| Hotline: 0983.970.780

Lời trăng trối của mẹ

Thứ Năm 15/05/2014 , 10:01 (GMT+7)

Vì những chuyện tế nhị nên họ đã giấu tung tích của mình. Họ chỉ được thiên hạ biết đến bắt đầu từ lời trăng trối của người mẹ cơ khổ.

Đơn tìm cha

Đến thôn Bãi Ổi (Dĩnh Trì, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) nếu đem dòng họ có một không hai này ra hỏi, người ta sẽ được nghe những câu trả lời đầy uẩn khúc.

Nhiều người ở đây bảo, lâu nay trông họ ai cũng bảo là con lai. Da họ trắng, mắt họ mầu xanh, tóc mầu vàng, vóc dáng khác người Việt, nhưng lạ thay họ chỉ mang họ Nguyễn. Hàng xóm láng giềng, lại thêm sự tế nhị nên chỉ biết vậy mà không dám hỏi nữa.

Chỉ mới gần đây, thể theo nguyện vọng của bà Nguyễn Thị Mai, người con lai thế hệ đầu tiên của dòng họ có thiển ý muốn đi tìm bố thì những hồ nghi trên mới trở thành sự thực.

Để có cơ sở pháp lý, bà ra xã xin xác minh vào “đơn tìm cha”, gửi cho Đại sứ quán Pháp. Thông tin ra, hàng xóm láng giềng cũng như các con bà mới dám công nhận mình là người lai Pháp thật.

09-35-37_conli1Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân cùng với nhũng đứa con gái có nét “Tây” nhất

Trong ngôi nhà sum suê cây trái nằm ở thôn Bãi Ổi, bà Nguyễn Thị Mai niềm nở đón khách. Bà bảo, chuyện cũ đã khép lại rồi, nhưng thể theo nguyện vọng trước khi nhắm mắt xuôi tay của mẹ bà, một người phụ nữ cơ khổ nên bà mới làm đơn để đi tìm chồng cho mẹ, tìm bố cho con và ông cho các cháu xem thế nào.

Bà Mai kể về những cơ cực của mẹ bà. Theo bà Mai, bà là hiện sinh của một đứa con thời chiến. Ngày Pháp chiếm đóng, Lạng Giang vốn là một vị trí chiến sự quan trọng.

Để chốt giữ vị trí này, Pháp đã xây dựng tại đây một đồn có tên là Thái Đào. Chỉ huy đồn này lúc đấy là một trung úy, người ta hay gọi là Mutssv (quan hai).

Đơn vị này mang phiên hiệu 351, đồn trú ở đây từ giai đoạn 1949 đến năm 1952. Đầu năm 1952, trong một lần tổ chức càn, Đồn trưởng Mutssv đã gặp mẹ bà (Lê Thị Xuân), bắt và mang theo về đồn.

Về đồn, mẹ bà phải làm những việc lặt vặt để phục vụ ông Mutssv và đã bị ông cưỡng bức tại đây. Sau đó bà Xuân được thả ra, tìm đường về nhà và với chồng. Bà đã kể lại tất cả những bất hạnh mà mình gặp phải, được người chồng an ủi, tha thứ và động viên nên bà tiếp tục sống cùng ông.

Mọi thứ bình yên tiếp tục đến cùng bà Xuân, rồi bà có thai. Cuối năm 1952, bà Xuân trở dạ và đau đớn khi biết đứa con mình sinh ra có một ngoại hình hết sức lạ kì, khác những đứa trẻ Việt.

Nhưng được người chồng an ủi, đấy là lỗi của chiến tranh, chúng ta là thân phận của cuộc chiến. Con nào cũng là con. Đã sinh ra, chúng ta phải có trách nhiệm nuôi nấng và phải coi nó là con của mình nên bà đã dằn lòng ở lại và nuôi con.

Cùng những động viên và sự chăm sóc, yêu thương của người cha Việt, bà Mai đã lớn lên, hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Tất cả tung tích xuất thân của bà đều được cha mẹ giấu giếm khá kĩ càng.

Vào tuổi đi học, bà Mai được cha cho đến trường với cái tên Việt là Nguyễn Thị Mai. Học đến lớp 5, do hoàn cảnh gia đình, bà Mai đành bỏ học.

Bật mí từ một lời trăng trối

Vào tuổi 19, vốn đem trong mình dòng máu ngoại quốc, bà Mai phổng phao đến lạ kì. Và trong năm này, tình duyên đã đến với bà. Vượt qua tất cả những ngăn cản, dèm pha và đàm tiếu, chàng lính chiến có tên Nguyễn Đình Phước sau thời gian thầm yêu trộm nhớ đã ngỏ lời với bà.

09-35-37_conli2
Bà Xuân và cô con gái cả được coi là giống người Pháp nhất

Cưới nhau, ở chưa quen hơi, chồng bà lại lên đường ra trận. Chồng biền biệt đi, bà ở nhà lam lũ mưu sinh, thay chồng nuôi bố mẹ và đàn em dại. Hai năm sau ngày cưới, vào năm 1972, chồng bà về phép. Trong thời gian ngắn ngủi này, bà và chồng đã có chung với nhau một con trai.

Trong thời gian chồng tham gia chiến trận, bằng sự thu xếp công việc của mình, bà Mai đã đăng kí và tham gia học một lớp y tá. Khóa học kết thúc, bà về trạm y tế của xã công tác, lấy việc phục vụ bệnh nhân làm nguồn vui, nguồn an ủi cho mình.

Chồng đi biền biệt, chiến sự ngày càng một ác liệt và trong thời gian này tin dữ đã đến cùng bà khi giấy báo tử về. Bà vật vã khóc than cho thân phận của mình và quyết chí sẽ ở vậy để nuôi con và thay chồng phụng dưỡng bố mẹ. Nhưng 4 năm sau, đất nước hoàn toàn thống nhất, chồng bà trở về.

Vượt lên hoàn cảnh, với sự động viên và chăm sóc của chồng, bà tiếp tục có thêm 3 người con nữa. Hai con trai của ông bà mang gen trội của bố nhưng riêng hai con gái thì vẫn mang gen trội bên ngoại.

Hai cô con gái này càng lớn lên càng có những biểu hiện hết sức “Tây” bằng ngoại hình và vóc dáng. Với ngoại hình này, hồi đi học các con của bà cũng khổ. Toàn bị bạn bè trêu trọc, vì còn bé nên các cháu nhiều khi đã không vượt qua khỏi mặc cảm.

Tính từ đời bà Mai đến nay, gia đình có dòng máu lai Pháp này đã có 4 thế hệ. Các con bà lớn lên, xây dựng gia đình, hiện đã sinh ra cho ông bà 3 cháu nội và 4 cháu ngoại. Riêng đứa cháu gái lớn nhất, hiện nay đã học lớp 12, không hiểu sao lại có ngoại hình đặc biệt hơn nữa.

Tóc cháu vàng hơn, mũi cao hơn và vóc dáng cũng khác các bạn cùng tuổi. Vì ngoại hình hơi có vẻ đặc biệt này nên nhiều lúc cháu cũng gặp những phiền toái. Ví như vì mái tóc vàng khác lạ nên đợt cháu đỗ PTTH đã không được nhà trường nhận vào học vì quy định cấm học sinh nhuộm tóc. Để cháu được tới lớp, ông Phước đã phải lên gặp ban giám hiệu để giải thích và viết cam kết cho cháu.

Theo ông Nguyễn Đình Phước, năm 1989, khi lâm bệnh, biết không sống được bà Xuân đã gọi vợ chồng ông đến bên giường. Bà kể về nguồn gốc của vợ ông và bảo cô ấy là người thiệt thòi vì không biết mặt cha dù người cha nuôi rất tốt. Làm con cái, theo quan điểm người cha ấy dù là thế nào đi chăng nữa thì cũng nên một lần biết mặt.

Sau gần chục năm suy nghĩ, bàn tính, vợ chồng ông đã thống nhất thể theo lời cuối của mẹ, thử một lần đi tìm cha cho vợ xem sao. Tuy ông biết đây là một việc làm hết sức mông lung vì thời gian đã quá lâu và có thể cha của vợ ông cũng không thể biết rằng mình đã vô tình để lại giọt máu lại đất Việt.

Sau nhiều năm đi tìm gặp các cụ cao niên trong khu vực, xác định thời kì ấy tại Thái Đào có đồn Pháp và có một trung úy mang tên Mutssv chỉ huy. Những người cao niên ở đây cũng xác nhận việc bà Xuân bị bắt vào đồn trong giai đoạn này. Từ những căn cứ này, bắt đầu từ năm 1996 gia đình bà Mai đã viết đơn, nhờ người dịch và đem đến Đại sứ quán Pháp để nhờ họ giúp đỡ.

09-35-37_conli3
Một trong hàng chục lá đơn tìm cha đã bà Xuân gửi tới Đại sứ quán Pháp

Trong đơn gửi Đại sứ quán Pháp, bà Mai viết: “Khi tôi sinh ra đã được mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt, cha tôi là người quốc tịch Pháp, mẹ tôi là người quốc tịch Việt Nam, nhưng từ lúc sinh ra đến khi mẹ tôi qua đời, tôi không biết mình là ai. Khi mẹ tôi sắp qua đời, mẹ tôi cho biết cha đẻ tôi là người nước Cộng hòa Pháp, tên là Mutssv, cấp bậc: Trung úy, chức vụ: đồn trưởng đồn Thái Đào, đơn vị công tác: 351 Pháp (giai đoạn 1949 - 1952)... ”.

Bà Mai có nhận được thư phản hồi của Đại sứ quán Pháp cho biết do thông tin bà cung cấp chưa đủ nên việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả và yêu cầu bà phải thu thập thêm thông tin.

Theo bà Mai, dù vẫn biết việc tìm kiếm này như “mò kim đáy biển” nhưng bà và các con sẽ cố. Bà cho biết, việc tìm cha của bà không phải kiếm tìm lợi lộc hay quy trách nhiệm cho ai mà đó chỉ là thực hiện những lời trăng trối cuối đời của mẹ.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất