| Hotline: 0983.970.780

Lúa hữu cơ BN1

Thứ Năm 20/11/2014 , 09:06 (GMT+7)

Cty CP BVTV An Giang ký kết bao tiêu lúa thơm BN1 thương phẩm với giá 9.000 đ/kg cho nông dân làm cánh đồng lớn (CĐL) trên nền đất nuôi tôm. 

Mặc dù năng suất chỉ khoảng 4 tấn/ha nhưng nhờ bán được giá cao nên nông dân lãi ròng từ 20 - 25 triệu đ/ha.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Cty CP BVTV An Giang đầu tư cho nông dân SX theo mô hình lúa - tôm ở huyện An Minh, Kiên Giang làm CĐL lúa BN1 và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Đặc thù của vùng lúa - tôm là mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa vào những tháng mùa mưa. Lúa được gieo cấy trên nền đất nuôi tôm, có nhiều chất hữu cơ nên hạn chế phải dùng phân hóa học. Vì vậy, lúa thương phẩm cho ra hạt gạo hữu cơ sạch, bán được giá.

KS Võ Hoàng Liệt, Trưởng nhóm phụ trách vùng An Minh của Cty cho biết, đây là vụ thứ 2 Cty liên kết với nông dân trong huyện làm CĐL. Năm đầu tiên làm được 265 ha, năng suất bình quân 3,8 tấn/ha, cá biệt có những hộ đạt 5 tấn/ha. Thấy có hiệu quả, năm nay nhiều bà con đăng ký tham gia, diện tích tăng lên 647 ha.

Hiện lúa đang trong giai đoạn đòng trổ, khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, ước năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Thời gian tới Cty sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 1.000 ha.

Ngoài Kiên Giang, mô hình này còn được Cty thực hiện tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và Trần Văn Thời (Cà Mau) đều đạt hiệu quả cao.

BN1 là giống lúa mùa (ảnh hưởng quang kỳ) có thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng, gạo thơm, chịu mặn khoảng 3%o, phù hợp với vùng lúa nuôi tôm.

Anh Út Xuyên (Tăng Văn Xuyên) ở ấp Chín Xáng, xã Đông Hòa, An Minh đã mạnh dạn trồng giống lúa này từ 3 năm nay (1 vụ thử nghiệm) cho biết: “Trồng BN1 cũng không khác gì so với Một Bụi Đỏ (lúa mùa địa phương), năng suất cũng tương đương, nhưng lợi nhuận cao gấp đôi nhờ bán được giá cao”.

“Sở dĩ lúa thương phẩm BN1 được Cty bao tiêu với giá cao là do được trồng trên nền đất nuôi tôm theo hướng lúa hữu cơ. Đây là nguyên liệu để chế biến ra gạo mầm Vibigaba.
Sau khi xay xát, gạo lức còn nguyên phôi, được lên men trong điều kiện thích hợp để các enzyme trong hạt gạo được kích hoạt tạo nhiều chất dinh dưỡng mà đặc biệt trong số đó chính là hoạt chất Gaba hàm lượng cao, rất tốt cho việc phòng và hỗ trợ điều trị các chứng bệnh nguy hiểm như tiểu đường, cao huyết áp một cách hiệu quả”, KS Võ Hoàng Liệt.

Theo anh Út Xuyên: "Cái sướng nhất của nông dân khi tham gia CĐL là được phía Cty đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc BVTV (đến cuối vụ). Trong quá trình canh tác có kỹ sư thường xuyên đến tận ruộng hỗ trợ kỹ thuật, phát hiện sâu, bệnh là tư vấn phòng trừ kịp thời, không để bùng phát gây thệt hại.

Đến cuối vụ cũng không phải lo công cắt, tìm chỗ phơi, Cty cho mượn sẵn bao, vận chuyển về tận kho và sấy miễn phí. Nông dân chỉ việc ghi sổ ký để biết sản lượng (quy ra lúa khô, độ ẩm 15,5%) và chờ nhận tiền. Vì vậy, vụ này tôi tham gia tới 5 ha CĐL giống lúa BN1".

Tương tự, hộ ông Tăng Thành Diệp ở cùng ấp cũng tham gia 1 ha làm giống lúa BN1. Theo ông Diệp, từ trước đến nay nông dân ở đây đã làm nhiều giống như lúa mùa địa phương, các giống OM cho vùng lúa tôm, lúa lai F1… nhưng giá bán không cao và đầu ra thiếu ổn định. Vì vậy lợi nhuận không cao.

Từ khi tham gia làm CĐL lúa BN1 nông dân khá yên tâm vì được bao tiêu với giá cố định 9.000 đ/kg, lợi nhuận cao hơn hẳn so với cách làm trước đây.

Hơn nữa, làm mô hình này nông dân không phải lo về vốn ban đầu, chất lượng vật tư nông nghiệp vì đã được Cty đầu tư trực tiếp, không sợ mua lầm hàng nhái, hàng giả trôi nổi trên thị trường.

“Lo ngại lớn nhất của nông dân khi trồng giống lúa BN1 là cây cao, gốc rạ yếu, dễ bị đổ ngã nếu gặp mưa bão khi gần thu hoạch, làm giảm năng suất”, ông Diệp chia sẻ.

Phó Trưởng phòng NN-PTNT An Minh, Nguyễn Thanh Tùng cho biết, điều kiện vùng lúa - tôm canh tác lúa gặp nhiều khó khăn do đất bị nhiễm mặn, năng suất lúa không cao, lợi nhuận thấp. Vì vậy, người dân ít chú trọng vụ lúa.

Nhưng qua mô CĐL của Cty CP BVTV An Giang, người dân đã thấy được hiệu quả kinh tế từ cây lúa và đăng ký tham gia ngày càng nhiều. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền để mở rộng diện tích mô hình, chủ yếu tập trung ở các xã Đông Hòa, Đông Thạnh và Đông Hưng.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất