| Hotline: 0983.970.780

Lời ru buồn trên nương

Thứ Tư 29/06/2011 , 10:13 (GMT+7)

Trên vách nhà sàn bạc phếch màu mưa nắng, lẫn trong thanh âm của cơn mưa chiều nơi đại ngàn là tiếng người mẹ ru con nghe não nề gan ruột...

"Xóm không chồng" ở xã Hồng Kim (huyện A Lưới, TT - Huế) với hàng chục căn nhà nằm chênh vênh trên triền dốc. Trên vách nhà sàn bạc phếch màu mưa nắng, lẫn trong thanh âm của cơn mưa chiều nơi đại ngàn là tiếng người mẹ ru con nghe não nề gan ruột...

>> Tình xuyên biên giới
>> Chuyện tình rẻo cao

Tình chớp nhoáng

Với đồng bào vùng cao A Lưới cũng như nhiều dân tộc anh em sống sát dãy Trường Sơn, tục đi sim đã có từ xưa và nó đã trở thành một nét văn hóa đẹp, tự nhiên như suối ngàn hoa cỏ. Thế nhưng, qua thời gian, từ các luồng văn hóa ngoại nhập, nét văn hóa nguyên bản của đồng bào đã bị bào mòn, biến tướng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Ngày xưa, con gái con trai Pa Cô, Vân Kiều đến tuổi trưởng thành đều đi sim để tìm bạn tình, nên duyên kết nghĩa vợ chồng. Cứ đến mùa lễ hội Puh Boh (mùa giữ rẫy), trên rẫy của bản người Pa Cô, Vân Kiều những căn chòi mới được dựng lên để dành cho những cô gái mới lớn canh giữ rẫy và cũng là nơi tự tình cho những đêm trường đi sim.  

Sau những đêm tình đi sim, vượt biên giới tìm bạn tình là những đúa trẻ bị bỏ rơi

Trai bản tham gia lễ hội Puh Boh biết có con gái lập chòi canh rẫy, họ kéo nhau đến rất đông, bắt đầu bước vào những đêm tình đi sim. Chàng trai nào có biệt tài ca hát với điệu Xà Nớt truyền thống sẽ chinh phục được nhiều cô gái: “Muốn có em về dệt cửi ở chân cầu thang/ Muốn có em như cái chân khung cửi/ Muốn có em mặc váy bên bếp lửa ở sàn...”.

Thời xưa, chiếc lá A năng được người mẹ đưa cho đứa con gái khi đã đến tuổi trưởng thành. Tác dụng thần kỳ của chiếc lá A năng đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên, theo nhiều già làng người Pa Cô, Vân Kiều cho biết, con gái trong đêm tình đi sim, chỉ cần bỏ chiếc lá A năng dưới sạp chiếu, trong thân mình là có thể ngừa được thai (?!). Mặt khác, việc nhận diện chiếc lá A năng đến nay chỉ có những người già trong bản mới biết được. Với người vùng cao, chính nhờ chiếc lá kỳ diệu này mà trải qua hàng trăm năm, không biết bao mùa giữ rẫy, họ vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc này, không sợ những hệ lụy cho lứa tuổi hoa niên sau những đêm trường đi sim.

Ông Lê Minh Châu, Trưởng công an xã Hồng Kim cho biết, đi sim thời… hiện đại đã làm nạn tảo hôn diễn ra khá phổ biến ở những bản làng heo hút vùng cao sát biên giới và không ít những trường hợp kết hôn khi tuổi còn rất nhỏ. Nạn tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn đẩy những hộ gia đình đến cảnh túng quẫn nghèo đói với những đứa trẻ vô thừa nhận.

Nay, qua thời gian, tục đi sim nguyên bản của đồng bào đã không còn nữa, thay vào đó, từ trong bản làng xa xôi, những hàng quán, cà phê giải trí mọc lên như nấm sau mưa, trai, gái bản không vào nhà sim cộng đồng truyền thống nữa cũng như không còn nhớ đến chiếc lá A năng thần diệu kia. Với những đêm tình chớp nhoáng, không ít những lời ru buồn của những thiếu nữ khi phải một thân một mình nuôi con còn chàng trai thì “quất ngựa truy phong” về phía núi…

Những đứa trẻ bị bỏ rơi

Trở lại “xóm không chồng” ở xã Hồng Kim, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Hồ Thị Lầm (SN 1976 ở thôn 6). Căn nhà gỗ đơn sơ của chị Lầm nằm cô độc trên triền dốc bên đường mòn Hồ Chí Minh. Thấy khách đến trước nhà, chị ngừng tay cuốc tất tả chạy vào mời nước.

Chị Lầm lấy chồng năm 2005, đến nay đã có 4 người con, đứa nhỏ nhất mới bồng trên tay. Chồng chị là anh A Kiêng Tol (SN 1974 ở thôn Cu Tai, huyện Tù Muồi, tỉnh Xê Kông, Lào), sau khi cưới nhau, năm 2008 họ trở Việt Nam sinh sống. Đến đầu năm 2010, A Kiêng Tol bảo với chị Lầm anh phải qua lại Lào để làm ăn rồi “ở lại” bên ấy luôn không về nữa.

