| Hotline: 0983.970.780

Lộn xộn bến bãi khu vực cầu Đa Phúc làm ảnh hưởng dòng chảy, gây ô nhiễm

Thứ Tư 18/07/2018 , 07:25 (GMT+7)

Phóng viên NNVN đã tận mắt chứng kiến nhiều đoạn kè bê tông xây vươn ra bờ sông Cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thoát lũ dòng chảy...

Sau khi Báo NNVN thông tin về các bến, bãi trung chuyển hàng hóa không phép hoạt động bừa bãi quanh cầu Đa Phúc, xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), thì nhiều người dân vốn chịu ảnh hưởng do khói bụi, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn từ các bến bãi, đã lập tức chia sẻ thêm nhiều thông tin mới…

13-20-46_2
13-20-46_1
Than và rác thải cũng được tập kết tại các bến bãi

Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục lần theo địa chỉ do người dân cung cấp, đồng thời làm việc với bà Bùi Thị Hồng Mai, cán bộ địa chính và ông khổng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), để nắm rõ thêm vấn đề.

Được biết toàn bộ các bến, bãi tập kết và trung chuyển hàng hóa thuộc thôn Sông Công, xã Trung Giã, dài khoảng 700m bám theo bờ sông Công, ngay khu vực cầu Đa Phúc, hình thành từ những năm 1970, đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, có gia đình 3 thế hệ lao động và mưu sinh từ việc buôn bán, trung chuyển hàng hóa tại đây.

Thế nhưng, tất cả các bến bãi chứa hàng hóa đều do các hộ tư nhân tự bỏ vốn đầu tư mua gom đất, rồi cơi nới, đổ cầu tàu thuyền và lập các mố neo đậu tàu thuyền. Chính vì tự do mở bãi, mạnh ai đấy làm, dẫn đến nhiều mô cầu tàu được đổ bằng bê tông lấn chiếm dòng chảy.

Tuy không được cấp phép, nhưng từ nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa bão từ tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm, UBND xã Trung Giã đều có văn bản yêu cầu các hộ dừng mọi hoạt động bốc xếp hàng hóa, để thông thoáng dòng chảy.

Chính vì bến bãi mọc tự phát, chưa được cấp phép, nên dân cũng tự ý cơi nới lấn chiếm dòng chảy. Khi hình thành bến bãi, phần nhiều các hộ dân cho khách hàng thuê lại. Người thuê mặt bằng tập kết hàng hóa gì là tùy thích, kể cả than, quặng, rác thải công nghiệp... thậm chí cả rác thải nguy hại, mỗi khi có mưa là nước từ bãi rác thẩm thấu ra dòng chảy, làm cá tôm dưới dòng sông vắng bóng.

13-20-46_3
Nhiều đống vật liệu xây dựng ngổn ngang 2 bên bờ sông

Không chỉ người dân bức xúc về bến bãi gây ô nhiễm, mà cả những ông chủ bãi cát, đá lâu năm tại bến cầu Đa Phúc này cũng bức xúc về sự buông lỏng quản lý, để các bến bãi tự ý chứa rác thải công nghiệp.

Họ cho rằng, những năm gần đây, rác thải của các khu công nghiệp tại Thái Nguyên được đưa đến bến Đa Phúc, làm ô nhiễm nặng nề. Các hộ dân cũng khẳng định, nếu chỉ là bãi trung chuyển cát, sỏi, quặng sắt… sẽ không bị ô nhiễm như hiện nay.

Khi được hỏi về vai trò của chính quyền xã, ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên cho rằng, việc quản lý và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền cấp trên, xã chỉ quản lý hành chính, tuyên truyền, vận động. Còn việc tàu thuyền vẫn hoạt động trong mùa mưa bão ảnh hưởng dòng chảy hay không, cá nhân ông không nắm được.

Riêng ông Đỗ Văn Hào, trưởng thôn Sông Công, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn rất bức xúc việc thiếu công bằng trong phòng chống lụt bão. Theo ông Hào, đã rất nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, UBND xã Trung Giã có văn bản yêu cầu 365 hộ dân thôn Sông Công phải dừng nghỉ bốc xếp hàng hóa, để lưu thông dòng chảy sông Công.

Tuy nhiên, phía tỉnh Thái Nguyên lại chưa có động thái dừng hoạt động bến bãi, nên mùa mưa bão đến, nước sông Công lên cao hơn, lại xuất hiện nhiều tàu thuyền trọng tải lớn cập bến lấy hàng, dẫn đến sóng nước phá bờ, người dân thôn Sông Công, xã Trung Giã buộc phải dùng bê tông bao be bến bãi…

13-20-46_5
Nhiều tấm bê tông mới được người dân thôn Sông Công xâm lấn ra dòng chảy
Trên một đoạn sông Công dài khoảng 700 mét, nhưng có hàng loạt bến, bãi cả có phép và không phép cùng hoạt động, trong khi cách quản lý cũng không thống nhất, làm người dân bức xúc. Cùng với đó là việc quản lý bến bãi bị bỏ ngỏ, phó mặc cho các DN vận tải tự tung tự tác, dẫn tới môi trường sống ô nhiễm nghiêm trọng, đã đến lúc cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.