| Hotline: 0983.970.780

Lúa lại chết trên đồng Quỳ Hợp!

Thứ Ba 30/07/2013 , 10:33 (GMT+7)

Dù cho nước kênh cứ tải về đủ đồng, đủ ruộng, nhưng lúa vẫn chết queo chết héo y như chất độc đổ vào...

Nói như vậy bởi cứ mỗi mùa gieo cấy đến là nông dân Quỳ Hợp (Nghệ An) lại phải ngửa cổ kêu trời, bởi dù cho nước kênh cứ tải về đủ đồng, đủ ruộng, nhưng lúa vẫn chết queo chết héo y như chất độc đổ vào...

Dẫn chúng tôi đi thăm đồng, ông Vi Văn Mai và ông Phan Văn Thiện là xóm trưởng và xóm phó bản Còn thuộc xã Châu Quang (Quỳ Hợp) rầu rĩ: Anh ơi, bản ta năm nào lúa cũng chết nhiều lắm! Đến cánh đồng Hạm, ông Thiện lội xuống ruộng nhổ một đám lúa chết vàng lụi dơ lên cao rồi bảo: Bây giờ trên các cánh đồng khác, lúa thu mùa đang thời kỳ đẻ nhánh và làm đòng, vậy mà ở cánh đồng 10 ha này thì lúa đã bị chết thui, rễ vón cứng lại.

Quan sát khắp lượt chúng tôi thấy nhiều đám ruộng xăm xắp nước, nhưng đất ở mặt ruộng thì bị phủ một lớp vàng hoe. Kề bên cánh đồng này có một con kênh nhỏ nước trong veo chảy trên nền đất đỏ quạch. Thấy tôi quan sát kỹ lớp đất mặt ở ruộng và kênh, ông Mai bảo: Sở dĩ đất ở mặt ruộng và kênh có màu đỏ ối phủ lên là do nước từ hồ Tổng Huống chảy xuống, mà ở thượng nguồn của hồ Tổng Huống là đại công trường của các đội quân ngày đêm khai thác quặng.


Lòng hồ Tổng Huống đã bị bồi lấp hơn nửa

Những ngày không có mưa, nước trong kênh bao giờ cũng lừ đừ tải bùn và đất đỏ đổ vào ruộng. Như vậy là lúa chết. Còn bây giờ nước trong hồ Tổng Huống đã đóng cửa cống rồi, bởi mấy hôm nay ở đây mưa, đồng ruộng có nước rồi, và nước kênh trong là do mạch ngầm các khe suối chảy ra, chứ không phải nước hồ Tổng Huống. Cũng bởi vậy mà cây lúa có màu xanh trở lại.

Thấy chúng tôi đang kiểm tra xem xét từng gié lúa, nhiều nông dân đang chăm bón lúa vây đến kể khổ. Ông Hủn Vi Đào, Hủn Vi Long và Quán Vi Lệ cùng bảo: Nông dân chúng tôi khổ lắm, mỗi nhà chỉ được chia có trên dưới 4 sào lúa nước thôi, nhưng mà cánh đồng này năm nào lúa cũng bị chết. Vụ nào có nước mưa nhiều bổ sung vào ruộng thì thu hoạch được 60-70 kg lúa tươi/sào (500m2). Còn lại nếu từ đầu vụ đến cuối vụ mà chỉ lấy nước từ trong hồ thủy lợi đến thì chỉ có thu hoạch rạ mang về cho trâu bò ăn thôi.

Chị Vi Thị Lan bức xúc: Nói thật với các anh, làm ruộng ở đây chẳng khác chi công con dã tràng, không những thế mà vụ nào ta cũng bỏ tiền vào ruộng nhiều lắm, nào tiền giống, tiền phân, rồi tiền mua thuốc trừ sâu, nhưng mà đến vụ thu hoạch thì chỉ mang về được mấy yến lúa lép thôi.

Xóm trưởng Vi Văn Mai còn cho biết trên cánh đồng làng thuộc khu tưới của đập Nậm Tôn, lúa của nông dân đã bị chết hơn 8 ha do nguồn nước trong kênh bị ô nhiễm. Ông Mai bảo để xoa dịu nỗi bức xúc của dân, vụ đông xuân vừa rồi huyện cũng hỗ trợ cho dân bản Còn, bản Cà và Quang Hưng được 200 triệu đồng, trong số này riêng bản Còn được 65 triệu. Đây là số tiền mà huyện thu từ các đơn vị khai thác quặng gây ô nhiễm.

Vậy huyện có hỗ trợ cho dân, khi lúa bị chết vì ô nhiễm không? Ông Mai bảo làm gì có chuyện đó, số tiền mà huyện cho là để dân nạo vét kênh mương vì đất đá từ khai thác quặng đổ vào thôi.

Ông Võ Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết: Xã chúng tôi là trọng điểm lúa của huyện, có tới 391 ha lúa/vụ. Thế nhưng vụ nào lúa cũng bị chết vì ô nhiễm nước trong kênh, riêng vụ thu mùa này có tới trên 40 ha lúa đã bị chết. Việc này xã kêu nhiều lắm rồi, nhưng huyện và tỉnh vẫn không có biện pháp nào để đẩy lùi được nạn gây ô nhiễm nước trong kênh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện Cty TNHH Thủy lợi Quỳ Hợp được Nhà nước giao quản lý và khai thác 12 công trình thủy lợi để dẫn nước tưới cho 2.250 ha lúa/năm. Tuy nhiên hầu hết ở thượng nguồn (lưu vực) của các công trình thủy lợi này là hàng trăm đơn vị khai thác quặng thiếc và đá trắng ngày đêm cho chất thải đổ vào.

Ông Lê Sĩ Mậu, GĐ Cty TNHH Thủy lợi Quỳ Hợp cho biết sự bồi lắng lòng hồ ở các công trình thủy lợi trên địa bàn Quỳ Hợp rất nghiêm trọng, ví như đập Nậm Tôn ở xã Châu Quang, nhiệm vụ thiết kế tưới 170 ha lúa, nhưng hiện nay chỉ tưới được 40 ha; Đập tràn Tổng Huống ở xã Châu Cường, nhiệm vụ thiết kế tưới 370 ha lúa, nhưng hiện nay vì bị bồi lắng nên chỉ tưới được 200 ha.

Đã vậy, nước trong hồ và trong kênh bị ô nhiễm nên lúa chết, và nơi nào lúa không bị chết thì năng suất đạt được cũng rất thấp. Trả lời chúng tôi vì sao ruộng đồng Quỳ Hợp năm nào lúa của dân cũng bị chết nhiều, anh Cao Giang Nam, cán bộ kỹ thuật của Trạm BVTV Quỳ Hợp bảo: Lúa chết ở đây không phải do sâu bệnh mà chính là bị ô nhiễm từ nguồn nước trong kênh.


Xóm phó bản Còn: Lúa có màu xanh là do ruộng có nước mưa, không lấy nước trong kênh. Nhưng mà ít hôm nữa hết mưa thì lúa sẽ chết hết cả thôi

Vừa rồi Đoàn công tác của huyện và Chi cục BVTV tỉnh cũng đã đi kiểm tra lúa chết ở hai điểm Châu Cường và Châu Quang, kết luận (biên bản): Lá lúa có hiện tượng chuyển sang màu vàng, sinh trưởng kém, rễ thối, không phát triển rồi khô dần và chết. Lúa có tỷ lệ chết cao hơn tại các vị trí từ mương dẫn nước vào ruộng. Đoàn xác định có 37,3 ha lúa hè thu - mùa bị chết do hiện tượng trên, chứ không phát hiện thấy triệu chứng gây hại của sâu bệnh, vi rút, vi khuẩn và nấm gây nên.

Anh Nam bảo: Ngày 12/7 Đoàn kiểm tra của Sở KH&CN Nghệ An và Phòng Hóa phân tích của Trường Đại học Vinh cũng đã đến các cánh đồng lúa chết ở Quỳ Hợp lấy mẫu đất và nước để tìm kiếm chất gì gây lúa chết. Tuy nhiên, đến 28/7, anh Nam điện thoại bảo tôi vẫn chưa thấy kết quả.

Buồn cho nông dân Quỳ Hợp mỗi năm hai vụ còng lưng trên từng đám ruộng trông chờ vào cây lúa, vậy mà lúa chết do ô nhiễm môi trường lại không được bồi thường hay hỗ trợ, vì không phải mất mùa do thiên tai hay dịch bệnh!?

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.