| Hotline: 0983.970.780

Lúa "cổ" tạm gọi là lúa Thành Dền

Thứ Hai 06/09/2010 , 10:10 (GMT+7)

Kết quả phân tích đặc điểm hình thái của cây lúa Thành Dền và lúa Khang dân 18 cho thấy, lúa Thành Dền giống với lúa hiện đại Khang dân 18.

* Đề nghị nên dừng nghiên cứu để không mất quá nhiều công sức, tiền của.

Sau những thông tin đa chiều về hạt thóc 3.000 năm nảy mầm tại Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội), Viện Di truyền Nông nghiệp đã tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa này bao gồm các nhà khoa học đầu ngành về lúa, khảo cổ.

Mở đầu hội thảo, TS Lâm Thị Mỹ Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội - chủ trì đoàn khảo cổ Thành Dền cho biết: Sau các lần khai quật, đoàn đã tìm được vô số hạt thóc. Đến nay 13 cây lúa (mọc từ 10 hạt thóc đãi đợt đầu và 3 mẫu đãi đợt 3) được trồng tại Viện Di truyền NN đã trổ bông và cho thu hoạch. Đây không phải là lúa hoang dại mà là loại đã được thuần dưỡng. Tuy nhiên vẫn có 2 trường hợp xảy ra, lúa nảy mầm là lúa hiện đại lẫn vào. Sai sót này có thể xảy ra trong quá trình lấy mẫu hoặc do khả năng xáo trộn địa tầng.

GS.TS Trần Duy Quý cho rằng trong quá trình lấy mẫu và bảo quản còn sơ suất. Tất cả những hố được khai quật ở Thành Dền không được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hàng rào, phía trên không có mái che nên nhiều khả năng chim hoặc chuột tha đến. Theo ông Quý, đối với giống lúa bình thường để trong điều kiện tự nhiên thì sau 4-5 năm là mất sức nảy mầm hoàn toàn. Nếu bảo quản ở điều kiện ni tơ lỏng thì tối đa là 50-100 năm. Bởi vậy, khả năng đây là lúa 3.000 năm tuổi là rất khó xảy ra. “Tôi có thể khẳng định 100% đây là lúa Khang dân 18 chứ không phải là lúa cổ. Còn để có căn cứ khoa học chính xác thì cần phải làm lại từ đầu quy trình tìm mẫu vật, gieo cấy đúng vụ để có những kết luận cuối cùng” - ông Quý nói.

TS Phạm Xuân Hội, Trưởng phòng Bệnh học phân tử, Viện Di truyền NN khẳng định đến thời điểm này có thể đưa ra một số kết luận về lúa Thành Dền. Theo ông Hội, các nhà khoa học đã lấy ra 2 cây lúa cổ và đối chứng với các giống lúa hiện đại để phân tích ADN, kết quả là 2 cây lúa cổ và giống Khang dân có phổ ADN hoàn toàn giống nhau. Theo kết luận sơ bộ là rất có thể 2 cây lúa cổ này chính là lúa Khang dân đương đại.

GS Trần Duy Quý: Nếu lúa trổ bông sau 15/10 thì phải tiến hành xem xét cẩn trọng, bởi lúa cổ thường là giống dài ngày. Còn trổ trước tháng 9 thì nên... vứt vào sọt rác. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao hạt thóc khai quật có màu đen như hạt thóc cháy mà vẫn nảy mầm được? Tôi khẳng định hạt thóc cháy không thể nảy mầm. Sở dĩ hạt thóc này có màu đen là vì nó tồn tại ở vùng đất có nhiều tro, đất đen. Tôi không phủ nhận nỗ lực của các nhà khoa học, nhưng chúng ta nên dừng lại ở đây để không mất quá nhiều công sức nghiên cứu.

Kết quả phân tích ADN bằng chỉ thị SSR với 50 cặp mồi không cho thấy sự khác biệt giữa 2 cây lúa Thành Dền với lúa Khang dân 18. Do những giống lúa khai quật tại Thành Dền giống với lúa hiện đại Khang dân 18, các nhà khoa học đề nghị không nên gọi giống lúa khai quật tại Thành Dền là lúa cổ, mà tạm gọi là lúa Thành Dền.

Kết quả phân tích đặc điểm hình thái của cây lúa Thành Dền và lúa Khang dân 18 cho thấy, lúa Thành Dền giống với lúa hiện đại Khang dân 18. Kết quả phân tích ADN bằng chỉ thị SSR (chỉ thị vệ tinh) với 50 cặp mồi không cho thấy sự khác biệt giữa 2 cây lúa Thành Dền đại diện với cây lúa Khang dân 18.

Để khẳng định kết quả một cách chính xác, các nhà khoa học còn sử dụng thêm 37 chỉ thị SSR phân tích với ADN của 2 cây lúa Thành Dền và 2 giống đối chứng (P1 và Khang dân 18). Kết quả  cho thấy DNA profile của 2 cây lúa Thành Dền và Khang dân 18 hoàn toàn giống nhau. Ông Hội cho biết thời gian tới các nhà khoa học sẽ tiếp tục khảo nghiệm DUS để khẳng định lần cuối, phân tích ADN, hình thái sinh lý sinh hóa của tất cả các dòng lúa Thành Dền kết hợp với kết quả phân tích AMS từ Nhật Bản để có kết luận cuối cùng.

Ông Nguyễn Thiên Lương, Vụ KHCM-MT (Bộ NN-PTNT) cho biết: Bộ sẵn sàng cấp kinh phí để tiếp tục nghiên cứu về lúa Thành Dền dựa trên những thành quả nghiên cứu đã có. Việc xác định mục đích nghiên cứu cần phải được làm rõ để thấy được đó là hướng đi đúng để có những kết quả nghiên cứu khoa học tốt nhất. Kết luận hội thảo, các nhà khoa học đề nghị tiếp tục phân tích một số chỉ tiêu hình thái, sinh lý, sinh hoá của các dòng lúa Thành Dền; phân tích ADN tất cả các dòng lúa Thành Dền; khảo nghiệm DUS; kết hợp với kết quả phân tích AMS từ Nhật Bản để có kết luận cuối cùng…

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.