| Hotline: 0983.970.780

Lợi ích nhóm đang can thiệp vào quy hoạch?

Thứ Bảy 14/12/2019 , 07:10 (GMT+7)

Khi quy hoạch bị lèo lái bởi những động cơ ngoài quy hoạch, thì quy hoạch không còn tác dụng tích cực nữa! 

08-54-35_quy_hoch_noi_bi
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vừa được Chính phủ yêu cầu rà soát quy hoạch để đảm bảo phát triển trong tương lai.

Nói về kế hoạch thuê chuyên gia Singapore để có quy hoạch đến năm 2030 cho thành phố đáng sống nhất miền Trung, Bí thư Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa chia sẻ: “Mọi thứ phải rõ ràng và được triển khai bài bản, chính quyền không theo đuôi doanh nghiệp vì như thế là lợi ích nhóm”.

Sự thổ lộ nghiêm túc ấy, khiến công chúng phải giật mình nghĩ thêm về sự chi phối của doanh nghiệp đối với các quy hoạch lớn nhỏ trên khắp nước ta.

Tại diễn đàn Quốc hội, hơn một lần các Đại biểu Quốc hội đã trình bày những băn khoăn của cử tri về quy hoạch. Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt nhận định: “Cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, và mỗi lần quy hoạch điều chỉnh thì luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng.

Chính điều này đã gây bức xúc cho xã hội, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập ở các thành phố lớn. Suy cho cùng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất làm nát quy hoạch, dẫn tới đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí thất thu ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy khác trong cuộc sống”.

Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang không phủ nhận chuyện quy hoạch phải điều chỉnh với thực tế cuộc sống, tuy nhiên ông cảnh báo điều chỉnh quy hoạch đang còn nhiều khuất tất: “Thực tế nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi, theo tư duy chủ quan hoặc đề xuất của chủ đầu tư.

Việc điều chỉnh cục bộ nhiều trường hợp chưa tương xứng, gây thất thoát nguồn thu của nhà nước, tạo áp lực lên hạ tầng xã hội. Quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cần phải công khai từ khâu đề xuất, lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp”.

Một rắc rối liên quan đến quy hoạch đó là… phương án đổi đất lấy hạ tầng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hiện có nhiều bất cập trong việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Các bất cập hay gặp là chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán tại thời điểm tạm tính làm cơ sở đấu thầu dự án đầu tư và khi có quyết định giao đất, cho thuê đất. 

Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước! 

Để quy hoạch phát huy được giá trị kích hoạt sự vận động đi lên của xã hội, không thể không đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Có quy hoạch được đưa ra vài chục năm mà vẫn ì ạch và đầy hoang mang, mà tiêu biểu là khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa tại TPHCM. Quy hoạch được phê duyệt từ năm 1992, nhưng đến nay đã nay vẫn còn là một siêu dự án tiềm ẩn.

Bởi lẽ, hết nhà đầu tư nọ đến nhà đầu tư kia cứ ngắm nghía khen chê rồi án binh bất động. Hậu quả, nhà cửa nhếch nhác vì không được phép sửa chữa, và người dân trong quy hoạch chỉ biết kêu trời.

Bây giờ, Bình Quới - Thanh Đa vẫn mang dáng vẻ của một vùng ngoại ô lam lũ của hơn hai thập niên trước! Vì vậy, quy hoạch cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, chứ không thể hồn nhiên bay bổng theo trí tưởng tượng của những người dồi dào năng lượng lạc quan.

Một trong những hạn chế mà quy hoạch ở Việt Nam đang tồn tại, chính là tính công khai và tính minh bạch. Thông tin về quy hoạch cứ úp mở không được kiểm soát, trở thành cơ hội cho những kẻ đục nước béo cò giành lấy miếng ngon, miếng ngọt.

Vì sao một số kẻ đang chiếm lợi thế nhất thời biết trước khu vực ấy sẽ quy hoạch cái gì để đầu cơ? Rõ ràng, ở đây còn cần lưu ý thái độ liêm chính. Người tham gia vào quy hoạch đã biến nhiệm vụ được giao để thu vén lợi ích cho mình và cánh hẩu, thì có dấu hiệu của tội danh tham nhũng đấy.

Và khi có lợi ích ban đầu của quy hoạch được chiếm dụng rồi, thì cũng khó trách những kẻ chậm chân hơn sẽ tranh thủ quyền lực để tìm kiếm lợi ích tiếp theo, và cuối cùng là quy hoạch rối tung rối mù.

Ai nỡ quá vỡ quy hoạch? Tất nhiên, không phải người dân lương thiện, vì họ luôn thụ động trước mọi dịch chuyển của quy hoạch. Và khi quy hoạch bị lèo lái bởi những động cơ ngoài quy hoạch, thì quy hoạch không còn tác dụng tích cực nữa!

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai còn nhiều khoảng trống, chồng chéo, thiếu đồng bộ. Công tác lập quy hoạch ở một số nơi còn chậm so với nhu cầu phát triển, dẫn đến việc khi có quy hoạch rồi phải điều chỉnh lại dự án, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đồng thời làm số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn, như con đường đắt nhất hành tinh… Việc quy hoạch còn tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư, tạo ra khu đô thị chật chội và không an toàn”.

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất