| Hotline: 0983.970.780

Lúa cỏ và giống kém chất lượng

Thứ Tư 04/03/2020 , 14:10 (GMT+7)

Lúa cỏ (còn gọi là lúa lộn, lúa 2 tầng, lúa ma) đang ngày càng xuất hiện nhiều và gây hại phổ biến, làm giảm năng suất và chất lượng lúa.

 Lúa cỏ cao hơn; lá vàng, phiến lá dài và hẹp hơn lúa trồng.

 Lúa cỏ cao hơn; lá vàng, phiến lá dài và hẹp hơn lúa trồng.

Lúa cỏ được xem là dịch hại quan trọng gây hại lúa tại Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, nhất là các vùng gò, canh tác 3 vụ/năm.

Theo các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, lúa cỏ có thể làm giảm năng suất lúa trồng từ 2,4% (vụ Đông Xuân) đến 30,6% (vụ Hè Thu). Trong thực tế, một số ruộng thậm chí thất thu 100% do không thể thu hoạch mà phải tiêu hủy cả ruộng nhằm ngăn lúa cỏ tạo hạt lây lan sang vụ sau. Một số diện tích ruộng phải bỏ vụ để xử lý lúa cỏ khi mật độ cỏ tích lũy quá cao.

Thời gian qua, một số giống đặc sản nổi tiếng như ST20, ST24, ST25, RVT… bị giảm chất lượng thậm chí là thoái hóa do nông dân mua phải giống không bảo đảm chất lượng. Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của các giống ST nổi tiếng, cũng phải kêu trời vì tình trạng giống giả (bao thiệt, giống giả), giống bao trắng (không có thông tin xuất xứ, nguồn gốc trên bao bì) làm những giống lúa ngon bị mất uy tín.

Nguyên nhân lúa cỏ xuất hiện và lan rộng

Sử dụng lúa giống không đảm bảo chất lượng (lúa giống không nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu nhưng “bao thiệt, giống giả”) để gieo sạ là nguyên nhân chính khiến lúa cỏ xuất hiện và lây lan ngày càng nhiều ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như: Việc canh tác lúa liên tục 3 vụ/năm, không có thời gian làm kỹ khâu vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất, nhử cho lúa cỏ mọc lên để diệt trừ; mặt bằng đồng ruộng chưa tốt, khó khống chế lúa cỏ bằng mực nước; nông dân chưa chú trong khâu khử lẫn thời điểm lúa từ làm đòng đến trổ, chỉ quan tâm khử lẫn ở giai đoạn chín nên hiệu quả khử lẫn không cao.

Biện pháp quản lý

Hiện nay không có biện pháp quản lý riêng lẻ nào có thể phòng trừ lúa cỏ hiệu quả. Do đó, cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp như:

Thả vịt vào ruộng: Sau khi thu hoạch, cho vịt vào ruộng ăn bớt hạt lúa cỏ đã rụng vào đất.

Biện pháp cơ học:

Lúa cỏ có thể lây lan qua con đường cơ giới như máy gặt đập liên hợp vì vậy cần vệ sinh máy gặt khi cắt từ ruộng lúa bị nhiễm sang ruộng chưa nhiễm.

Nhử cho lúa cỏ mọc sau đó xới đất để diệt lúa cỏ. Có thể lặp lại nhiều lần biện pháp nhử cho lúa cỏ mọc rồi diệt chúng.

Trong quá trình làm đất, nếu thấy lúa cỏ trôi dạt vào những góc ruộng thì tiến hành vớt đem ra khỏi ruộng và tiêu hủy. Đặt lưới tại đường dẫn nước vào ruộng nhằm ngăn chặn hạt lúa cỏ vào ruộng,

Làm đất kỹ và trang ruộng bằng phẳng: Biện pháp này nhằm vùi sâu hạt lúa cỏ vào đất, không tiếp xúc được với ánh sáng, hạt lúa cỏ sẽ không nảy mầm và giúp lúa trồng mọc đều, sinh trưởng và phát triển nhanh sẽ tạo tán che phủ làm giảm khả năng mọc và phát triển của lúa cỏ.

Sử dụng thuốc trừ cỏ: Nhử cho lúa cỏ mọc sau đó diệt bằng thuốc trừ cỏ không chọn lọc (áp dụng trước khi xới, trục lần cuối); sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm (có khả năng diệt hạt lúa cỏ chưa mọc) trước khi gieo sạ hoặc ngay sau khi gieo sạ đối với lúa sạ mộng.

Chuyển đổi phương pháp canh tác: Chuyển phương pháp sạ lan sang sạ hàng hoặc cấy, giúp dễ phân biệt lúa cỏ với lúa để nhổ bỏ, tiêu hủy. Cấy hoặc sạ hàng vài vụ lúa cỏ sẽ giảm đáng kể. Trong ruộng lúa cấy nếu luôn giữ được nước sẽ hạn chế lúa cỏ mọc, lúa cấy phát triển trước cũng hạn chế được lúa cỏ.

Khử lẫn lúa cỏ: Vào các giai đoạn từ cuối đẻ nhánh đến trổ nên khử các cây lúa cỏ; sau đó nếu còn sót thì nên cắt bỏ bông lúa cỏ sớm trước khi chín, tránh bị rụng hạt làm ảnh hưởng cho các vụ sau.

Luân canh cây màu: Trồng màu dưới đất ruộng trong vụ Hè Thu, bằng cách này, mật số hạt lúa cỏ lẫn trong đất sau mỗi vụ màu giảm đi đáng kể và vụ lúa sau sẽ đỡ rất nhiều thiệt hại do lúa cỏ gây ra.

Sử dụng giống tốt: Sử dụng giống lúa giống xác nhận 1, xác nhận 2 (giống bảo đảm chất lượng), tránh mua giống không rõ nguồn gốc, lúa giống giả để gieo sạ nhằm hạn chế lúa cỏ lây lan từ hạt giống.

Sau khi đã áp dụng các biện pháp loại trừ hạt lúa cỏ ra khỏi đồng ruộng thì việc sử dụng giống tốt là yếu tố quyết định để ngăn ngừa lúa cỏ phát sinh, phát triển. Qua đó, phát huy tiềm năng năng suất và chất lượng của giống lúa.

Bên cạnh việc nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp nêu trên, ngành chuyên môn cũng cần tích cực triển khai Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ 01/01/2020) và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/02/2020) quy định chi tiết một số Điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác để công tác quản lý việc sản xuất, mua bán giống được thực hiện một cách căn cơ nhằm hạn chế việc lưu hành của lúa giống kém chất lượng, qua đó làm giảm sự lan rộng của lúa cỏ.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất