| Hotline: 0983.970.780

Lối thoát nào cho cây cà phê?

Thứ Năm 18/03/2010 , 09:52 (GMT+7)

Với những biến động thất thường về giá cả của cây cà phê, việc thành lập một trung tâm đào tạo nông dân và hỗ trợ cho các DN mua tạm trữ là cần thiết nhưng xem ra là chưa đủ...

Giữa tháng 3 vừa rồi, tại Đà Lạt, IFC (Tổ chức Tài chính quốc tế tại Việt Nam – thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới) và Công ty Thương phẩm Atlantic Việt Nam đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập một trung tâm đào tạo nông dân Việt Nam trong canh tác cây cà phê. Trước đó, theo đề nghị của Hiệp hội Cà phê ca cao và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thì trong thời gian gần nhất, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để thu mua tạm trữ cà phê nhằm tránh thiệt hại cho người sản xuất.

Theo IFC, từ trung tâm này, nông dân Việt Nam sau đào tạo sẽ sản xuất ra được sản phẩm cà phê đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Utz, Rainforest, 4C… Trung tâm sẽ được thành lập trong tương lai gần này nằm trong gói thầu hợp tác đầu tư và tư vấn giữa IFC và Tập đoàn ECOM (trụ sở chính đóng tại Thụy Sỹ) nhằm thành lập một số trung tâm đào tạo nông dân canh tác nông nghiệp ở các nước đang phát triển; trong đó có khoản vay 55 triệu USD cho 6 quốc gia (có Việt Nam) đã được cam kết vào hồi tháng 6.2008. ECOM là một trong 5 hãng thu mua cà phê, bông vải và ca cao lớn nhất thế giới hiện nay.

Việc thành lập một trung tâm như trên có thể được xem là một trong những giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới nhưng đó chưa phải là giải pháp tích cực nhất nhằm làm chuyển biến ý thức của người nông dân trong canh tác cà phê. Mới đây, nội dung kiến nghị của Hiệp hội Cà phê ca cao và Tổng Công ty Cà phê VN trình lên Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp (vay vốn với lãi suất 0%) để mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê trong dân được xem là một trong những giải pháp tuy tạm thời nhưng rất tích cực.

Theo tính toán của nhà vườn, giá cà phê phải được thu mua ở mức 25.000 đồng trở lên thì may ra người trồng cà phê mới có lời và cũng may ra mới khuyến khích được nông dân. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, giá cà phê trong vài tháng gần đây trên thị trường thế giới đang đi xuống một cách khó hiểu nên việc mua tạm trữ theo chương trình hỗ trợ vốn vay cũng là điều khó đoán định được trong kinh doanh. Bài học họ rút ra trong những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước hiện vẫn còn tươi rói: Cà phê nhân đang nằm ở giá trên 10.000 đồng/kg bỗng tăng vùn vụt lên 40.000 đồng và trên 40.000 đồng/kg.

Rồi, chỉ trong một thời gian không dài sau đó bỗng tụt dốc xuống còn dưới 10.000 đồng/kg. Hai năm gần đây, giá cà phê nhích dần lên trên 20.000 đồng, rồi đến trên 25.000 đồng, có lúc vươn đến 28.000 đồng; nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã tụt xuống dưới 25.000 đồng, và hiện đang dao động ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg. Một lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết: “Giá cà phê hiện nay là mức giá nằm ngoài dự kiến của các nhá dự báo thị trường”. Có lẽ cũng vì nằm ngoài dự kiến như vậy và đồng thời lo sợ giá tiếp tục tụt xuống thấp hơn trong thời gian tới nên nhiều nông dân trồng cà phê và cả các đại lý thu mua cà phê ở khắp vùng Tây Nguyên đang bán tống bán tháo lượng cà phê tạm trữ trong nhà.

Tây Nguyên là vùng cà phê lớn nhất nước với diện tích khoảng 430.000ha – chiếm 80% diện tích cà phê Việt Nam. Với những biến động thất thường về giá cả như trong thời gian vừa qua thì việc thành lập một trung tâm đào tạo nông dân và hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua cà phê tạm trữ như trên là cần thiết nhưng xem ra là chưa đủ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất