| Hotline: 0983.970.780

Lợn sạch, người khỏe

Thứ Năm 15/10/2015 , 07:12 (GMT+7)

Nhờ có bể biogas, nhiều hộ dân tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã giải quyết được vấn đề chất đốt hàng ngày. 

Nếu trước đây, hàng ngày họ phải vào rừng chặt củi thì nay, tất tần tật đều dùng khí ga để đun nấu. Xóm làng cũng không còn cảnh bức xúc vì ô nhiễm trong chăn nuôi.

Gia trại của ông Lê Thăng Long, xóm 8, xã Phúc Trạch thường xuyên nuôi 20 -30 con lợn thịt. Ngày nào vợ ông cũng nấu rượu, tận dụng bã nấu cùng cám ngô, gạo, rau cho lợn ăn nên cần một lượng chất đốt rất lớn. Khi chưa xây dựng bể khí biogas, ông thường phải vào rừng cách nhà vài km để chặt củi.

“Trước đây, ngày nào tôi cũng phải chặt 100 - 200 kg củi về đun nấu. Có hôm cả hai vợ chồng cùng đi nhưng đa phần công việc này dành cho đàn ông. Nhiều bữa phải cơm đùm, cơm nắm, vào sâu trong rừng mới kiếm được vài xe củi. Giờ thì có bể biogas rồi nên không còn lo kiếm củi”, ông Long phấn khởi nói.

Ông Long cho biết thêm, do nhà nằm gần đường liên xã, nhà sát nhà nên khi chưa có bể khí, ngày nào người dân cũng đến phản ánh vì mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Xóm nói lên nói xuống mãi cho đến khi xây dựng được bể biogas. Nay thì không những mùi hôi không còn mà sử dụng khí ga từ biogas giúp vợ ông mỗi ngày nấu 5 - 6 nồi cơm rượu, 1 - 2 nuồi rượu, nấu nướng thức ăn. Tính ra, mỗi ngày ông tiết kiệm được 20 - 30 nghìn đồng chi phí.

Ông Long khẳng định: “Cả làng này, ngày xưa đi chặt củi như đi trẩy hội nhưng giờ thì hiếm rồi. Thời gian đi chặt củi nay dành để chăm sóc vườn tược, làm thêm, nghỉ ngơi…

Ở đây, hầu như nhà nào nuôi lợn cũng có bể khí biogas. Hộ nào không chăn nuôi thì mua vòi dẫn, xin khí ga của nhà bên cạnh, vừa giảm được các chi phí trong cuộc sống, vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường”.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trạch cho biết: “Vùng Chả Vòi nằm ngay sau khu chăn nuôi của gia đình ông Vinh. Các hộ có ruộng lúa tại đó cho biết, dù họ không đầu tư nhiều như những năm trước nhưng năng suất vài năm trở lại đây vẫn tăng từ 15 - 20%, một phần nhờ vào nước tưới từ bể biogas của khu chăn nuôi này”.

Bể biogas không chỉ phù hợp với chăn nuôi nông hộ, gia trại mà còn phù hợp với những trang trại lớn. Điều này đã thôi thúc gia đình ông Nguyễn Xuân Vinh đầu tư trên 100 triệu đồng để xây dựng bể khí. 

Trước đây, trang trại của ông Vinh nuôi 250 con lợn, dù ở cách xa khu dân cư vài km, xung quanh được bao bọc bởi rừng cây nhưng mùi hôi thối vẫn khiến người dân bức xúc. Thời điểm này, trang trại có 500 con lợn thịt nhưng tiệt nhiên không hề hôi thối.

“Gia đình bỏ ra hơn 100 triệu đồng, xây dựng bể khí trên 400 m3. Ngay sau bể lọc cuối cùng của bể biogas là một hồ nước có diện tích chừng 2 nghìn m2, được thả bèo tây để lắng lọc một lần nữa trước khi xả ra hệ thống ao nuôi cá, tưới cho cam, bưởi, một phần được xả ra vùng SX lúa của các hộ dân. Trước đây, khi xả ra ruộng, các hộ dân kêu ca, phản ánh dữ lắm nhưng nay, với mức độ vừa phải, họ lại rất mừng vì năng suất lúa tăng đáng kể”.

Bể biogas còn giúp gia đình ông Vinh nhiều năm nay không tốn một xu mua củi phục vụ trang trại. “Bình quân, mỗi ngày, gia đình tôi phải nấu nướng cho 5 - 6 miệng ăn, 2 nồi rượu, nấu cám cho 2.000 con gà thả vườn, 200 con ngan vịt, chí ít cũng ngốn mất 70 nghìn đồng tiền củi đốt. Nhờ có biogas, chi phí này không mất.

Lượng khí gas của gia đình tôi có thể đủ cung cấp cho 40 hộ khác đun nấu thoải mái. Nhưng hiện nay, để mua đường ống dẫn ga cho các hộ dân khá tốn kém. Vì vậy, ngày nào tôi cũng phải giải phóng số khí gas này. Biết là lãng phí nhưng vẫn chưa tìm ra phương án nào tốt hơn”, ông Vinh chia sẻ.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm