| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 27/07/2019 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 27/07/2019

Lời nguyện cầu dành cho nhau

Tháng 7 Sài Gòn mưa hẹn giờ. Ngày nào cũng ít nhất một trận, thường là tầm chiều, khi mọi người tan sở.

Không mấy ngày nữa sẽ là tháng 7 âm lịch, tháng ngâu, tháng cô hồn, tháng vong nhân và cũng là những ngày Vu lan, báo hiếu. Nói chung là mưa mỗi ngày rồi sẽ là mưa lê thê dầm dề, mưa mưa mưa.

Ảnh minh họa.

Là người có cha bỏ mình trong lao tù thời ông Diệm, có chồng của chị gái và em gái là liệt sĩ. Cũng có những người bà con họ hàng chết trận vốn là người của phía bên kia, hoặc phế tàn mà không thuộc bên nào cả. Thôi thì ngổn ngang người chết và người sống dở chết dở bởi chiến cuộc.

Đi giỗ, đi thăm, chia sẻ bằng nhiều cách cho nhau từ lâu không còn nghĩ bên nào với bên nào. Buồn thương đã thành hành trang của quá khứ và của hiện tại. Bổn sư và người đến chùa hoặc trong từng gia đình vào những ngày sụt sùi cúng bái đều cầu xin mọi vong linh chứng chiếu cho lòng thành của đám người đang thở than này.

"Bài ca không quên" nghe thấm thía. "Huyền thoại mẹ" thì “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa. Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ. Canh chừng bước chân thù mẹ ngồi dưới cơn mưa”. Hiện thực trang trọng. Biên địa lại đao binh. "Màu hoa đỏ" nghe sởn cả gai ốc, lại bà mẹ và những đứa con “Chiều biên cương trắng trời sương núi. Mẹ già mỏi mắt nhìn theo”. Yên hàn, cuộc chiến nào có bắt đầu thì phải có kết thúc. Còn lại những bà mẹ, đúng, những bà mẹ thì không thể có lại đứa con của chính mẹ đã bị chiến tranh cướp mất.

Những người mẹ muôn đời giống nhau ở nỗi đau sinh nở và nỗi trống trải mãi mãi khi mất con, không kể của bên nào. Những bà mẹ không còn sống hoặc đang sống có lẽ đều muốn những lời gì đó bao trùm, cho hết thảy. Mùi nhang không phân biệt, cửa chùa không phân biệt, cỏ trên những nấm mồ cũng không khác mấy. Cho dù là nấm mộ bằng đá hoa cương bề thế, hay mộ đồng phục lúp xúp, thậm chí mộ đìu hiu vắng vẻ… cũng đều là vùi thân vào đất mẹ.

Đất mẹ đã nhận về, oan hồn nếu có thành ma trước khi biến vào hư vô thì chắc chắn đã là những đoàn ma hiền, thân ái, máu đỏ da vàng, cùng nòi giống Việt từng chiến chinh và từng chia cắt. Phân biệt chán rồi, tàn sát đủ rồi, chia rẽ quá dài rồi. Họ, những oan hồn đã nắm tay nhau dắt díu đi, dìu nhau đi về cùng một nơi không có đường ranh nữa.

Đã từng say sưa với giai điệu dập dồn. “Rồi đây qua cơn mê. Sông cạn lại thành dòng. Suối về ngọt quê hương. Ngày đó tay em dài. Vun cuộc tình thật đầy. Mơ toàn chuyện trên mây”. Không chỉ vì mình thanh xuân mà còn vì “Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà”. Mơ những đoàn người quấn quýt kéo nhau đi, bừng sáng.

Còn niềm vui nào lớn lao hơn, “Tình người qua cơn mê vẫn xanh. Dù bao tháng năm đau thương dập vùi”. Nhưng bi kịch nối thêm, không ai ngờ người bỏ nước ngày mỗi nhiều, biết bao oan hồn trên biển và trong lao tù. Ai biết nghĩ, biết thương nước thương nòi thì ngậm ngùi này là ngậm ngùi chung, đừng ảo tưởng, đừng kiêu ngạo, đừng thắng và thua mãi nữa.

Những câu thơ đau chung không ít. Những trang văn khóc cho phận người Việt cũng không ít. Nhưng để cất lên, hát lên, cùng thốt lên nỗi niềm chung, thì sao? "Nối vòng tay lớn" kết nối khi con người đứng bên nhau mà không có không khí tưởng niệm. Nắm tay nhau, đi thành vòng, đứng lắc lư và rủ nhau nhún nhảy đi, hoan ca đi cho thành một khối trường tồn. Nhưng gió mưa ngoài trời, lòng người nhỏ lẻ chùng xuống, muốn quỳ xuống, muốn dập đầu muốn đưa hai tay lên để nguyện cầu thì sao?

“Mẹ ngồi nguyện cầu hàng bao đêm. Lời kinh vọng xa thật êm đềm”. Lần đầu nghe từ giọng hát Khánh Ly thật choáng. Cái giọng rền khàn kỳ lạ, như cuộc chiến làm ra nàng để than khóc về những cuộc chiến. Từ “Mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng” thời tôi còn chưa sinh ra, đến “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”, đến "Kinh khổ" thì không ai có thể cất lên giống như nàng, tràn ngập, khẩn cầu, như thế.

“Lạnh lùng một ngày một qua mau. Lời kinh mù sương mờ trên đầu. Mộng chờ sau đêm, ngày mai thật lạ. Thù hằn anh em bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà”. “Xin cho me. Trọn niềm tin đêm nay. Người sẽ về. Trước khi trời khuất núi. Xin cho me. Một giờ im kinh động. Người sẽ về. Dù rách rưới tả tơi. Người về một giờ một đông thêm. Người đi càng giây càng không còn. Rời ngày sinh linh. Rời đêm hoạn nạn. Còn lại hôm nay những lời kinh tình yêu đầy nhiệm mầu”.

A di đà. Tráng lệ, bi thương và bao quát. Kinh mà khổ. “Lời nguyện cầu này dành cho nhau”, tôi tin rồi nó sẽ thành tài sản vô song của đất nước này để một ngày nào đó, mọi người sẽ cùng rạp mình và cùng cất lên, rền vang, bi tráng.

Bình luận mới nhất