm này, Cty vẫn chưa tính được chính xác sẽ tiết kiệm và làm lợi thêm được bao nhiêu tiền từ việc dùng bã mía phát điện. Nhưng với những con số như trên, tạm tính ra, cứ mỗi giờ phát điện, Cty đã tự tiết kiệm và làm lợi thêm cho mình được hàng triệu đồng. Đấy là chưa tính tới khoản chi phí không phải bỏ ra để đem bã mía đi đổ xuống ruộng như những năm trước.

Đáp ứng 10% nhu cầu điện cả nước

Ngoài Cty CP Đường Ninh Hoà, đến thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp mía đường đã hoặc đang chuẩn bị đầu tư hệ thống phát điện từ bã mía. Cty CP Mía đường Sóc Trăng đã lắp đặt hệ thống phát điện từ bã mía với công suất 3 MWh, đồng thời đã đầu tư hệ thống truyền tải điện để hoà vào lưới điện địa phương. Cty Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai đã nâng công suất Nhà máy điện bã mía từ 3 MWh lên 12 MWh, vừa đảm bảo đủ nhu cầu điện sản xuất của Cty, vừa có nguồn điện dư thừa hoà vào lưới điện quốc gia. Một “đại gia” trong ngành mía đường là Cty CP Mía đường Lam Sơn cũng đã làm hệ thống lò hơi đốt bằng bã mía để chạy tuabin phát điện với công suất 12 MW …

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Cty CP Đường Biên Hoà, cả nước ta hiện có khoảng 40 nhà máy đường, nhưng chỉ mới có vài nhà máy làm hệ thống phát điện từ bã mía, nhưng các nhà máy điện mía hiện có vẫn còn tiêu tốn hơi và sử dụng lò hơi áp lực thấp. Trong khi đó, tiềm năng sản xuất điện từ bã mía rất lớn. Nếu áp dụng công nghệ mới, từ mỗi tấn mía có thể làm ra 100 kWh điện. Dự kiến đến năm 2020, sản lượng mía của nước ta là 24 triệu tấn. Nếu vào thời điểm đó, toàn bộ lượng bã mía ở tất cả các nhà máy đường đều đã được đốt để chạy máy phát điện, thì sản lượng điện thu được sẽ là 2.400 MW, bằng một nửa công suất của một nhà máy điện hạt nhân và tương đương với 10% nhu cầu điện của cả nước.

Nhà nước cần có một hành lang pháp lý để khuyến khích việc sản xuất năng lượng tái tạo, trong đó có sản xuất điện từ bã mía, qua đó có chính sách trợ giá để các nhà máy đường có thể bán điện mía vào hệ thống điện lưới quốc gia với giá 7 cent/kWh. Vì nếu tính cả việc trợ giá nói trên, hiệu quả kinh tế từ việc phát điện bằng bã mía vẫn rất lớn: lượng điện tiết kiệm nhờ giảm tiêu hao tổn thất truyền tải điện là 842,4 triệu kWh; chi phí tiết giảm hàng năm do giảm tiêu hao tổn thất truyền tải điện (nhờ sử dụng các nguồn điện phân tán) là 36,5 triệu USD; dùng bã mía phát điện sẽ tiết kiệm được lượng than đá dùng để phát điện có giá trị tương đương với 84,24 triệu USD. Như vậy, lợi ích tổng cộng từ việc sử dụng tất cả nguồn bã mía để phát điện sẽ là 120,744 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Cty CP đường Biên Hoà

Không những thế, việc dùng bã mía phát điện còn mang lại nhiều lợi ích khác. Trước hết đây là nguồn năng lượng tái tạo, nên góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2, tiết kiệm tài nguyên hoá thạch. Các nhà máy đường tự chủ hoàn toàn được nhu cầu điện, qua đó giảm đáng kể chi phí sản xuất. Điện mía sẽ góp phần phát triển điện nông thôn, giảm chi phí tổn thất điện, giảm thời gian bổ sung nguồn phát.

Tiềm năng lớn là thế, nhưng việc đầu tư xây dựng các lò hơi phát điện từ bã mía ở các nhà máy đường hiện còn khá dè dặt, nhất là khâu mở rộng công suất để phát lên lưới điện quốc gia. Bên cạnh những rào cản về công nghệ, về vốn, giá bán điện mía vào hệ thống điện lưới quốc gia còn khá thấp so với các nước trong khu vực, cũng là một vấn đề gây trở ngại không nhỏ. Ông Lộc cho biết, ở các nước sản xuất mía lớn trong khu vực như Thái Lan, Philippines, điện mía được coi là nguồn năng lượng tái tạo nên giá bán được tính tới 7 cent/kWh.

Còn ở nước ta, do chưa được coi là nguồn năng lượng tái tạo nên giá bán điện mía cho ngành điện lực hiện chỉ có 4 cent/kWh. Với giá bán ấy, các nhà máy đường gần như không có lời. Vì thế, khi đầu tư hệ thống phát điện mía hiện nay, các nhà máy mới chỉ tính tới việc tự chủ được nguồn điện sản xuất tại chỗ, nếu có dư thì bán cho điện lực để thu được đồng nào hay đồng đó, mà chưa tính tới việc đầu tư bài bản để có nhiều sản lượng điện phát vào hệ thống điện lưới quốc gia.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất