| Hotline: 0983.970.780

Lời khẩn cầu từ Pắc Cạm

Thứ Tư 17/03/2010 , 10:19 (GMT+7)

Khó khăn nhất của Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) phải kể đến bản Pắc Cạm A nơi có 55 hộ người Mông sinh sống...

Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai Lầu Mí Páo thống kê xã có 12 bản với trên 1.000 hộ gồm các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, Giáy thì có 367 hộ nghèo. Ông cho tôi xem danh sách 77 hộ được cứu đói đợt Tết vừa qua, gần 100% trong số đó không biết ký tên mà điểm chỉ đỏ loè cả mấy trang giấy.

>> Đói thấu mùa giáp hạt
>> Leo 20 km đường núi lấy một can nước

Vị Phó chủ tịch còn nhiệt tình cử một cán bộ xã đội người Mông, nói khá thông thạo tiếng phổ thông làm “phiên dịch” giúp tôi xuống thực tế thôn bản bởi 12 trưởng bản đều không nói được tiếng Kinh, không biết chữ. Thế nên mới có chuyện những sách báo, công văn giấy tờ gửi về, cái nào có tranh ảnh đèm đẹp được cắt dán lên tường, còn không cứ bó lại như bó lúa, ôm ngô, cất kỹ trên giàn bếp, một thời gian sau là khói bụi đen sì chẳng luận ra chữ nào.

Khó khăn nhất của Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) phải kể đến bản Pắc Cạm A nơi có 55 hộ người Mông sinh sống. Ở Khâu Vai con mắt tôi đã không còn lúc nào cũng nhìn thấy màu xám xịt của đá tai mèo mà tại đây có nhiều đất hơn, nhiều cây hơn, nhưng cái nghèo cũng tương tự như Lũng Pù.

Nương ngô ở bị vùi lấp hết

Trưởng bản Vừ Chá Tủa đón tôi trong căn nhà lập loè đèn dầu, còn cả bản tối thui, những nếp nhà lẩn khuất vào bóng núi. Kinh tế nhà anh Tủa thuộc diện khá nhất bản, có mấy con bò, con lợn cùng một chiếc xe máy Tàu, còn lại bà con đa số đều thiếu đói cả. Có một điều cả chiều muộn hôm đó tôi băn khoăn không hiểu là sao ở đây nhiều đất vậy mà bà con vẫn nghèo, anh Tủa bảo cứ sáng ra, dẫn cán bộ đi xem thực tế mới biết nguyên nhân. Sáng hôm sau, lần theo những đường mòn, chúng tôi leo đi men theo dòng Nho Quế ngược lên phía thượng nguồn. Hai bên núi đã hình thành những cái hang khổng lồ, bị khoét sâu vào trong để moi quặng ăng ti mon. Những con đường mở vào bãi khai thác cũng như đất đá từ các mỏ tuôn trào ra, lấp kín nương rẫy của bà con bên dưới, chẳng cây cối nào sống nổi, kể cả trồng cỏ voi ở đấy. Tôi ngộ ra rằng, cái nghèo ở đây một phần do thiên nhiên khắc nghiệt, một phần bởi con người tác động vào.

Cty Hoa Cương bắt đầu làm đường chạy qua nương rẫy của bà con Pắc Cạm đến tận bên Niệm Tòng để khai thác quặng ăng ti mon vài năm nay. Trưởng bản Tủa kể: “Lúc đầu họ thử áng diện tích bằng mắt chứ không đo rồi đền cho một mét vuông được 2.000đ, dân không đồng ý bảo ít quá. Năm 2009, họ đem thước đi đo phần đường chạy qua nương, mỗi mét vuông được đền 7.000đ nhưng không đo diện tích đất bị lở bởi đá, đất từ làm đường, từ khai thác quặng nên dân cũng không chịu. Người của Cty bảo chúng mày không lấy tiền đền bù thì thôi. Dân bản sợ quá đành bảo nhau lấy thôi, không nó không trả tiền, không có gì mà mua ngô nấu mèn mén. Thế là dân mới chỉ nhận một lần đền bù đầu năm 2009 cho vụ ngô của năm 2008 rồi từ đó đến nay chẳng được gì”.

Ngay gốc đa giữa bản có nguồn nước, Cty Hoa Cương làm bể xi măng lấy hết nước, dân không có nước để chạy máy phát điện nên từ năm 2007 tới giờ, chiếc ti vi duy nhất của bản để ở nhà ông Vừ Sính Mua cũng bị bỏ không, bồ hóng phủ đen kịt. Nước từ nguồn đó Cty cũng không cho dân lấy để sinh hoạt nữa bởi họ bảo có bụi quặng ngấm vào nước, uống sẽ chết. 

Người dân Pắc Cạm đồng loạt kêu cứu vì nương ngô bị vùi lấp

Bà Vừ Thị Lía chìa cho tôi 2 giấy đền bù 1.000 m2 và 213 m2, được có mấy triệu đồng. “Họ chỉ đền có phần con đường chạy qua, mà đất từ con đường đang làm sạt xuống lấp hết nương ngô bên dưới thì không được đền. Số đất ngô ấy nó còn rộng gấp 5-7 lần đất của con đường mà Cty đền. Mỗi vụ nhà tôi thu 150 xinh ngô cơ”. Lầu Mí Chơ dẫn tôi đi chụp ảnh nương ngô nhà anh, nơi đất đá to bằng cái ấm, cái mũ đã phủ kín hết, muốn đến đấy Chơ phải bò cả bằng tay lẫn chân. Nương nhà Chơ rộng nhất bản, thu mỗi vụ 250 xinh ngô mà chỉ được đền có 4, 2 triệu đồng và hỗ trợ thêm được 300.000đ, không đủ mua ngô ăn một vụ. Giờ đây diện tích đó gần như bị bỏ hoang hoàn toàn, chỉ thu nổi 2-3 xinh ngô. Có tới 18 hộ ở Pắc Cạm A có nương ngô bị vùi lấp trong bùn đất. Đại đa số đều phản ánh chỉ được đền bù phần con đường chạy qua nương, còn đất đá vùi lấp không thể trồng ngô nổi bên dưới con đường, chẳng thấy được đền bù gì cả.

Đã mấy vụ ngô trôi qua, Cty chỉ đền có một lần, đủ tiền mua ngô ăn một vụ. Dân bản giờ đang đói nháo nhác vì thiếu ngô ăn. Không có ngô bán nên thiếu tiền mua vải mặc, nhiều người đã mấy năm không có một bộ quần áo mới, toàn mặc quần áo cũ bạc phếch, rách tươm đến dăm bảy miếng, mỗi miếng to cả bàn tay đút lọt như chiếc áo của Lầu Mí Tủa mặc hôm gặp tôi. Đã thế, trong những văn bản đền bù của Cty Hoa Cương mà dân gửi cho tôi, đều chua thêm câu đầy tính răn đe: "... từ nay trở đi ông còn đi khiếu kiện Cy với các cấp, các ngành thì ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật".

Hết chuyện nương rẫy bị vùi lấp, lại đến chuyện dân trí hạn hẹp quá. Những người học cao nhất bản, nhiều chữ nhất bản cũng không hơn gì người thất học, thậm chí kinh tế còn nghèo hơn. Vừ Mí Và đã học hết lớp 6 nhưng chữ đã quên gần hết, nói tiếng Kinh như người nước ngoài mới bập bõm vài câu tiếng Việt. Nhà Và mới tách hộ được hai tháng nên tự chặt cây làm nhà, lợp cỏ gianh và căng bạt để chống cái lạnh thấu xương miền sơn cước. Trong nhà không có cái giường nào, cũng chỉ có cỏ tranh rải ngay ra đất rồi trải chiếc chiếu ra làm chỗ ngủ cho 2 vợ chồng và 4 đứa con. Cả 4 đứa đều không được làm giấy khai sinh, chẳng nhớ rõ ngày sinh, tháng đẻ. Không lợn, không bò, không có đất gieo ngô trồng lúa, Và chỉ có 1 con gà, 1 chiếc xoong nhôm, 1 chiếc điếu cày, 5 đôi dép nhựa tổ ong. Tết đến nhà Và không có thịt treo mà ăn. Vợ ở nhà ôm đàn con nheo nhóc đã đành nhưng Và cũng chẳng dám đi làm thuê ở đâu cả vì nỗi sợ rất mơ hồ rằng: “Bọn người xấu vào ăn trộm trẻ con, tao phải ở nhà trông”.

Đói, Và xin ngô của các chú, các anh rồi lại làm giúp để trả nợ miệng. Ngôi nhà trống không, nồi mèn mén bé tí cũng đã vét sạch, chắc chắn là lũ con của Và cũng bị đói mềm người. Già Mí Co đã học hết lớp 9 nhưng tôi bảo viết chữ, Co cũng chẳng viết nổi. Nhà Co hơn Và một tí là có cái giường tự đóng và một con lợn độ 30 kg trong chuồng. Lúc tôi đến vào gần trưa mà Co vẫn đang ôm một người đàn ông khác ngủ, mồm gáy khò khò trong trận say mềm người của tối hôm trước. Hai cái chén bẩn thỉu vứt lăn lóc gần chiếc chiếu đã đen xỉn… (Còn nữa)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất