| Hotline: 0983.970.780

Lột lá tăng năng suất, chất lượng mía đường: Tập quán và kỹ thuật lột lá mía

Thứ Sáu 08/01/2016 , 06:05 (GMT+7)

Lột lá mía là một việc làm hết sức khó nhọc và đòi hỏi mất khá nhiều công sức của người lao động. Lá được hình thành liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mía. Cứ một lóng mía hình thành sẽ có 1 lá mía.

nh-2-bi-1-my-lot-l-mi-o-thi-ln091923742
Máy lột lá mía của Thái Lan

Lột lá mía là một biện pháp đã được nhiều nước trên thế giới và cả ở Việt Nam thực hiện từ lâu. Có một số tài liệu ở trong và ngoài nước nói về hiệu quả của kỹ thuật này, song đến nay chúng ta vẫn chưa thể xác định và biết chắc chắn rằng lột lá mía có giúp nâng cao năng suất, đặc biệt là chất lượng mía nguyên liệu hay không?

Theo TS Cao Anh Đương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường, lột lá mía còn có các tên gọi khác như bóc lá mía (ở miền Bắc) hoặc đánh lá mía (ở miền Bắc, miền Trung). Đây là biện pháp kỹ thuật cánh tác nhằm loại bỏ các lá mía khô, lá mía già, các mầm, chồi mía vô hiệu ra khỏi cây mía và bụi mía.

Lột lá mía là một việc làm hết sức khó nhọc và đòi hỏi mất khá nhiều công sức của người lao động. Lá được hình thành liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mía. Cứ một lóng mía hình thành sẽ có 1 lá mía.

Lá hoàn chỉnh bao gồm 2 phần chính là bẹ lá và phiến lá, trong đó phần bẹ ôm lấy đoạn thân lóng còn phần phiến lá vươn ra ngoài đón lấy ánh sáng quang hợp cho cây. Độ ôm chặt thân của lá mía là tùy theo đặc điểm di truyền của giống mía. Có giống, lá mía rất dễ tự bong ra khi già, khô, rất thuận lợi cho việc lột lá, chăm sóc và thu hoạch mía.

Ngược lại có giống mía, nhất là các giống có nguồn gốc từ Thái Lan, lá mía ôm chặt lấy thân từ ngọn tới gốc, kể cả khi đã già, khô, gây ra rất nhiều khó khăn cho việc lột lá, chăm sóc mía và thu hoạch mía về sau.

Trong một vụ mía, một cây có thể có từ 30-35 lá tương ứng với số lóng mía được hình thành, nhưng mỗi lá chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ quang hợp chính cho cây trong một thời gian nhất định (thường được gọi là giai đoạn lá bánh tẻ), thông thường chỉ có từ 8-10 lá ở phần ngọn là còn có vai trò đáng kể trong quá trình quang hợp của cây. Những lá già ở phía dưới không những không còn khả năng giúp thúc đẩy cây tăng trưởng thêm mà còn tiêu hao, lấy đi một phần chất hữu cơ, khoáng chất và nước.

Ngoài ra, đây còn là nơi trú ngụ, là nguồn lây lan của một số loài dịch hại mía như rầy, rệp, sâu đục thân... Chính vì vậy việc lột bỏ các lá mía khô, già thường xuyên, đúng lúc là việc làm hết sức cần thiết và chắc chắn đem lại hiệu quả.

nh-1-bi-1091923850
Dao lột lá mía ở Ấn Độ

Việc nghiên cứu chế tạo ra các công cụ, máy móc hỗ trợ cho việc lột lá mía đã có ở một số nước như Ấn Độ, Thái Lan... nhưng mức độ và phạm vi ứng dụng còn hết sức hạn chế. Đa phần nông dân trồng mía vẫn dùng tay để lột lá là chính, do vậy năng suất lột lá thường không cao, đổi lại chất lượng lột lá luôn tốt hơn nhiều so với lột bằng máy hoặc công cụ hỗ trợ.

Ở Việt Nam, việc lột lá mía được thực hiện khá phổ biến ở hầu hết các tỉnh trồng mía phía Bắc, nơi có quỹ đất eo hẹp, bình quân diện tích trồng mía trên 1 hộ chỉ ở khoảng 0,5-1 ha. Đây là tập quán canh tác mía lâu đời của nông dân, xuất phát từ cả nhu cầu muốn nâng cao năng suất, chất lượng mía và lấy lá làm chất đốt, theo kiểu lấy công làm lãi mà chưa quan tâm, tính toán thiệt hơn về hiệu quả kinh tế.

Các nhà máy đường có thể nghiên cứu, chế tạo hoặc cải tiến, ứng dụng một số dụng cụ lột lá như dao lột lá của Ấn Độ hoặc máy lột lá của Thái Lan (xem hình) để nâng cao năng suất lột lá, hạ chi phí và tăng tính khả thi của biện pháp này trong sản xuất đại trà.

Ở phía Nam, chỉ có một số tỉnh vùng ĐBSCL như Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... nông dân vẫn duy trì tập quán lột lá mía định kỳ, chủ yếu là để chống đổ cho mía và làm thông thoáng ruộng, thuận tiện cho việc vô chân, chăm sóc mía. Bởi mía trồng ở vùng thấp, đủ ẩm nên cây thường rất cao, to, bộ lá khá nặng, trong khi đất có thành phần cơ giới nhẹ nên rất dễ đổ ngã, làm giảm năng suất và chất lượng cũng như tốn kém hơn về chi phí thu hoạch.

TS Cao Anh Đương cũng chia sẻ: Tập quán lột lá mía hiện nay rất khác nhau tùy theo vùng. Ở miền Bắc, người thường tiến hành lột lá mía khô định kỳ 1-2 tháng/lần trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây mía, sau khi lột, lá thường được thu, gom, bó lại và mang về nhà làm chất đốt (hoặc đôi khi dùng để lợp mái nhà).

Ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta thường lột lá (kể cả lá già và chưa già) từ 2-3 lần trong giai đoạn mía 7-9 tháng tuổi và ngay trước khi thu hoạch, sau khi lột, lá mía chủ yếu được tủ lại trên ruộng.

Ở Ấn Độ, tại một số vùng thường xuyên có gió mạnh, sau 1, 2 lần lột lá ban đầu, khi mía đủ cao người ta không lột lá nữa mà bện, xoắn lá lại và buộc nối các cây mía chụm lại với nhau thành từng hàng hoặc từng bụi để chống đổ ngã.

Kỹ thuật lột lá mía đúng là chúng ta chỉ nên bắt đầu lột bỏ các lá mía già khi cây mía đạt trên 5 tháng tuổi (150 ngày). Việc lột lá sớm quá có thể gây hại, hạn chế tốc độ tăng trưởng và sức chống chịu của cây mía về sau. Tiến hành lột lá từ 2-3 lần, định kỳ 1-2 tháng/lần tùy theo giống mía và điều kiện canh tác.

Khi lột lá, cần chú ý lột hết các lá già, lá khô, chỉ chừa lại từ 8-10 lá xanh ở phần ngọn, đồng thời nhổ, giật, cắt bỏ các cây sâu và các mầm, chồi vô hiệu. Khi lột lá cần lưu ý nắm chắc bẹ lá giật ngang, không nên giật xuống sẽ làm rách vỏ mía, gây tổn thương cơ giới cho cây, tạo điều kiện cho các bệnh hại thân xâm nhập, gây hại. Không nên lột các lá còn quá xanh, nên tủ lá vào gốc hoặc rải đều lên mặt ruộng và không nên thu gom lá ra khỏi ruộng (vừa tốn công, vừa làm mất đi một lượng chất hữu cơ đáng kể). (Còn nữa)

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất