| Hotline: 0983.970.780

Lời thỉnh cầu bên sông Đáy

Thứ Ba 22/04/2014 , 06:42 (GMT+7)

Có những ngôi nhà chỉ còn nằm cách mép bờ sông 3 – 4 m. 900 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu đang từng ngày phải đối mặt với tử thần khi mùa mưa bão 2014 đang cận kề.

Qua mỗi mùa mưa bão, bờ của con sông Đáy đoạn chảy qua xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) lại bị nước cuốn trôi, sạt lở nghiêm trọng. Do chưa được kè đá, nước thúc thẳng vào bờ, tạo thành những hàm ếch khoét sâu vào khu vực dân sinh.

Đêm kinh hoàng

Theo những hộ dân thôn Tây Sơn, mới đây, một đoàn công tác của Sở NN-PTNT Hà Nội đã về đánh giá thực trạng đê kè. Nhiều tấm biển cảnh báo nguy hiểm được dựng lên. Đoàn công tác đánh giá, tình trạng sạt lở tại đây ở mức nghiêm trọng, cần sớm khắc phục.

Tuyến bờ bị sạt lở kể trên nằm dọc theo con sông Đáy, thuộc địa phận của xã Phương Trung, dính thêm một vài hộ thôn Đôn Thư, xã Kim Thư (cùng huyện Thanh Oai).

Đoạn bị sạt lở nghiêm trọng nhất là từ trạm bơm Phương Trung đến cầu Văn Phương, thuộc Km 38+150 đến Km 38+550.

Mùa mưa bão năm 2013, dòng nước đã thúc mạnh vào khu vực này, cuốn trôi căn bếp của hộ gia đình ông Lê Văn Thành ở thôn Đôn Thư. Căn nhà của ông Thành cũng bị nứt toác, một bên mái bị xệ về phía bờ sông.

Ông Lê Văn Khang, anh trai ông Thành cho biết, đó là một đêm cuối tháng 8/2013, khi cả nhà em trai ông đang ngủ thì nghe tiếng “uỳnh” như bom nổ. Cả nhà ông Thành 4 người cuống cuồng bật dậy chạy ra ngoài vì tưởng có động đất. Cầm đèn pin ra soi, ông Thành thấy căn bếp của gia đình đã biến mất. Tường, mái nhà có vết nứt toác, chạy dọc từ móng lên tới đỉnh. Đêm đó, ông cùng vợ con lên trú tạm ở nhà anh trai, sáng hôm sau mới về.

13-47-59-31348446
Nhiều đoạn bị nước xoáy, tạo thành những hàm ếch

Hôm chúng tôi về nắm tình hình, ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Thành nằm dúm dó bên cạnh đống gạch ngói đổ nát. Căn bếp chỉ còn sót lại một ít chân móng. Những vết nứt toác chạy dài vẫn còn nguyên như mới xảy ra hôm qua.

Không chỉ nhà, bếp, nền sân nhà ông Thành cũng bị sụt lún nghiêm trọng. Mặt sân và nền đất hở toác, cách nhau gần gang tay.

Ông Khang cho hay, sau khi ăn Tết, gia đình người em trai đã chuyển sang bãi bồi, cách đó vài km dựng nhà, sinh sống. “Chú xem, nhà này thì sập lúc nào không hay. Có cho tiền nó cũng chẳng dám ở, sập thì chết cả nhà”, ông Khang phân trần.

13-47-59-1134843134
Một phần ngôi nhà của hộ ông Lê Văn Thành bị nứt toác

Mùa này nước cạn, chúng tôi quyết định đi bộ dọc theo mép nước để ghi lại hình ảnh. May mắn, chúng tôi được ông Lê Văn Chi (62 tuổi), nhà thôn Tây Sơn, xã Phương Trung dẫn đường. Ông Chi trước đây là nhân viên khảo sát của Cty Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tây. Đập vào mắt chúng tôi là nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, hàm ếch xoáy sâu sát nhà dân.

Ông Chi cho hay, trước đây, tính từ nhà dân ra mép sông phải trên 20 m nhưng nay còn 3 – 4 m. Thậm chí, như hộ ông Lê Văn Thắng, thôn Tây Sơn, móng nhà chỉ cách mép bờ sông chừng 2 m. Ông Thắng phải đi xin gạch, hồ từ khắp thôn, đem về đây “kè” nhưng chỉ như muối bỏ bể.

Chị Lê Thị Trâm (con dâu ông Thắng) nói, cứ mùa mưa bão, nước sông lại dâng, tràn cả vào sân. Cách đây 9 năm, khi tôi mới về làm dâu, mùa hè còn đi bộ ra bãi, vít cành nhãn xuống hái quả kia mà. Giờ thì bờ sông sạt hết, có bắc thang cũng không tới.

Nguy cơ mất nhà

Là một người trong nghề thủy lợi lâu năm, ông Chi khẳng định, nguyên nhân bị sạt lở nghiêm trọng ở đây là do nền đất yếu. Bởi lẽ, nền đất của khu vực này rất nhiều cát. Chỉ cần dùng xẻng, đào khoảng 3 – 4 xẻng là lớp cát sẽ tở ra.

Khẳng định về điều này, ông Phạm Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung, cho biết, đúng là nền đất rất yếu. “Những năm 70, nhiều hộ dân còn ra giữa sông, xúc cát về xây nhà.

Dọc bờ sông Đáy, lớp đất mặt rất mỏng chủ yếu là cát”. Về thông tin một số hộ dân khai thác cát trái phép, gây xói mòn, ông Toàn khẳng định, sự việc này là có, nhưng chính quyền xã giải quyết dứt điểm.

13-47-59-2134843650
Nền đất sụt lún, tạo một khoảng hở lớn với mặt sân

“Trước đây, có khoảng 4 hộ ở thôn Liên Tân hành nghề này. Chúng tôi đã nhắc nhở, có lần phối hợp với Công an huyện vây bắt cả thuyền. Đến nay, không còn hộ nào dám khai thác cát nữa”, ông Toàn khẳng định.

Ngoài nguyên nhân do nền đất yếu, theo ông Toàn, khu vực này bị sạt lở vì nằm trong khúc cua tay áo của con sông Đáy. Nước từ thượng nguồn chảy về đập thẳng vào địa phận Phương Trung, bồi lấp cho bờ bên kia là xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội).

Tính sơ sơ, có khoảng 900 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu thuộc 3 thôn Tây Sơn, Trung Chính, Quang Chính… xã Phương Trung nằm dưới bờ đê, sát con sông Đáy.

Ông Toàn cho biết thêm, cứ đến mùa mưa bão, nước sông ngập vào một số nhà dân, có khi mấp mé cửa. Mặc dù, mấy năm qua, chưa có đợt lũ lớn nào tràn về đây nhưng quá trình sạt lở vẫn diễn ra. Nguy cơ các hộ dân bị nước cuốn trôi chỉ là sớm hay muộn.

Mong muốn lớn nhất của người dân cũng như chính quyền xã Phương Trung là sớm được Sở NN-PTNT Hà Nội kè đá đoạn bờ sông dài 2km. “Mong sao xã chúng tôi sớm được kè lại bờ sông, có như vậy người dân mới an tâm sinh sống, tính mạng được đảm bảo, ổn định sản xuất”, ông Toàn chia sẻ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất