| Hotline: 0983.970.780

Lợi thế nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Ba 04/11/2014 , 13:10 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở tỉnh nghèo Cao Bằng vẫn còn là một cụm từ xa lạ. 

Dù mới manh nha với nhiều dự định còn ấp ủ nhưng cả hệ thống chính trị của tỉnh đang quyết tâm thực hiện.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thái (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT Cao Bằng. Dù tuổi đã lục thập song khi nói về NNCNC, vị tư lệnh ngành nông nghiệp tỉnh biên giới vẫn tỏ ra say mê, nhiệt huyết.

07-31-11_img_1626

Chỉ vào tách trà nóng mới rót mời nhà báo, ông Hoàng Thái bắt đầu cuộc trò chuyện: Đây là một sản phẩm của NNCN do người Cao Bằng tự SX, đó là trà Đông Phương Mỹ Nhân, có giá xuất khẩu 1.000 USD/kg. Sắp tới, khi doanh nghiệp (DN) hoàn thiện kỹ thuật thì chắc chắn sản phẩm này sẽ không có đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu.

Thưa ông, liệu có mạo hiểm, duy ý chí khi quyết định lựa chọn NNCNC là một hướng đi mới cho Cao Bằng?

Cao Bằng có nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển NNCNC. Đó chính là đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng với 2 vùng đai cao và thấp đặc biệt. Nếu phát triển NNCNC thì đặc trưng thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu là môi trường tuyệt vời.

Nếu như đầu tư ở Hà Nội, TP.HCM hay ở những vùng khác thì anh phải có nhà lưới, nhà kính, nhà vòm… nhưng tại Cao Bằng thì cả vùng rộng lớn đó chính là một mái nhà khổng lồ rồi.

Có thể nói, việc phát triển NNCNC tại Cao Bằng sẽ giảm được rất nhiều chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Ở cả 2 vùng đều đã tồn tại những cây, con có giá trị kinh tế rất cao. Hiện đã có những DN mạnh dạn đầu tư hàng triệu USD và đang gặt hái thành công với những sản phẩm nông nghiệp đó.

Cao Bằng xác định phát triển NNCNC không phải đơn thuần là đầu tư vào công nghệ cao mà là ứng dụng công nghệ cao vào SX để mang lại giá trị kinh tế cao. Hướng đi đó đã được lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất trí.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc tận dụng những tiềm năng, lợi thế nói trên?

Đối với vùng đai cao hóa nhiệt đới (có độ cao từ 800 - 1.200 m), chúng tôi đã xác định sẽ đầu tư vào trồng cấy các loại cây có giá trị kinh tế cao, dược liệu quý như thạch hộc tía, kim tuyến, hoa, trà, cây ăn quả ôn đới, rau an toàn. Việc xác định nói trên vừa gắn với kỹ thuật tận dụng lợi thế khí hậu, vừa gắn với thực tiễn SX.

Ví dụ, tại vùng Phja Đén, Phja Oắc, hiện đã có một DN SX các loại trà Ô long, Hồng trà… xuất khẩu với giá hàng triệu, hàng chục triệu đồng/kg. Tại vùng cao nói trên, cải bắp mùa hè được đồng bào trồng cấy từ nhiều năm nay có thể coi là một đặc sản. Rõ ràng, lợi thế đó sẽ cho phép trồng các loại hoa, cây dược liệu ôn đới.

Ở vùng đai thấp hơn (có độ cao trên dưới 500 m, gồm các huyện Thạch An, Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Trà Lĩnh), chúng tôi xác định sẽ đầu tư, ứng dụng công nghệ để nâng tầm một số cây con có giá trị kinh tế cao nhưng bị mai một.

Ví dụ, giống cây lê Đông Khê đã được sách kỷ lục ghinet Việt Nam xác nhận là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam.

Trải qua thời gian, giống lê Đông Khê đã bị thoái hóa. Chúng tôi đã phải bình tuyển giống đầu dòng, khôi phục năng suất, chất lượng của lê Đông Khê.

Hiện đã có DN được chúng tôi định hướng để đầu tư vào chương trình cây lê. Tôi quả quyết rằng, với năng suất, chất lượng và giá thị trường hiện tại thì mỗi ha lê Đông Khê sẽ cho thu nhập từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.

Vùng đai thấp cũng hứa hẹn tiềm năng chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Chúng tôi đang định hướng cho một DN đầu tư vào xây dựng trang trại nuôi bò với quy mô 1.000 ô chuồng. Giống bò tại Cao Bằng cho chất lượng thịt rất ngon, đó là cơ sở để tiến đến SX thịt bò xuất khẩu như các trang trại tại Lâm Đồng đang làm thịt bò Kobe Nhật Bản.

Hướng đi nào sẽ mang lại hiệu quả cho phát triển NNCNC tại Cao Bằng?

Phải tạo được chuỗi liên doanh, liên kết. Có thể thấy, những mô hình đã thành công đều là các DN có nguồn lực và mạnh dạn đầu tư. DN là bà đỡ cho của nông dân. Như vậy, phải kêu gọi DN đầu tư.

Nhà nước có vai trò hỗ trợ, định hướng cho DN. Đồng thời, Nhà nước cũng có vai trò hỗ trợ nông dân, tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng SX để tham gia chương trình.

Để thúc đẩy chương trình nhanh chóng, ông có mong muốn gì?

Ở thời điểm này, Cao Bằng đang có được sự nhất trí cao của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bản thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần trực tiếp làm việc với Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM để xây dựng kế hoạch triển khai chương trình.

Phía Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng đã tổ chức tư vấn, định hướng miễn phí cho các DN đầu tư vào lĩnh vực NNCNC. Mong muốn của chúng tôi là đả thông được tư tưởng của cả hệ thống chính trị. Trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước trước nay ít nhiều chẳng những chưa làm tốt nhiệm vụ phục vụ DN mà còn làm khó cho họ.

Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ DN. Người dân muốn tham gia chương trình thì phải có DN. Nhà đầu tư muốn vào cuộc thì phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đó cũng là chuỗi liên kết để tạo sự phát triển hiệu quả, bền vững ổn định.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất