| Hotline: 0983.970.780

Lợn VietGAHP sống khỏe giữa vòng vây dịch

Thứ Năm 22/08/2019 , 08:49 (GMT+7)

Đàn lợn hơn 2.000 con của HTX Nông nghiệp - chăn nuôi Đức Thắng sống khỏe giữa vòng vây dịch tả lợn Châu Phi, là do các hộ đã bảo được nhau thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

10-17-40_dn_lon_ni_chn_nuoi_theo_huongvietghp
Đàn lợn nái chăn nuôi theo hướng VietGAHP.

Theo ước tính của chính quyền sở tại, khi chưa bùng phát dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), toàn thôn Lạc Dục (xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) có tới 80% số hộ chăn nuôi lợn theo hình thức gia trại hoặc trang trại, trong đó mỗi gia trại thường nuôi từ 100 - 150 lợn thịt và 7 - 8 lợn nái.

Từ sau DTLCP phát sinh gây hại đến nay, số hộ chăn nuôi ở địa bàn nói trên đã giảm thiểu căn bản. Chỉ có HTX Nông nghiệp - Chăn nuôi (NNCN) Đức Thắng là giữ được nguyên vẹn đàn heo (2.000 lợn thịt và 200 nái ngoại) sống khỏe.

Anh Vũ Minh Chiến, Giám đốc HTX Đức Thắng, được coi là một trong những người đứng mũi chịu sào, chèo lái con thuyền chăn nuôi của HTX vượt qua DTLCP. Tuy nhiên anh Chiến vẫn khiêm tốn cho rằng: Đây là thành tựu chung của tập thể xã viên trong HTX, đã chủ động tuân thủ chặt chẽ qui trình VietGAHP ngay từ khi chưa có DTLCP xảy ra trên địa bàn.

HTX xây dựng chuồng trại khép kín xa khu dân cư, xa đường quốc lộ, nghĩa địa, các lò giết mổ gia súc, gia cầm và bãi rác thải dân sinh. Tự chủ con giống đầu vào chất lượng cao. Tiêm đủ vacxin phòng dịch đúng lịch thú y.

Vệ sinh tiêu độc chuồng trại hàng ngày. Không chăn thả các loại gia cầm trong trang trại. Thực hiện cấm trại 100%, kể cả người thân trong gia đình không có phận sự cũng không được ra vào. Xuất nhập lợn và các loại vật tư chăn nuôi cách xa trang trại trên 100m.

Người chăn nuôi và phương tiện phục vụ chăn nuôi đều phải sát trùng kỹ trước khi ra vào trại lợn. Chỉ mua cám và vật tư phòng bệnh cho lợn từ các cơ sở sản xuất có uy tín cao. Đặc biệt không mua thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn ở bên ngoài vào sử dụng trong trang trại. Khi cần, sẽ giết mổ lợn nuôi trong HTX rồi chia cho các thành viên dùng dần... Nhờ vậy, HTX Đức Thắng đã được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận phù hợp qui trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

Tán đồng với những chia sẻ của anh Chiến, ông Bùi Xuân Đài - Trưởng thôn Lạc Dục nhấn mạnh lại: Đàn lợn của HTX Đức Thắng sống khỏe giữa vòng vây DTLCP là do các hộ đã chấp hành chuyển gia trại ra khu chăn nuôi tập trung của xã. Đồng thời các thành viên trong HTX bảo được nhau thực hành chăn nuôi tốt.

10-17-40_giu_di_dich_dn_lon_vietghp_vn_song_khoe
Đàn lợn vẫn sống khỏe giữa đại dịch.

“DTLCP gây hại nặng ở địa phương, là vì có một vài hộ chủ quan trong thực hành chăn nuôi tốt. Điển hình như nuôi lợn ngay bên lò giết mổ. Hậu quả, đàn lợn nuôi nói trên bị dịch hại sớm nhất, kéo theo hiệu ứng lợn nhiễm dịch đồng loạt”, ông Đài cho biết thêm.

Tâm sự với chúng tôi, anh Chiến cho hay: Nuôi lợn từ năm 2007, nhưng đầu năm 2017 mới đứng ra vận động thành lập HTX. Mục đích là nhằm có tư cách pháp nhân, có thể hợp đồng mua các loại vật tư chăn nuôi với giá hạ, và được hưởng một số chính sách khuyến khích khác của tỉnh.

Kết quả sau tham gia HTX, các xã viên đã mua được cám công nghiệp chất lượng và thuốc thú y phòng bệnh cho lợn, với giá rẻ hơn so với mua từ các đại lý nhỏ lẻ khác lần lượt là 4% và 2%. Qua đó đã giúp các hộ chăn nuôi trong HTX giảm thiểu đáng kể thua lỗ trong “bão giá” lợn năm 2017.

Phát huy kết quả đạt được, anh Chiến tiếp tục vận động các xã viên, góp vốn đầu tư dây truyền điện máy phối trộn thức ăn chăn nuôi tự động, công việc đang tiến hành suôn sẻ thì phải tạm dừng để tập trung cho chống DTLCP.

“Đến nay DTLCP đã tạm thời lắng dịu. Giá lợn bắt đầu nhích lên. Chăn nuôi có lãi nhẹ. HTX giữ nguyên được đàn lợn nuôi các loại, mỗi tuần xuất bán được trên 10 tấn heo thịt xuống thành phố Hải Phòng. Theo đó, HTX sẽ tiếp tục mua các nguyên liệu thành phần (ngô hạt, đậu tương, khô dầu lạc, bột cá nhạt, khoáng premix) để tự phối trộn thức ăn chăn nuôi cho lợn”, anh Chiến cho biết.

“Nhu cầu cám công nghiệp các loại cho đàn lợn của 16 xã viên trong HTX là 55 tấn mỗi tháng. Khi tự phối trộn lấy thức ăn chăn nuôi sẽ giảm được 1.000 đồng/kg cám thành phẩm. Tương ứng giảm được 55 triệu đồng mua thức ăn cho lợn mỗi tháng. Đây là con số rất có ý nghĩa với các hộ ở địa phương thuần nông”, tính toán của anh Vũ Minh Chiến.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất