| Hotline: 0983.970.780

Lũ không về ruộng đồng để trâu bò ra ăn cỏ

Thứ Năm 06/10/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ông Vui khẳng định, ngay thời điểm này vùng đất mình sống chưa hứng được giọt nước nào từ dòng sông Hậu chảy về. Bà con không có mùa nước nổi mà chỉ còn mùa nước đứng.

Hàng năm vùng đất “cánh đồng chó ngáp” (chủ yếu thuộc huyện Hồng Dân và Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) là nơi cuối cùng của Bán đảo Cà Mau được hưởng cái bầu khí “ngày hội” đánh bắt thủy hải sản mùa nước nổi. Tuy nhiên, năm nay vào mùa đã hơn tháng rồi mà nước cứ đứng yên không chảy, nguồn lợi thủy sản hạn chế.

 

Chỉ còn mùa nước đứng

Mùa nước nổi của vùng đất này bắt đầu vào khoảng tháng 8 (âm lịch) hàng năm. Xã Ninh Quới và Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) mang rõ nhất cái chất nước nổi đặc trưng của vùng ĐBSCL.


Mùa nước lớn không về, ông Bảy Vui chẳng buồn đụng tới đống lưới
 

Vào mùa này, lưu thông trên tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp nằm uốn éo ngang qua những cánh đồng lúa hè thu đã thu hoạch, mọi người dễ dàng nhận ra nét đặc trưng của mùa nước nổi. Bà con địa phương tấp nập ngoài cánh đồng ngập tràn nước đánh bắt các loại thủy sản. Ban ngày họ kéo lới, đẩy côn, đặt dớn; ban đêm lại giăng câu, giăng lưới, úp nơm,…

Theo lời kể của lão nông Bảy Vui (ấp Ninh Thuận, xã Ninh Quới A), cứ vào tâm điểm mùa mưa, nước ở vùng trên theo kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp về dữ lắm. Nước ở các con sông lớn luồn lách vào kênh rạch rồi chảy xuống vùng Cà Mau, chứ đâu đứng sựng như năm nay.

Ông Vui khẳng định, ngay thời điểm này vùng đất mình sống chưa hứng được giọt nước nào từ dòng sông Hậu chảy về. Bà con không có mùa nước nổi mà chỉ còn mùa nước đứng.

Ở tuổi 62, ông Bảy Vui gắn cả đời mình với mảnh đất quê hương. Bốn người con trai của ông cũng nối nghiệp cha mình hành nghè kéo lưới, đặt dớn trong mùa nước nổi hơn chục năm rồi. Mùa nước nổi mấy năm trước, mỗi ngày bà con làm nghề trên mảnh đất này cũng kiếm năm ba trăm ngàn khỏe ru. Vài năm qua, nước ngày về càng ít, nguồn lợi thủy sản giảm dần nên các con ông đã kéo nhau đi Bình Dương sinh sống.

Nhìn ra mảnh ruộng cạnh nhà còn lởm chởm gốc rạ, ông Bảy cho biết: Mấy bữa trước không có mưa, lội xuống ruộng nước còn chưa ngập mắt cá chân thì lũ đâu ra. Năm nay mất mùa giăng câu, bắt cá chắc rồi. Ruộng đồng chỉ để trâu bò ăn cỏ thôi.

Tưởng như thường niên, cách đây cả tháng, lão nông Bảy Vui đã mang các công cụ đánh bắt ra để sẵn ở góc vườn. Tung đống lưới to tướng của mình ra, ông Bảy giới thiệu đồ nghề với chúng tôi, nào là lưới kéo, lưới giăng, dớn nằm chồng đống lên nhau. Đợi hoài không thấy nước về, lão nông cũng chẳng buồn đụng tới.

Ở vùng đất này, một năm bà con chỉ quanh quẩn làm 2 vụ lúa, khi mùa lũ đến gần như nhà nào cũng lưới chài mưu sinh kiếm thêm thu nhập. Riêng ấp Ninh Thuận có hơn 250 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng chọn một nghề kiếm ăn. Còn đối với hàng chục hộ khó khăn nơi này, đây chính là mùa kiếm sống.

17-52-30_2-thoi-diem-ny-moi-nm-b-con-d-thu-tien-trieu-roi-nhung-nm-ny-do-don-chi-duoc-mo-c-tp
Thời điểm này mọi năm bà con đã thu tiền triệu rồi nhưng năm nay đổ dớn chỉ được mớ cá tạp
 

Gia đình anh Đỗ Văn Đông không có đất canh tác. Anh đã gắn bó với mùa nước nổi hơn chục năm rồi. Chẳng được may mắn như mọi người, bị liệt một chân nên chẳng thể chọn cái nghề đẩy côn hay kéo lưới nặng nhọc.

Do vậy, anh chọn nghề dớn, nghề câu để mưu sinh. Cách đây mấy năm, người vợ qua đời, chính thời gian mưu sinh mùa nổi giúp cha con anh Đông trang trải cuộc song hàng ngày. Năm nay, chờ mãi vẫn chưa thấy con nước lớn về, anh nông dân như thấy thiêu thiếu cái gì.

“Tôi tàn tật, đi làm xa người ta không nhận nên phải bám trụ ở đây lay lắt bán hàng bông sống qua ngày thôi. Xung quanh đây, nhiều bà con chòm xóm thấy khó sống, bỏ đi thành phố làm ăn hết rồi. Họ chẳng ham mê gì thành phố đâu, nhưng không đất sản xuất, nước không lớn mới phải rời bỏ con sông, dòng nước quen thuộc tha phương cầu thực”, anh Đỗ Văn Đông tâm sự.

Theo chia sẻ của anh Đông, thời điểm này hàng năm nước ở kênh 30 từ Ngã Năm đổ về rất mạnh. Các tuyến đường nông thôn ngấp nghé ngập, lội dưới ruộng cũng ngang lưng quần. Nguồn lợi thủy hải sản theo dòng nước về đây, bà con kiếm ăn được.

“Mọi năm, tôi phải đánh bắt được cả tháng rồi đấy. Mỗi ngày kiếm được trên dưới 200.000 đồng. Không hiểu sao năm nay con nước kém quá. Nửa tháng qua, mưa dầm lượng nước mới lên được ngang đầu gối”, anh Đông nói.

Sốt ruột quá, dù nước nhỏ anh Đông vẫn mang 7 cái dớn ra các mương đặt thử để nắm tình hình tôm cá. Mấy cái dớn nửa nằm trên không nửa dưới nước, thu được vài kg cá tạp. Hiện tại, hằng ngày anh Đông chạy vỏ lãi ra chợ nổi Ngã Năm lấy rau củ, hôm sau đi bán khắp các con kênh lớn nhỏ của Xóm Lá. Cứ hai ngày như thế, anh kiếm lời hơn 100.000 đồng. Cái nghề tay trái này so với món lợi trong mùa lũ còn kém xa.

 

Lo cho cây lúa

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, năm nay lũ không về chú lo nhất điều gì? Lão nông Sáu Ngao (xã Ninh Quới A) chẳng cần suy nghĩ, nói câu chắc nịch: “Tôi lo cho cây lúa”.

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm lúa tại địa phương, ông Sáu Ngao chia sẻ, lũ không về tôm cá ít là một chuyện, nhưng đa số bà con đều sống nhờ cây lúa, lũ không về cây lúa sao tươi tốt được?

17-52-30_3-khong-co-mu-mu-nuoc-lon-ruong-dong-de-tru-bo-r-n-co
Không có mùa mùa nước lớn, ruộng đồng để trâu bò ra ăn cỏ
 

“Theo chu kỳ, sau vụ hè thu, mùa lũ mang nguồn nước ngọt về san phẳng những ranh giới, ruộng đồng trở nên mênh mông như một mặt hồ rộng lớn. Mình ở cuối nguồn, bao nhiêu phù sa sẽ lắng đọng lại đây. Những tàn dư chất BVTV hay phèn mặn đều được kéo đi khi nước lũ rút đi”, ông Sáu phân tích.

Gia đình ông Sáu có 30 công đất, mấy năm nay từ lũ nhỏ đến không có lũ ông đã dần cảm nhận được cái khó khăn cây lúa phải gánh chịu.

Đặc biệt, sau mùa khô vừa qua, địa phương đã bị mặn thấm vào đất. Lão nông và bà con phải xuống giống vụ hè thu trễ hơn tháng trời. Tới thu hoạch, năng suất cũng không đạt, gia đình ông Sáu chỉ được gần 600 kg/công. Trong khi, tiền phân, thuốc phải đầu tư nhiều hơn khoảng 20%. Vụ Đông Xuân tới lão nông lo lắng chất mặn trong đất không biết đã được mưa ngọt rửa hết hay chưa.

Còn anh Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng ấp Ninh Thuận khẳng định: Không có lũ, diện tích 248 ha đất lúa trong ấp sẽ khó khăn hơn.

Gia đình anh Toàn đang làm gần hơn 20 công đất. Vụ hè thu vừa qua, tính riêng lượng phân, anh đã phải đầu tư nhiều hơn mỗi công khoảng 20 kg. Tình trạng cứ thế này thì độ phì nhiêu của đất ngày càng giảm, bà con làm lúa ngày sẽ càng phải đầu tư nhiều hơn và nhiều hơn nữa.

Cái mất lớn nhất là phù sa

Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân cho biết: Tuy nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi tại địa phương không lớn lắm nhưng đối với một số hộ dân nghèo đó là sinh kế bà con rất cần.

Đến giờ lũ chưa về, năm nay bà con mất nguồn lợi thủy sản là chắc chắn rồi. Nhưng cái chúng tôi mất nhiều nhất là phù sa.

Vùng đất chúng tôi là vùng cuối nguồn và cũng là vùng giáp ranh mặn, ngọt. Mùa khô, mặn xâm nhập. Mùa mưa thì nước lớn đổ về tẩy đi cái phèn, mặn, mang đến phù sa làm chất đất vùng cuối nguồn màu mỡ hơn. 

Mấy năm từ lũ nhỏ đến không lũ, chưa có biểu hiện ảnh hưởng rõ nét, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến nghề canh tác lúa. Chúng tôi đang rất lo ngại, người dân cũng cần chủ động thích ứng.

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.