| Hotline: 0983.970.780

Lời thề... không tham ô

Thứ Hai 16/12/2013 , 10:14 (GMT+7)

Để chứng minh mình không tham ô, Dương Chí Dũng còn đặt tay lên trái tim mình để thề, và tuyên bố: "Nếu tòa tuyên tôi tội chết thì tôi phải chết, nhưng vợ con tôi sẽ kêu oan suốt đời. Còn tôi nhất định không nhận cái tội ô nhục này"...

Tại tòa, Trần Hải Sơn khai đã nhận số tiền 1,66 triệu USD do Cty AP "lại quả" trong thương vụ mua ụ nổi 83M từ tài khoản của Cty Phú Hà do Trần Thị Hải Hà, em gái Sơn, làm giám đốc.

>> Dương Chí Dũng kêu oan, không thừa nhận tội tham ô
>> Dàn đồng ca ''đổ lỗi''
>> Con tàu đồng nát và 2 căn hộ cao cấp
>> Xét xử vụ đại án ở VINALINES

Sơn đã đưa cho Dương Chí Dũng 2 lần tổng cộng 10 tỷ đồng, đưa cho Mai Văn Phúc 3 lần, tổng cộng cũng 10 tỷ đồng, đưa cho Trần Hữu Chiều 1 lần 340 triệu đồng, còn lại Sơn chiếm hưởng.

Trừ Trần Hữu Chiều (nguyên Phó TGĐ Vinalines, Trưởng ban Quản lý dự án mua ụ nổi 83M) khai nhận bằng một thái độ thành khẩn rằng mình đã được Trần Hải Sơn "bồi dưỡng" số tiền trên, và bị cáo đã nộp lại cho cơ quan điều tra ngay sau khi bị bắt để khắc phục hậu quả, còn cả Dương Chí Dũng lẫn Mai Văn Phúc đều kiên quyết phủ nhận việc đã nhận mỗi người 10 tỷ đồng.

Dũng khẳng định nào là "Lời khai của Trần Hải Sơn không có chỗ nào đúng", nào là "Cơ quan điều tra đã hiểu sai lời tôi. 1,66 triệu USD đó là số tiền mà Cty AP… giảm giá cho Vinalines trong thương vụ mua ụ nổi. Số tiền đó sẽ được chuyển về Vinalines trước khi thỏa thuận hợp đồng".


Dương Chí Dũng và đồng phạm tại tòa

Để chứng minh mình không tham ô, Dương Chí Dũng còn đặt tay lên trái tim mình để thề, và tuyên bố: "Nếu tòa tuyên tôi tội chết thì tôi phải chết, nhưng vợ con tôi sẽ kêu oan suốt đời. Còn tôi nhất định không nhận cái tội ô nhục này". Nhưng khi nghe HĐXX hỏi: "Nếu 1,66 triệu USD đó là tiền mà AP giảm giá cho ụ nổi 83M, thì tại sao AP không chuyển số tiền đó về tài khoản của Vinalines mà lại phải chuyển về tài khoản của Cty Phú Hà?" thì Dũng im lặng.

Được HĐXX hỏi, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) và bà Ngô Thị Vân (vợ Mai Văn Phúc) đều khẳng định chồng họ không nhận số tiền 10 tỷ đồng từ Trần Hải Sơn. Tuy nhiên lời khẳng định của hai bà không dựa trên chứng cứ mà chỉ là suy luận.

Kết quả thẩm tra tại tòa từ các nhân chứng Trần Thị Hải Hà (Giám đốc Cty Phú Hà), Trần Thị Hải Huyền (sáng lập viên Cty Phú Hà), đều là em gái Trần Hải Sơn, cho thấy số tiền 1,66 triệu USD mà Cty AP chuyển về tài khoản của Cty Phú Hà là có thực.

Họ đã cho Sơn mượn tài khoản của Cty Phú Hà để Sơn nhận tiền, Cty Phú Hà không liên doanh, không làm ăn gì với Cty AP, mọi thứ giấy tờ để AP chuyển tiền vào tài khoản của Phú Hà đều do Sơn lập và đưa cho họ, bảo ký gì thì họ ký nấy, và họ đã nhiều lần rút cũng như chuyển khoản hết số tiền 1,66 triệu USD đó theo yêu cầu của Sơn.

Anh Long, chồng của Trần Thị Hải Huyền, xác nhận rằng chính anh đã lái xe chở Sơn mang theo tiền từ Hải Phòng đến nhà Phúc ở Hà Nội cũng như ở Hải Phòng.

15 giờ ngày 13/12/2013, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Trình bày quan điểm của mình về vụ án, đại diện VKSND TP Hà Nội duy trì quyền công tố tại tòa cho rằng việc VKSNDTC truy tố 10 bị cáo về tội "Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", và việc truy tố Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội "tham ô tài sản" là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Về hình phạt, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mỗi người 20 năm tù về tội "cố ý làm trái…", tử hình về tội "tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt cho cả hai là tử hình. Tuyên phạt Trần Hải Sơn từ 28 đến 30 năm tù, phạt Trần Hữu Chiều từ 22 đến 24 năm tù về hai tội danh trên.

Với các bị cáo Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt mỗi người từ 6 đến 8 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, đề nghị HĐXX tuyên buộc Dũng, Phúc, Sơn, Chiều phải bồi thường số tiền 1,66 triệu USD đã tham ô, và cả 10 bị cáo đều phải liên đới bồi thường 366 tỷ đồng mà họ đã làm thất thoát của Nhà nước.

Tranh tụng tại tòa, các luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển, Trần Đại Thắng (đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Dương Chí Dũng, cho rằng không có căn cứ pháp lý nào để kết luận số tiền 1,66 triệu USD do AP chuyển về tài khoản của Cty Phú Hà là tiền của Vinalines. Dương Chí Dũng không bỏ túi số tiền của Vinalines do mình có trách nhiệm quản lý, vì vậy hành vi của Dũng không cấu thành tội tham ô.

Là Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV), Dũng chỉ là đại diện chủ sở hữu về phần vốn Nhà nước chứ không quản lý tài sản, việc quản lý tài sản là của Tổng Giám đốc. Hơn thế nữa lời khai của Trần Hải Sơn về việc đưa cho Dương Chí Dũng 10 tỷ đồng là không có căn cứ.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Mai Văn Phúc cũng đưa ra các lý lẽ để bác bỏ những lời của Sơn khai đưa 10 tỷ đồng cho Phúc. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ cho Mai Văn Phúc) đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại. Bào chữa cho hành vi "cố ý làm trái" của các bị cáo, các luật sư đã viện dẫn nhiều văn bản để chứng minh rằng ụ nổi không phải tàu biển, do vậy không thể lấy những quy định nhập khẩu tàu biển để "áp" vào việc nhập khẩu ụ nổi, do vậy hành vi của họ cũng không cấu thành tội "cố ý làm trái" như quy kết của VKSNDTC.

Đại diện VKSND TP Hà Nội duy trì quyền công tố tại tòa đã lần lượt tranh luận lại với các luật sư theo quy định của pháp luật. Kiểm sát viên cho rằng trong vụ án này, những kẻ có chức vụ cao nhất của Vinalines đã ném tiền của Nhà nước ra nước ngoài theo kiểu "gánh vàng đi đổ sông Ngô" để rồi một phần tiền đó lại từ nước ngoài chảy ngược về nước và chui vào túi họ và êkip của họ. Có thể nói trong phiên tòa này, HĐXX đã tạo điều kiện tối đa để hai bên trình bày, đối đáp, bảo vệ quan điểm của mình về vụ án.

14 giờ hôm nay (16/12), HĐXX sẽ tuyên án. Báo NNVN sẽ cập nhật và  thông tin đến bạn đọc về kết quả phiên tòa.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm