| Hotline: 0983.970.780

Lúa Dibar 10373 trên đồng Quảng Trị

Thứ Hai 22/04/2019 , 14:10 (GMT+7)

UBND huyện Hải Lăng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Bàn tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa Dibar 10373 tại HTXNN Mai Đàn, xã Hải Lâm.

07-23-59_mi_dn
Mô hình lúa Dibar 10373 được sản xuất tại HTX Mai Đàn

Chủ nhiệm HTXNN Mai Đàn, Hồ Ngọc Tuân cho biết, vụ ĐX 2018-2019, HTX cùng các đơn vị làm mô hình sản xuất 1,1 ha lúa Dibar 10373 trên đất thịt nhẹ, hạng đất trung bình, chủ động tưới tiêu với 13 hộ tham gia.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, đại diện các hộ làm mô hình khảo nghiệm cho biết, giống đối chứng sử dụng là Khang dân 18 được sản xuất đại trà ở Mai Đàn. Các hộ rất hào hứng với giống lúa mới này vì thấy có nhiều ưu điểm hơn Khang dân 18.

Theo cán bộ kỹ thuật của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hải Lăng, đặc điểm sản xuất của giống Dibar 10373 là gieo cấy sạ hàng, với lượng giống 3,5kg/sào, trong lúc ruộng đối chứng giống Khang dân 18 sản xuất đại trà sạ lan, với lượng giống 4,5kg/sào. Quy trình kỹ thuật bón phân chăm sóc theo thực tế của người dân địa phương. Giống Dibar 10373 gieo cấy ngày 11/1/2019, giống Khang dân 18 gieo cấy ngày 14/1/2019.

Thời gian sinh trưởng giống Dibar 10373 là 102 ngày, giống Khang dân 18 là 104 ngày, cả hai giống này được chăm sóc bằng phân bón vô cơ, không sử dụng phân hữu cơ. Giống Dibar 10373 có chiều cao tương đương với Khang dân 18, cây cứng nên có khả năng chống đổ tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe, chiều dài bông 21,2 cm, dài hơn Khang dân 18 là 1,2 cm. Giống Dibar 10373 trổ tập trung hơn giống đối chứng Khang dân 18. Cả hai giống này đều nhiễm nhẹ các bệnh sâu cuốn lá, đạo ôn, khô vằn, bạc lá…

Kết quả cho thấy năng suất giống Dibar 10373 ước đạt 66,2 tạ/ha (331 kg/sào), trong khi đó Khang dân 18 sản xuất đại trà đạt 60,4 tạ/ha (302kg/sào). Như vậy giống Dibar 10373 cho năng suất cao hơn Khang dân 18 là 5,8 tạ/ha ( 29kg/sào). Hiệu quả kinh tế ruộng sản xuất giống Dibar 10373 thu được 1.016.000 đồng/sào, ruộng giống Khang dân 18 đại trà thu được 857.550 đồng/sào. Ruộng Dibar 10373 cho giá trị kinh tế cao hơn ruộng Khang dân 18 sản xuất đại trà 3.169.000 đồng/ha.

Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Hải Lăng kết luận, trong cơ cấu bộ giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày trên địa bàn huyện đang có xu hướng thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng kém, nhiễm nặng nhiều đối tượng sâu bệnh. Việc khảo nghiệm các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn , năng suất, chất lượng cao, chống chịu các đối tượng sâu bệnh và phù hợp với điều kiện thời tiết , thổ nhưỡng của địa phương để đưa vào sản xuất, nhằm thay dần bộ giống hiện tại là yêu cầu cấp thiết.

Qua theo khảo nghiệm, theo dõi cho thấy Dibar 10373 là giống ngắn ngày, phù hợp với khung lịch thời vụ của huyện Hải Lăng. Cây lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, bộ rễ phát triển mạnh, bộ lá đứng, màu xanh đậm, bông dài, hạt dài, trọng lượng hạt cao… là những yếu tố quan trọng có tiềm năng cho năng suất cao, người nông dân thích gieo cấy.

Ông Dương Văn Tuấn đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Bàn tiếp tục triển khai mô hình để theo dõi các đặc điểm của giống trong vụ hè thu đến trên nhiều vùng đất khác nhau để có kết luận chính xác hơn. Có chính sách liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ký hợp đồng cung ứng giống và vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhằm giúp huyện Hải Lăng đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích...

 

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất