| Hotline: 0983.970.780

Long đong mía Bình Định

Thứ Tư 01/10/2014 , 10:15 (GMT+7)

Do nắng nóng kéo dài suốt 8 tháng nên nhiều diện tích mía ở Bình Định "chết yểu". Những ruộng mía thoát chết giờ cũng "long đong", không biết vụ ép này tiêu thụ ra sao.

Bởi sau sự cố nợ tiền mía của nông dân, Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) chưa có dấu hiệu khởi động.

Hiện nông dân Bình Định trồng khoảng 2.300 ha mía. Theo thống kê của ngành chức năng, năm nay nắng nóng quá khắc nghiệt nên có đến gần 900 ha mía bị “loại khỏi cuộc chơi”.

Nhiều cánh đồng mía chết cháy giờ đang bị nông dân bỏ đất hoang vì không có nước thì không thể trồng cây gì được, kể cả cây mì. Những diện tích mía thoát chết thì sống còi cọc, dù đã 8 tháng trôi qua nhưng bụi mía trông như… bụi sả, cây chỉ cao quá gối.

Địa phương trồng mía nhiều nhất và cũng bị thiệt hại lớn nhất là huyện Tây Sơn. Theo Phòng NN-PTNT huyện này, những năm trước đây, Tây Sơn luôn ổn định 1.500 ha vùng nguyên liệu mía, tập trung tại các xã Tây Thuận, Tây Giang, Tây Bình, Tây Phú, Bình Nghi...

Thế nhưng đến giờ này, theo báo cáo của các xã, diện tích mía còn trụ được qua mùa nắng nóng năm nay chỉ có 1.100 ha.

“Dù không bị chết cháy như những diện tích khác, nhưng mía sống cũng không thể phát triển nổi. Chắc chắn năm nay SX mía sẽ giảm năng suất, sản lượng rất lớn”, ông Phùng Ngọc Chí, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn cho biết.

13-55-38_2
Nông dân Võ Đình Bảy (bên trái) thất thần nhìn 8 sào mía của mình giờ chỉ còn lác đác vài bụi

Theo chân ông Chí, chúng tôi đi thực tế tại xã Tây Giang, nơi đang có 405 ha mía, trong đó có 349 ha mía lưu gốc và 25 ha mía trồng mới tập trung tại 2 thôn Tả Giang 2 và thôn Nam Giang.

Đến vùng mía thôn Nam Giang, vùng đất có địa hình đồi cao, suốt nhiều tháng liền không có hạt mưa, lại thêm ảnh hưởng gió tây nam thổi mạnh đưa thêm nóng về nên diện tích mía ở đây hầu như chết sạch.

 Những đám mía còn sống nhờ mấy cơn mưa vào cuối tháng 9 này đang phục hồi nhưng xem ra cũng chẳng cứu vớt được gì, bởi cây mía dù đã 8 tháng tuổi nhưng cao chưa quá 1 m.

Nông dân Võ Đình Bảy (41 tuổi) than thở: “Tui làm được 8 sào mía, trồng mới vào năm trước, năm nay lưu gốc. Tháng Chạp năm trước, tui bón phân cho diện tích mía nói trên tốn hơn 4 triệu đồng. Mía vừa lên chồi thì gặp ngay nắng nóng kéo dài nên đã chết đến 70%, số cây còn sống cũng đang ngắc ngoải. Vụ mía năm nay kể như mất trắng”.

13-55-38_3
Nhiều diện tích trồng mía ở huyện Tây Sơn giờ bị bỏ hoang

“Tại hội nghị sơ kết vụ hè thu và triển khai SX vụ mùa, UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo cho các xã vận động bà con giữ nguyên diện tích trồng mía hiện nay để giữ vững vùng nguyên liệu 1.500 ha. Tuy nhiên, trước thực tế “nguội lạnh” của nhà máy đường hiện nay, bà con không thể không lo lắng cho số phận của cây mía”, ông Phùng Ngọc Chí, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn.

Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Giang cho biết thêm: “Một số diện tích mía bị chết sớm đang bỏ đất trống, hiện bà con tranh thủ mấy đợt mưa xảy ra từ giữa tháng 9 đến nay để xuống giống đậu đen”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang, riêng trên địa bàn xã này, trong năm nay có đến hàng trăm ha mía bị chết cháy, nông dân phải đành lòng cắt mía cho bò ăn.

Chuyện người nông dân có mía bị chết cháy trắng tay đã đành, những diện tích mía ở những vùng đất chủ động được nước tưới đang phát triển bình thường giờ cũng long đong vì không biết rồi đây sẽ tiêu thụ như thế nào.

 Vì theo kế hoạch, 20/10 sắp tới BISUCO sẽ bước vào niên vụ ép mới, thế nhưng đến giờ này nông dân vẫn chưa thấy tín hiệu khởi động của nhà máy.

“Những năm trước đây, vào thời điểm này BISUCO đã cử cán bộ các trạm thu mua nguyên liệu xuống tận từng xóm để triển khai công tác thu mua, công bố giá và chính sách thu mua mía rầm rộ lắm. Thế nhưng năm nay vắng lặng quá, nông dân trồng mía đang lo lắng sau khi thanh toán hết khoản nợ, không biết niên vụ này nhà máy có hoạt động không”, ông Nguyễn Ngọc Anh băn khoăn.

Theo tính toán của những người trồng mía, do vùng đất Tây Sơn không được tốt, nên mỗi ha mía trồng mới phải đầu tư khoảng 42 triệu đồng từ tiền giống đến phân bón mới có thể cho năng suất 65 tấn/ha.

Với giá thu mua 900.000 đồng/tấn (tại ruộng), mỗi ha mía chỉ bán được 59,5 triệu đồng. Trừ chi phí suốt vụ 42 triệu, cộng với công chặt mía 200.000 đồng/tấn, mất thêm 13 triệu đồng nữa, vị chi chỉ còn lãi 4,5 triệu đồng/ha mía. Đó là tính chuyện bán mía thông suốt, còn nếu bị trục trặc thì kể như vụ mía này…công cốc.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.