| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 19/07/2010 , 14:10 (GMT+7)

14:10 - 19/07/2010

Lỗi thuộc ai?

Gần đây xảy ra nhiều trường hợp học sinh tự vẫn liên quan đến học tập, thi cử. Ngay sau khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, em L.H.P ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm Hai, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã uống thuốc trừ sâu vì biết tin mình rớt tốt nghiệp.

Thầy N.M.C - giáo viên môn Lịch sử của TT Giáo dục thường xuyên Tân Bình, TPHCM, nơi P đăng ký dự thi là người nói chuyện với P trước khi em tự tử cho biết, khi làm bài P tự chấm được 6 điểm nhưng kết quả chỉ có 3,5 điểm. Thật đau lòng, 2 tuần sau khi P mất, kết quả phúc khảo cho thấy P vừa đủ điểm đậu tốt nghiệp.

Cũng chính NNVN nêu trường hợp em N.T.H vừa tốt nghiệp Trường THPT Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã tìm đến cái chết bằng một chai thuốc diệt cỏ, trước ngày diễn ra đợt 1 kỳ thi ĐH, CĐ 2010..

Mới nhất là trường hợp em Trịnh Công Sỹ ở thôn Phú Lâm Tây ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), có tiếng ngoan hiền, học giỏi, là lớp trưởng lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), cũng dùng thuốc trừ rầy tự tử tại rẫy nhà mình, chỉ vì kỳ thi đại học vừa rồi, Sỹ làm bài khối B không được tốt. Sự ra đi đột ngột của em Sỹ, khiến cho gia đình, bạn bè, thầy cô ở đây hết sức đau buồn, không tin đó là sự thật.

Không chỉ có năm nay, các năm trước, sau khi thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH cũng có những câu chuyện buồn như vậy. Vậy lỗi thuộc về ai đây? Theo tôi, lỗi thuộc về ba phía.

Lỗi hết trước ở chính các em học sinh đó. Các em đã quá nông nổi, thậm chí ích kỷ, không yêu quí sự sống của bản thân, chưa thấu hiểu hậu quả, nỗi đau thương mất mát mà gia đình mình, ba mẹ mình phải gánh chịu khi mình tìm đến cái chết. Nhiều em nghĩ về "cái tôi", " cái sĩ" của mình quá lớn. Mình là học sinh giỏi, được bạn bè, gia đình ngưỡng mộ, thì khi thi cử, chỉ có đỗ đạt, chứ không được thất bại. Mà một khi vấp ngã, không đạt được ý nguyện thì nảy sinh tư tưởng tiêu cực.

Nhưng lỗi lớn hơn thuộc về nhà trường, thầy cô giáo. Lâu nay, chúng ra quá say sưa, tập trung vào dạy chữ, dạy để học sinh thi cử, để đạt thành tích nọ kia, mà xem nhẹ dạy cách làm người, các kỹ năng, giá trị sống cho các em. Cái thiếu hụt đó là chính căn nguyên mà khi đối diện với cuộc sống thực tế, những tình huống bất thường xảy ra, các em tỏ ra lúng túng, bế tắc, không biết giải quyết, xử lý như thế nào cho đúng đắn. Gần đây, vấn đề dạy kỹ năng sống cho học sinh được nói nhiều, một số trường đã bắt đầu triển khai nhưng mới chỉ là thí điểm. Chưa biết đến bao giờ, môn học này mới được triển khai rộng khắp?

Cuối cùng chính thái độ ứng xử không đúng cách của nhiều bậc phụ huynh và rộng ra là cả xã hội đã vô tình đẩy các em vào bế tắc. Nhiều gia đình đặt kỳ vọng quá lớn vào con cái, coi sự đỗ đạt của con cái là mục đích của cuộc đời mình mà họ đâu có hiểu rằng phải giúp cho con cái thấy được con đường tương lai, đỗ đạt vẫn còn rộng mở ở phía trước. Còn xã hội ta đang quá trọng bằng cấp, bất kể thật giả. Và chính "giá trị bằng cấp" đã chặn lại cánh cửa cuộc đời một khi các em thấy thất bại trong bước đường học hành.

Đã xác định được nguyên nhân thì phải sửa chữa thế nào? Đó mới là câu chuyện khó.