Chị Hồ Thị Lầm và các con

Nhắc đến chuyện buồn, người phụ nữ bị phụ tình mắt đỏ hoe, lạc ánh nhìn đi nơi khác. Chị bảo: “Chúng mình tìm hiểu nhau cũng được hai năm mới cưới hỏi đàng hoàng. Khi hắn qua đây đòi cưới mình, bố mẹ mình không cho vì bảo bên Lào xa xôi quá, qua bên đó ở biết khi nào mà trở về được. Bố mẹ không ưng cái bụng nhưng mình vẫn quyết tâm lấy vì mình yêu hắn. Đến khi mình sinh cu Thiên vừa lên 2 tuổi thì hắn nói về Lào làm ăn rồi đón mẹ con mình qua bên đó. Khi thấy lâu hắn không về mình qua Tù Muồi tìm hắn, nhiều người nói hắn đã cưới vợ rồi”.

Nói xong, chị bưng mặt khóc, những giọt nước mắt khô quắt của người đàn bà cô độc dường như bấy lâu này bị dồn nén giờ có dịp bộc bạch, bật ra thành tiếng nấc nghẹn ngào. Chị đã tin nhầm người để rồi cuộc đời chị bi đát như chính cái tên của chị.

Sau khi bị bỏ rơi với 4 người con, chị phải một nắng hai sương làm quần quật trên nương rẫy suốt đêm ngày mới đủ nuôi gia đình 5 miệng ăn. Những đêm tối lửa tắt đèn, chỉ có 5 mẹ con nheo nhóc, căn nhà trở nên trống vắng lạ. Có những lúc chị như muốn rời bỏ cuộc đời, rời bỏ những đứa trẻ để có cuộc sống mới. Nhưng rồi tình thương đã cho chị vượt lên tất cả. Bố mẹ chị thấy con gái từ Lào trở về, mất chồng thân xác tiều tụy, bèn đưa về, nhờ anh em bà con dựng cho căn nhà gỗ cuối bản nắng mưa bạc phếch màu thời gian, sớm hôm rau cháo qua ngày.

Thấy chị Lầm nấc nghẹn, từ dưới nhà, bà Kăn Liên nói vọng lên, như tỏ nỗi lòng: “Mình thương con gái mình lắm, năm xưa mình đã can ngăn rồi mà Lầm vẫn không nghe. Giờ nó chỉ muốn quên đi tất cả để nuôi con khôn lớn, không muốn nhớ đến kẻ đã phụ tình nữa”.

Cũng như nhiều trường hợp lấy chồng Lào ở A Lưới, hầu hết các cặp vợ chồng đến với nhau đều không đăng ký kết hôn. “Yêu nhau, cưới hỏi xong là về ở chứ mình có biết đăng ký kết hôn ở xã gì đâu. Thấy nhiều người cũng không đăng ký mà có ai bắt hay nộp phạt đâu mà làm", chị Lầm nói.

Trường hợp trẻ nhất mà chúng tôi gặp ở thôn A Bã, xã Nhâm là gia đình chị Kê Thị Cáy (25 tuổi). Chị Cáy vừa lấy chồng hơn một năm thì chồng chị sau một đêm cãi vã đã lặng lẽ trở lại Lào không một lời từ biệt, để lại chị với người con chưa thôi sữa. Trong câu chuyện buồn về đời chị, chúng tôi thử gặng hỏi về “tung tích” của cha đứa bé, chị lắc đầu nguầy nguậy: “Không nói mô, nói mần chi, hắn đã bỏ đi rồi thì thôi. Miềng muốn được sống yên ổn để nuôi con, không muốn làm phiền bố mẹ vì bố mẹ đã xấu hổ, tủi nhục lắm rồi”.

“Chỉ tính riêng hai xã Hồng Kim, Nhâm của huyện A Lưới đã có hơn 10 trường hợp lấy chồng hoặc vợ Lào bỏ nhau và không đăng ký kết hôn tại chính quyền sở tại. Những trường hợp còn lại lấy chồng hoặc vợ Lào chúng tôi sẽ rà soát, tạo điều kiện cho nhập quốc tịch, nhằm đăng ký kết hôn và đảm bảo một số quyền lợi khác”, ông Lê Minh Châu, Trưởng công an xã Hồng Kim, nói.

Ngồi lặng thinh hồi lâu, những giọt nước mắt như đã giải tỏa những uất hận bấy lâu giấu kín trong lòng, chị bộc bạch về chuyện tình của đời mình. Thuở đó, chị Cáy là người con gái đẹp nhất nhì bản A Bã. Chị được hưởng đặc ân của núi rừng, có làn da trắng, giọng nói trong như dòng A Sáp, đôi mắt đen huyền như đại ngàn chiều hôm. Hằng đêm, trai bản tới đứng rặt dưới chân cầu thang, chị vẫn chưa ưng đám nào.

Từ bên kia biên giới, A Kiêng Ni- chồng chị xuất hiện bên chiếc đàn A Ben với những điệu hát ru tình mời gọi, sau nhiều đêm, đám trai bản dần dạt đi cả. Tiếng đàn A Ben huyền hoặc đã chinh phục được trái tim của chị, nó cho chị những ước mơ bay bổng, đẹp đẽ. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chồng chị đã kiếm cớ bỏ đi theo người con gái khác mà không lời từ biệt. Chị bảo: “Tưởng hắn chân tình nên miềng tin lắm. Hắn bảo hắn yêu miềng, đi sim xong là cưới. Miềng tin hắn nên khước từ bao lời đề nghị của đám trai bản khác. Thế mà giờ hắn bỏ mẹ con miềng”.

Sau khi chồng bỏ đi, đêm nào chị Cáy cũng ôm con ngồi khóc. Sáng sáng, chị lại phải đìu con trên lưng lên nương rẫy, một nắng hai sương để làm lại cuộc đời. Ở nơi bản làng heo hút này, những cuộc tình chớp nhoáng như cơn lũ rừng cuốn qua, để lại cho bao phận người nơi đây tận nỗi cùng cực…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.