| Hotline: 0983.970.780

Long nhãn sấy khô Sông Mã vươn ra thị trường nước ngoài

Thứ Ba 12/11/2019 , 11:19 (GMT+7)

Long nhãn sấy khô là thương hiệu nông sản số một của huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) đem lại nguồn thu nhập chính, ổn định cho người dân. Đặc biệt, sản phẩm đang vươn ra thị trường nước ngoài.

 Long nhãn sấy khô đang là đặc sản của huyện Sông Mã. Ảnh: Báo Sơn La.

Đến nay, Sông Mã là một trong những vùng trồng nhãn lớn của miền Bắc và đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Hiện diện tích trồng nhãn Sông Mã gần 7.000ha, sản lượng hằng năm ước đạt 30.000 tấn.

Tuy nhiên, do người dân chưa quen với việc phân loại, đóng gói bao bì sản phẩm để bảo quản, cùng với đó, cũng chưa có nơi sơ chế, nên sau thu hoạch, người dân chủ yếu đưa sản phẩm nhãn về nhà, quả nhãn thu hoạch chỉ để được một đến hai ngày là bị héo và mất nước.

Điều này không chỉ làm giảm mẫu mã của sản phẩm mà chất lượng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chuyên môn của huyện Sông Mã đã hỗ trợ người dân và HTX phương pháp làm long nhãn sau khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng quả nhãn trước khi đưa đi tiêu thụ.

Xã Chiềng Khoong được coi là cái nôi của nghề chế biến long nhãn của huyện Sông Mã. Người dân nơi đây cho biết, thường vào giữa mùa nhãn, nhà nhà tham gia chế biến long nhãn, đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tính trung bình, mỗi vụ nhãn, người dân xã Chiềng Khoong chế biến được khoảng 100 tấn long nhãn, với giá bán dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg, mang lại doanh thu khá ổn định.

Chị Phạm Thị Trang, Giám đốc HTX Bảo Minh, người có thâm niên 10 năm làm long nhãn xuất khẩu cho biết: Một vụ nhãn HTX chế biến khoảng 15 tấn long nhãn sạch. HTX chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Làm long nhãn sấy khô tiềm năng cao hơn vì sản phẩm để được lâu hơn.

Được biết, cách làm long nhãn không quá phức tạp, quả tươi sau khi thu hoạch sẽ được dùng dụng cụ để “xoáy” lấy cùi và loại bỏ hạt, vỏ. Những cùi long nhãn tươi được xếp vào phên hoặc sàng, sau đó đưa vào lò sấy khô bằng nhiệt. Sau 12 - 16 giờ đồng hồ, tùy theo nhiệt độ cao, thấp, long nhãn khô được đưa ra khỏi lò.

Long nhãn mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Sản phẩm long nhãn ra lò có độ ẩm từ 15 - 20%, khi sờ có cảm giác hơi khô tay, là sản phẩm long nhãn đã đạt chất lượng. Long nhãn là sản phẩm có nhiều chất dinh dưỡng gồm: Protein, carbonhydrate, Vitamin PP, flavoprotein... có tác dụng chống lão hóa; giúp cho quá trình tuần hoàn máu trở nên tốt hơn và chống suy nhược cơ thể.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Mã, sản lượng long nhãn năm 2019 ước đạt trên 1.000 tấn. Long nhãn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng nhãn, thu nhập bình quân trên 1ha nhãn (khi chế biến long nhãn) khoảng 300 triệu đồng, ngoài ra còn tạo viêc làm cho hàng nghìn lao động nhàn rỗi, lao động theo mùa vụ. Hiện long nhãn được tiêu thụ chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Riêng năm 2019 xuất khẩu sang Trung Quốc trên 800 tấn.

Long nhãn sấy khô là nông sản tiêu biểu của huyện Sông Mã.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Sản lượng nhãn của huyện Sông Mã rất lớn, đây là nguồn cung đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Hiện nay nhân dân đang đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất, nhất là sản xuất hữu cơ, sản xuất VietGAP, đăng ký mã số vùng trồng”.

Huyện Sông Mã đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm long nhãn Sông Mã cùng với quả tươi. Đặc biệt là nâng cao chất lượng, mẫu mã thông qua việc hỗ trợ các HTX công nghệ sấy, làm long nhãn sạch cũng như đóng gói bao bì, dán tem, nhãn mác.

Năm 2017 nhãn Sông Mã đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thương hiệu. Hiện có 17 HTX sản xuất theo mô hình VietGAP diện tích hơn 300ha, với sản lượng 3.000 tấn/năm nhãn quả tươi. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 cơ sở chế biến long nhãn đã được cấp mã số vùng chế biến sang Trung Quốc. Toàn huyện có 9 cơ sở đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc đã được cấp mã đóng gói theo yêu cầu của Trung Quốc.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.