| Hotline: 0983.970.780

Lợn gà cuốn trôi, người nuôi té xỉu

Chủ Nhật 24/10/2010 , 20:48 (GMT+7)

SXNN đặc biệt là ngành chăn nuôi ở các tỉnh miền Trung đang gánh chịu những thiệt hại chưa từng thấy sau cơn thịnh nộ của thủy thần càn quét. Quá sốc vì những mất mát, nhiều ông chủ té xỉu phải vào viện cấp cứu...

SXNN đặc biệt là ngành chăn nuôi ở các tỉnh miền Trung đang gánh chịu những thiệt hại chưa từng thấy sau cơn thịnh nộ của thủy thần càn quét. Quá sốc vì những mất mát, nhiều ông chủ té xỉu phải vào viện cấp cứu...

Sau lũ, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm đang báo động.

Về Hà Tĩnh những ngày này, khi nước lũ đã rút, người nông dân mới lại kịp hoàn hồn để xem lại những ruộng vườn, ao chuồng - những tài sản mà họ đã chắt chiu bao vốn liếng đổ vào còn lại những gì. Xã Cẩm Vịnh - rốn lũ của huyện Cẩm Xuyên gần một tuần sau lũ, xác súc vật đã bốc mùi nằm ngổn ngang khắp đường làng ngõ xóm.

Vừa tất tưởi trở về từ Bệnh viện TP Hà Tĩnh, anh Nguyễn Văn Quý, chủ trang trại gà thịt tại xã Cẩm Lĩnh dẫn tôi ra khu trang trại đã nát bét, mặt thất thần kể: "Nước lên cao và nhanh quá, không thể chuyển kịp. Mà cũng không biết chuyển đi đâu. 600 con gà thịt toàn cỡ 6-7 lạng, dự tính nuôi để bán Tết hoặc trôi hoặc chết ngạt hết. Chỉ vớt được 50 con, nhưng sau lũ đang bị dịch ỉa chảy, chắc cũng chết nốt". Mặt anh Quý tối sầm lại: "Bố em tuổi già, mấy ngày cầm cự vớt gà, ngâm nước lũ, lại xót của quá nên gà chết sạch thì ông cụ cũng lăn ra ốm, vừa nhập viện 2 ngày trước".

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Cẩm Vịnh, đã có hơn 15 con trâu bò, hàng nghìn con lợn của xã bị chết hoặc trôi theo lũ. Riêng thiệt hại về gia cầm thì chưa thể thống kê. Tính đến ngày hôm qua, lực lượng xung kích của xã Cẩm Lĩnh đã thu nhặt, chôn cất được hơn 160 con lợn trôi dạt rải rác khắp đường làng ngõ xóm.

Anh Nguyễn Văn Quý (xã Cẩm Lĩnh) bên trang trại gà đã tan nát vì lũ.

Ông Nguyễn Văn Chiến- Chủ tịch xã lo ngại, không những gia súc gia cầm chết đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà số trâu bò thoát nạn sau lũ, do bị ngâm nước lâu ngày nên đa số đang có biểu hiện sưng tấy, lở loét chân. Cẩm Vịnh lại là địa bàn thường xuyên xẩy ra dịch LMLM nên nguy cơ dịch bệnh gia súc gia cầm đang đặt ở cấp báo động đỏ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết, ngày 22/10, Hà Tĩnh vừa công bố hết dịch LMLM. Tuy nhiên, do suốt thời gian lũ bị cấm đường nên lượng gia súc gia cầm ách tắc lại tại Hà Tĩnh rất lớn nên nguy cơ bùng phát dịch tai xanh, LMLM trở lại đã cận kề. Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh thành lập "nóng" 2 chốt kiểm dịch ở 2 đầu QL1A tại Kỳ Anh và Nghi Xuân. Tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... cũng vừa lập thêm các chốt kiểm dịch ngay khi lũ vừa rút.

Theo báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã có hơn 1.000 con trâu bò, gần 16 nghìn con lợn và gần 720 nghìn con gia cầm chết trong 2 đợt lũ vừa qua với thiệt hại trên 100 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hơn 14 nghìn hecta cây vụ đông nông dân đã xuống giống bị xóa sổ hoàn toàn.

Một vấn đề đáng lo nữa, trong khi mùa đông đang đến thì sau lũ, hầu hết số rơm khô dân tích trữ cho trâu bò ăn vào mùa đông đã bị thối hoàn toàn, ruộng đồng, bờ kênh bị sỏi đá, bùn san lấp nên nông dân không chỉ lo cái ăn vào miệng mà con lo kiếm thức ăn cho gia súc từng ngày.

Tại Quảng Bình, thống kê sơ bộ đến thời điểm này cũng đã có gần 29 nghìn con lợn, gần 3.000 trâu bò và hơn nửa triệu con gia cầm chết. Hàng nghìn hecta cây vụ đông cùng toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của Quảng Bình cũng bị lũ phá sạch sành sanh với thiệt hại không thua kém Hà Tĩnh. Ông Lương Đình Quyết, chủ trang trại lợn có cỡ tại phường Thuận Đức (TP Đồng Hới) thẫn thờ như người mất hồn nhìn khu chuồng trống hoác cho biết, toàn bộ đàn lợn hơn 1.000 con đã bị trôi sạch theo lũ.

 Theo ông Quyết, lo ngại nhất sau lũ là nguy cơ xẩy ra dịch. Hiện tại, hơn 70 con lợn sống sót qua lũ đã bị mắc dịch tả nặng. Vì vậy, ông Quyết nhận định, ít nhất phải 3 tuần nữa, các trang trại mới có thể bắt đầu vào giống khôi phục SX. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT Quảng Bình cũng lo ngại dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, miền Trung sẽ bị thiếu thịt và thực phẩm nghiêm trọng nếu không có cơ chế để nhanh chóng tái đàn.

Theo nhận định của Sở NN-PTNT Quảng Bình, một số huyện như Minh Hóa, Lệ Thủy, Tuyên Hóa... nông dân sẽ có nguy cơ thiếu đói và thiếu lương thực, thực phẩm ít nhất trong 5 tháng sắp tới. Trước tình hình cấp bách này, Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi lớn bị thiệt hại với mục đích không để các trang trại trống chuồng sau lũ.

Bên cạnh đó, tỉnh này đang cần TƯ hỗ trợ gấp hơn 50 tấn ngô giống để hỗ trợ ngay cho nông dân vãi với mật độ dày dùng làm thức ăn xanh gấp cho gia súc khi mùa đông cận kề, cùng hơn 13 tấn giống rau ngắn ngày để giải quyết nhu cầu thực phẩm. Sở NN-PTNT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có những đề nghị tương tự.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất