| Hotline: 0983.970.780

Lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ ở mức trung bình

Thứ Năm 21/06/2012 , 09:07 (GMT+7)

Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mức lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2011 chỉ ở mức trung bình...

Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong khi các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì vào thời điểm đầu năm 2012, một số tổ chức tín dụng công bố con số lợi nhuận rất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng, điều này đã gây nên nhiều ý kiến trong dư luận.

Qua theo dõi số liệu về kế toán tài chính của tổ chức tín dụng mà cơ quan này đã thu thập được từ báo cáo của các tổ chức tín dụng thì lợi nhuận sau thuế năm 2011 của toàn hệ thống tăng 15,1% so với năm 2010, thấp hơn tốc độ tăng lợi nhuận của các năm trước, trong đó có gần 50% các tổ chức tín dụng có lợi nhuận giảm so với năm 2010. Trong khi phần lớn các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh ổn định, an toàn, có hiệu quả nhưng vẫn còn hơn 10% số lượng các tổ chức tín dụng vì nhiều lý do, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.

Cơ quan Thanh tra Giám sát cho rằng, mức lợi nhuận của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2011 chỉ ở mức trung bình và thấp hơn năm trước. Cụ thể, lợi nhuận của năm 2011 tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu 22,85% và tốc độ tăng quy mô tài sản có 18,55%.

Hai chỉ số quan trọng nhất phản ánh hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của các tổ chức tín dụng là chỉ số ROA (lợi nhuận so với tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu) năm 2011 ở mức thấp hơn năm 2010. Cụ thể, ROA của ngành năm 2011 đạt 1,09% và ROE đạt 11,86%, từ mức lần lượt 1,29% và 14,56% của năm 2010.

So sánh hai chỉ số này của ngành ngân hàng với 10 ngành khác của nền kinh tế theo thống kê theo phân ngành cấp 1 các doanh nghiệp niêm yết cho thấy ROE ở mức trung bình (thứ 6/10) và ROA ở mức thấp nhất.

Cơ quan Thanh tra cũng chỉ ra, điểm đáng lưu ý về lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2011 là có sự chênh lệch khá lớn giữa một số tổ chức tín dụng. Lợi nhuận của hệ thống tăng chủ yếu do sự tăng trưởng của một số ngân hàng có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lớn, có năng lực điều hành và quản trị rủi ro tốt, hoạt động an toàn, hiệu quả. Trong khi nhiều tổ chức tín dụng thuộc nhóm có quy mô nhỏ, quản trị điều hành yếu kém, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nên thường phải huy động với lãi suất cao cộng với nợ xấu gia tăng mạnh nên đã có kết quả kinh doanh rất thấp, thậm chí lỗ lớn trong năm 2011.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo quý, riêng đối với quý IV, trong thời hạn làm việc 15 ngày của tháng 12. Như vậy, phần chi phí tại thời điểm 31/12/2011 chưa thể hiện đầy đủ số dự phòng rủi ro phải thực hiện trong cả năm.

Bên cạnh đó, các khoản nợ được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro mới chỉ bao gồm các khoản cấp tín dụng, trong khi nhiều tài sản tiềm ẩn rủi ro tín dụng khác như các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... lại chưa được phân loại và trích lập dự phòng. Quy định hiện hành về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng cho phép khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản khi trích dự phòng là 50%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động mạnh và suy giảm liên tục trong thời gian qua, trong khi giá trị bảo đảm là bất động sản không được định giá lại dẫn đến việc trích lập dự phòng cho các khoản dư nợ cho vay có bảo đảm bằng bất động sản chưa sát với thực tế.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng hạch toán các khoản có tính chất cấp tín dụng vào các tài khoản khác, ví dụ tài khoản phải thu, mua trái phiếu doanh nghiệp và từ đó thực hiện việc trích lập dự phòng không đầy đủ... Những vấn đề trên đã góp phần làm cho số liệu lợi nhuận công bố của các tổ chức tín dụng chưa phản ánh đầy đủ và chính xác thực trạng kết quả kinh doanh.

Ngoài những yếu tố trên đây, đóng góp vào tăng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trong năm 2011 còn có các yếu tố khác như thời gian qua Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ lượng tiền cung ứng, việc huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư gặp nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng phải chủ động nâng cao hệ số sử dụng vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tối đa hóa lợi nhuận đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của các cổ đông mà biểu hiện rõ nhất là sự căng thẳng về khả năng thanh khoản của một số tổ chức tín dụng trong thời gian cuối năm 2011.

"Quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng, xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, những bất cập trong quy định hiện hành trên đây sẽ được khắc phục và loại bỏ, lúc đó số liệu về lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ được phản ánh đầy đủ và chính xác hơn," Cơ quan Thanh tra Giám sát cho hay.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất