| Hotline: 0983.970.780

Lòng dẫn sông Hồng xói sâu, trạm bơm thuỷ lợi 'treo' lơ lửng

Thứ Tư 27/03/2019 , 10:01 (GMT+7)

Trong vụ đông xuân 2018 – 2019, lòng dẫn sông Hồng xói sâu với tốc độ nhanh nên mặc dù các nhà máy thuỷ điện đã vận hành hết công suất phát điện nhưng vì mực nước đạt rất thấp, nên hàng loạt công trình thuỷ lợi lớn không đủ điều kiện vận hành lấy nước, hoặc vận hành không hiệu quả.

Nhiều công trình “treo” lơ lửng

Sáng 26/3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân 2018 – 2019, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

14-17-31_thuy-loi-vu-dong-xun-03
Toàn cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình (Tổng cục Thuỷ lợi) cho biết: Để đảm bảo lấy nước cho vùng hạ du theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước khoảng 3 ngày và duy trì tối đa công suất điện để dâng mực nước vùng hạ du.

Tuy nhiên, trong thời gian các đợt xả nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội duy trì thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu (không thấp hơn +2,2m). Thực tế, tổng số giờ đạt từ 2,2m trở lên trong các đượt lấy nước chỉ là 33 giờ, chiếm 13,75% so với số giờ lấy nước. Tổng lượng nước điều tiết xả của các hồ chứa thuỷ điện trong 3 đợt là 4,42 tỷ m3 nước.

Theo ông Khanh, dòng chảy sông Hồng, sông Thái Bình bị xói sâu đã tác động nghiêm trọng đến khả năng lấy nước của các công trình thuỷ lợi lớn ở TP Hà Nội. Các công trình không đủ điều kiện vận hành lấy nước (do mực nước quá thấp) gồm các trạm bơm chính Phù Sa, Thanh Điềm, Ấp Bắc và cống Cẩm Đình. TP Hà Nội phải sử dụng trạm bơm dã chiến để ứng phó. Tuy nhiên cống suất các trạm bơm dã chiến đều nhỏ hơn công suất của trạm bơm chính nên thời gian lấy nước kéo dài hơn.

Các trạm bơm khác như Trung Hà, cống Liên Mạc mặc dù có thể vận hành liên tục trong tất cả các ngày xả nước, nhưng mực nước nhiều thời điểm thấp hơn mực nước thiết kế. Do đó công suất lấy nước không đạt yêu cầu.

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, hiện nay cống Long Tửu cực kỳ khó lấy nước. Trong 3 đợt xả nước tăng cường năm 2019, cống Long Tửu chỉ vận hành được trong 5 ngày, 11 ngày còn lại đều phải đóng cống do mực nước ngoài sông thấp hơn trong nội đồng. Bởi vậy, ngành thuỷ lợi của địa phương phải sử dụng trạm bơm Yên Hậu để tiếp nguồn cho sông Ngũ Huyện Khê.

Từ những khó khăn trên cho thấy, việc cấp nước phục vụ gieo cấy ngày càng khó khăn. Việc xây dựng các trạm bơm có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung của hệ thống sông Hồng cần khẩn trương thực hiện.
 

Chế độ thuỷ văn đảo lộn, tác động tiêu cực

Theo Viện Quy hoạch Thuỷ lợi, tình trạng khai thác cát trên lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình hiện nay vượt quá mức chịu đựng của hệ thống sông, gây nên tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về lượng bùn cát trên lưu vực.

14-17-31_thuy-loi-vu-dong-xun-01
Ảnh minh họa

Để làm rõ vấn đề này, TS Lê Viết Sơn – Trưởng phòng Quy hoạch thuỷ lợi Bắc Bộ, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi đã đưa ra số liệu quan trắc cụ thể: Khi chưa có các hồ chứa thuỷ điện thì lượng bùn cát đến sông Hồng mỗi năm là 60 triệu m3 nhưng hiện nay giảm xuống chỉ còn 5 triệu m3/năm (tức âm 55 triệu m3), nguy hiểm hơn là mỗi năm chúng ta khai thác khoảng 35 triệu/m3 bùn cát, gây cân bằng nghiêm trọng.

Chế độ thuỷ văn bị đảo lộn, gây nên nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động lấy nước của các hệ thống thuỷ lợi vùng Trung du và Đồng bằng sông Hồng. Quản lý khai thác cát trên lưu vực sông Hồng là yêu cầu cấp bách hiện nay như giải quyết vấn đề khai thác cát lậu; quy hoạch các mỏ cát để có thể khai thác, xác định quy mô, phương thức khai thác; giám sát việc khai thác cát bằng công nghệ tiên tiến; sản xuất cát nhân tạo...

Theo TS Lê Viết Sơn, vấn đề quản lý bền vững bùn cát đã được áp dụng phổ biến trên các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản... thậm chí cả Trung Quốc, tuy nhiên, đây là vấn đề hiện chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam.

Để đảm bảo cân bằng bùn cát, cần xây dựng kênh xả để chuyển bùn cát xuống hạ lưu. Trong trường hợp dòng chảy đến hồ chứa có hàm lượng bùn cát cao, không chuyển nước vào hồ mà chuyển thẳng qua kênh xả xuống vùng hạ lưu đập. Bên cạnh đó, cần xây dựng và vận hành các cống xả ở đáy các hồ chứa để xả lượng bùn, cát đã lắng đọng trong hồ chứa ở các năm trước xuống vùng hạ du...

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trước tình trạng lòng dẫn sông Hồng bị xói sâu, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Tổng cục Thuỷ lợi cần xây dựng kịch bản tổng thể để lấy nước trong bối cảnh mực nước thấp, thông qua các giải pháp sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình lấy nước, không để tình trạng lấy nước chậm kéo dài như ở huyện Mê Linh (Hà Nội) như thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi nhấn mạnh:

"Chúng ta phải khẳng định là lòng dẫn sông Hồng đã xói sâu nghiêm trọng rồi. Thậm chí, các hồ chứa thuỷ điện đã phát điện tối đa công suất để xả lượng nước nhiều nhất xuống hạ du, nhưng nhiều thời điểm mực nước trên sông Hồng vẫn không đạt yêu cầu để vận hành các trạm bơm chính ở Hà Nội. Vậy những năm tiếp theo, khi đáy sông Hồng tiếp tục bị xói sâu thêm thì chúng ta sẽ lấy đâu ra nước để phục vụ tưới vụ đông xuân? 

Đây là vấn đề rất lớn, tác động đến sản xuất nông nghiệp, do vậy, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tiếp tục dừng việc cấp phép mới khai thác cát trái phép trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình để khắc phục việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn sông Hồng. Bộ KH- CN nên chức nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp phục hồi lòng sông để phục vụ quản lý, khai thác cát bền vững".

 

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.