| Hotline: 0983.970.780

Lời khẩn cầu những loài cá lừng danh

Thứ Tư 24/11/2010 , 10:16 (GMT+7)

Suốt thời gian tìm hiểu về đời sống của người nuôi cá ĐBSCL, chúng tôi chỉ bắt gặp nước mắt và những lời khẩn cầu quá đắng cay

Là miền đất nổi tiếng cả thế giới về những loài cá nước ngọt như cá tra, cá basa, cứ tưởng nông dân vùng ĐBSCL quý cá như con. Nhưng suốt thời gian tìm hiểu về đời sống của họ chúng tôi chỉ bắt gặp nước mắt và những lời khẩn cầu quá đắng cay.

>> Nước không nổi, dân ''chết'' chìm
>> Đời thương hồ
>> Xin lỗi ruộng đồng
>> Mơ được... nghèo
>> Nợ nần quẫn bách
>> Cận cảnh nông dân Nam Bộ

Tỷ phú bỏ làng đi bụi

Không chỉ có lúa gạo, những loài cá nước ngọt như cá tra, basa góp phần làm nên thương hiệu của vùng đất trù phú này. Những loài cá một thời được truyền tụng như một phép màu biến nông dân thành tỷ phú còn nhanh hơn cả buôn ma túy. Quanh công viên tượng đài cá tra, basa (Châu Đốc, An Giang), biểu tượng của loài cá nước ngọt trên trường quốc tế, mặt hàng chiến lược quốc gia… là những ấp hàng bè. Nơi một thời nhà nông xem tiền tỷ là chuyện nhỏ. Vậy mà bây giờ những tỷ phú ấy số thì bỏ làng trốn nợ, số đang ngày ngày chèo ghe mướn, bữa đói bữa no.

Anh Nguyễn Văn Hường (42 tuổi) ở ấp Phúc Thọ, xã Đa Phước, huyện Long Mỹ cũng từng là một tỷ phú thời cá tra, cá basa đang lên cơn sốt. Thời mà gia đình anh Hường cũng như bao hộ nông dân nuôi cá khác ở ấp Phúc Thọ mỗi lần có dịp ra ngoài chỉ việc với tay vào tủ xắn một khúc tiền chẳng cần đếm bao nhiêu. Vậy nhưng phũ phàng thay, hiện hai vợ chồng cùng ba đứa con tá túc trên một chiếc ghe xập xệ. Năm miệng ăn chỉ trông chờ vào xấp vé số chị vợ đi bán, mấy cắc bạc lẻ anh chồng chèo ghe mướn hàng ngày. “Mèn ơi, không có nhà nào tránh được thất bại cả. Đào đâu ra tỷ phú nữa, vỡ nợ bỏ đi bụi hết rồi”. Câu chuyện của Hường bắt đầu như một thước phim bi kịch về số phận chung của hàng vạn hộ dân nuôi cá ở vùng châu thổ An Giang, Đồng Tháp…

Anh Hường kể rằng, những năm 1990, cả ấp có cái tên lộc trời lộc phật này hầu như chẳng có hộ nào nghèo. Nhà nhà làm bè cá và giàu lên rất nhanh chóng. Ban đầu chỉ mấy hộ nuôi lẻ tẻ ở ngã ba sông Châu Đốc dần dà cả tỉnh An Giang, Đồng Tháp số hộ nuôi lên đến hàng ngàn, hàng vạn rồi…không đếm xuể. “Dọc các con đường trong ấp xe hơi chạy vù vù. Lúc phất nhất có mấy chục tỷ phú. Họ ăn chơi dữ lắm, xài tiền theo kiểu ngắt từng khúc một, chẳng cần đếm…”. Nhà nào không có tiền đầu tư chỉ việc đi làm mướn cho các tỷ phú cũng dư sức sống. Thấy dân sông nước phất lên nhanh quá, nông dân khắp vùng châu thổ này ồ ạt lao vào đóng bè cá. Đóng một bè cá vừa vừa, nuôi trên dưới 100 tấn giá tròm trèm 200 triệu đồng, bè lớn hơn thì 500, 700 triệu đồng tùy kích cỡ, loại cây. Nhiều người không biết tí gì về nghề cá cũng vay mượn, một mình không đủ thì rủ thêm người hùn. Bùng phát trong vòng khoảng 10 năm, từ 1990 đến năm 2000, chỉ riêng khu vực làng bè ngã ba sông Hậu đã có trên 4.000 chiếc, đan kín bè với bè trên một dòng sông. Giá cá bán ra lúc nào cũng lãi ít nhất 4-5 ngàn/kg. Chỉ cần làm một vụ vài tấn thôi tiền đã chất đầy tủ.

Tất cả như một giấc mơ cho đến những năm 1996 thì bắt đầu đen tối. “Lượng sản xuất ra ồ ạt quá, nhà máy chế biến ép giá, cá tồn đọng hàng mấy chục ngàn tấn. Giá rớt thê thảm, từ mười mấy ngàn một ký, đến khi năm bảy ngàn cũng bị ép lên ép lên ép xuống. 4-5 vụ liền như thế, hỏi sao không sạt nghiệp được. Vay mượn ngân hàng tiếp tục đầu tư vụ sau gỡ lại nhưng hàng chục năm nay chẳng có vụ nào lãi. Nợ nần đổ dồn thêm chồng chất, liên tiếp hàng loạt nhà bè bị ngân hàng phát mãi tài sản, nhiều chủ bè giàu lên nhanh một thì tay trắng nhanh mười”. Anh Hường ngậm ngùi. Những vụ cá thất bát sau đó kéo không biết bao nhiêu tỷ phú trở về với “máng lợn”. Ngay chính gia đình Hường cũng bị nợ đè cho kiệt quệ. Hai vợ chồng cứ ngơ ngác nhìn tiền ném xuống bè cá. Bình quân cứ một vụ cá phải đầu tư cả trăm triệu.

Liên tiếp vài vụ, tiền tỷ đổ xuống chẳng bao giờ có thể vớt lại được nữa. Đến vụ thất bại thứ 5 thì gia đình tuyên bố bể nợ. Ghe xuồng, bè cá, nhà cửa ruộng vườn đều bị ngân hàng lôi ra phát mãi. Vợ chồng, con cái kéo nhau lên ghe sống lay sống lắt để lại một số nợ mà anh dự đoán phải 3-4 đời nữa may ra mới trả hết. Dọc theo những làng bè sông Hậu, bao nhiêu nông dân mất nhà mất cửa không ai biết nhưng trong ấp cứ thưa người dần. Hỏi chuyện cá nông dân đều lè lưỡi: “Có chết cũng không dám làm nữa. Chỉ còn nước bỏ làng đi bụi thôi. Đến đâu thì đến”.

Giá nào cũng lỗ

Chuyện ở ấp Phúc Thọ chỉ là một điển hình trong vô vàn những làng quê một thời cắm đầu vào những loài cá lừng danh. Tất cả đều có chung một kết cục là trắng tay. Cũng có người cố gắng cầm cự, nhưng không phải để hi vọng trả nợ hay thoát nghèo mà đơn giản chỉ vì tiếc tiền công đào ao bây giờ không lấp được. Phải mất gần một buổi hỏi han đủ người chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Hữu Nguyên (63 tuổi), một nông dân hiếm hoi còn “dám liều” với hầm cá. Quả thật hơi ngần ngại khi ngay ở câu đầu tiên ông đã sụt sùi: “Tui khóc vì cá nhiều lắm rồi, cả cái xã này giờ tui đố các chú hỏi người nuôi cá mà họ chịu nói gì mới lạ. Ai cũng sợ quá rồi mà. Xưa vung tiền trăm giờ đi kiếm tiền đồng cũng khó nữa, ngoài đồng thì xác xơ, trong nhà tan nát hết. Dân tình tán loạn tứ xứ cả”.

Hơn chục năm nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (huyện An Phú, An Giang), với ông Nguyên giai đoạn thịnh thì ít mà tàn lụi thì nhiều. Bình quân để nuôi được 100 tấn cá tra thì người nuôi cần đến 1,5 tỷ tiền vốn. Chừng ấy thời gian nuôi ông Nguyên lỗ gần 4 tỷ đồng, tất cả đều đi vay mượn với lãi suất cao. “Thời trúng vụ, được giá trả nợ là chuyện thường nhưng đồng thời phải là lúc giá thức ăn thấp. Nhưng nông dân từ lúc lao đầu vào đến giờ vẫn chỉ biết chạy theo thôi. Giá thức ăn, giá cá đều do các doanh nghiệp tự tung tự tác, không sạt nghiệp mới là chuyện lạ”.

Nhiều địa phương vùng thuộc châu thổ ĐBSCL mà chúng tôi đi qua diện tích treo ao hầm nuôi cá tra, basa ít nhất cũng 50-60%. Có những vùng cả ấp không một hộ nào nuôi, 100% ao hầm hoang hóa hết. Những hộ như ông Nguyên thực tế là đang nuôi nhưng hỏi vụ sau có làm tiếp không thì họ bức xúc: “Làm mà chết thì làm làm gì. Giả sử có muốn nuôi cũng cụt vốn vì lỗ liên miên, đào đâu ra”. Các làng bè tỷ phú một thời giờ nghề thịnh hành nhất là phá bè bán gỗ.

Nhưng năm nay giá cá cao thế cơ mà? Dường như ngậm ngùi về câu hỏi của một người ngoại đạo, ông nhếch mép: “Giá cá tra đã tăng lên trên mức 20.000 đồng/kg, nghe thì oách thế chứ thật ra chẳng có vị gì đâu. 99% nông dân ở vùng châu thổ này người ta bỏ ao, bỏ hầm nuôi hết là vì cái gì? Vì nuôi năm nào cũng lỗ, cũng đổ nợ, cũng sạt nghiệp đó. Giá nào thì giá rồi cũng lỗ mạt mặt cả thôi. Nghe có vẻ lạ, nhưng thực tế thì nghề nuôi cá tra, cá basa đã cùng đường lắm rồi. Đây đang là thời điểm giá cá cao nhất từ trước đến nay nhưng hạch toán kỹ tiền đầu tư vào vẫn cao hơn. Một kg cá bán được hai chục ngàn nhưng phải mua thức ăn với giá 9.400 đồng/kg loại 26 đạm, cộng với tiền thuốc, tiền công ít nhất phải đổ vào 25 ngàn/kg. Giá cá hàng chục năm mới tăng một nhưng giá thức ăn hôm trước hôm sau đã tăng 5-6 lần.

Gần chục năm nay chưa có năm nào tiền bán cá cao hơn tiền đầu tư cả”. Nghe lão nông này hạch toán một tràng mới hay nghề nuôi cá vốn nổi tiếng vào loại bậc nhất miền sông nước này bi thảm thật. Từ ngày bắt tay vào nuôi cá ông Nguyên gia nhập “hội nghề cá” của xã với gần năm chục người. Thời huy hoàng những người trong hội này cho nhau mượn một hai tỷ bạc là chuyện bình thường. Vậy mà bây giờ cứ đến hẹn phải trả lãi là vợ chồng con cái bàn cách lánh đi đâu đó vài ngày. Thử nhờ ông tìm thêm một người trong hội ngày xưa để hỏi thông tin liền lắc đầu quầy quậy. “Còn ai nữa đâu. Bể nợ hết rồi, tui có làm nột vụ này nữa rồi giá nào cũng phải bỏ không biết đến đời nào mới hết nợ đây. Đi tất cả vùng nà nếu tìm được một người dám nuôi tiếp thì tôi đi đầu xuống đất”.

Cuộc “cách mạng cá” được tung hô một thời đẩy rất nhiều nông dân Nam Bộ vào những bi kịch quá xót xa. (Hết)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm