| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/10/2019 , 08:44 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 08:44 - 21/10/2019

Lời xin lỗi, sao mà khó thế

Ở các nước khác, gặp trường hợp như sự cố nước Sông Đà ở Hà Nội chẳng hạn, thì việc đầu tiên của người đứng đầu là công khai xin lỗi người dân thủ đô, và tiếp theo là từ chức.

Sự cố nguồn nước Sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải.

Còn ở ta, sự cố nước do công ty nước sạch Sông Đà gây ra đã cả tuần rồi. Hơn 300.000 hộ dân, tương đương với trên 1 triệu nhân khẩu thuộc 6 quận và 4 huyện, vừa trải qua một cơn “loạn nước” chưa từng có trong lịch sử. Đến nay, dù nước đã được cấp lại, nhưng theo khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội, người dân cũng chỉ dám dùng nước này để tắm giặt, còn ăn uống thì vẫn phải sôi lên để đi lùng nước đóng chai.

Ấy vậy mà khi được báo chí hỏi liệu có xin lỗi người dân hay không, thì ông Nguyễn Đăng Khoa, phó giám đốc nhà máy nước sạch Sông Đà, vẫn lắc đầu “Còn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng cái đã”. Còn ông Nguyễn Văn Tốn, chỉ sau khi bị báo chí dồn hỏi, mới buông thõng một câu “vâng, thì xin lỗi” đầy gượng gạo.

Còn chờ kết luận cái gì nữa? Tất cả đã rõ ràng trong thông báo của UBND thành phố Hà Nội: Nước của nhà máy nước sạch Sông Đà đã bị nhiễm bẩn, không thể dùng trong sinh hoạt được. Qua lời của ông phó giám đốc nhà máy nước sạch Sông Đà, dư luận hiểu điều ông muốn nói, rằng tuy các ông là chủ nhà máy, là người cung cấp thứ nước được gọi là “sạch” đấy. Nhưng thằng nào làm bẩn nước thì thằng đó phải chịu trách nhiệm. Các ông chỉ việc bơm cái thứ nước đã bị “thằng nào đó” làm bẩn lên để bán cho dân Thủ đô. Thế thôi.

Thật là đầy bản lĩnh, thứ bản lĩnh trong thế giới “mặt dầy”. Khách hàng của các ông, những người dân thủ đô, là những người đã bỏ tiền ra mua nước sạch, họ không cần biết đến cái “thằng nào đó” đã làm bẩn nước. Đó là việc của các ông với cơ quan công an. Họ không nghe các ông thanh minh thanh nga, đổ lỗi cho người này người nọ, nguyên nhân này nguyên nhân nọ. Họ chỉ cần biết các ông là người cung cấp nước, các ông cam kết nước của các ông là nước sạch, có thể sử dụng cho từ tắm giặt đến ăn uống. Nhưng nay nước đó không dùng được, thì các ông phải chịu trách nhiệm, thế thôi.

Những lời đổ lỗi và từ chối xin lỗi của hai ông chánh, phó giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà chứng tỏ các ông chẳng coi khách hàng ra cái gì cả. Mà không chỉ có hai ông, nhìn rộng ra, mới hay lời xin lỗi của các quan chức ở ta sao mà hiếm hoi vô cùng. Mỗi khi các “quan” gây nên một sự cố nào đó làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân, khiến dư luận dậy sóng, thì y như rằng “bài ca đổ lỗi” lại cất lên, nào là tại “cậu đánh máy”, nào là cấp dưới nghe không rõ, không hiểu ý các ông nên thực hiện sai... Vân vân và... vân vân.

Trong khi ở các nước khác, người lãnh đạo luôn luôn cái điệp khúc “lỗi tại tôi”, thì ở ta, chỉ nhân dân và người tiêu dùng là có lỗi.