| Hotline: 0983.970.780

Lúa lai - lựa chọn số 1 cho vùng tôm lúa

Thứ Sáu 12/03/2010 , 10:10 (GMT+7)

So với lúa mùa và các giống lúa thuần hiện có tại địa phương thì trồng lúa lai luân canh trên nền đất nuôi tôm cho năng suất cao hơn hẳn, lợi nhuận cũng tăng theo.

So với lúa mùa và các giống lúa thuần hiện có tại địa phương thì trồng lúa lai luân canh trên nền đất nuôi tôm cho năng suất cao hơn hẳn, lợi nhuận cũng tăng theo. Chính vì vậy mà những năm gần đây các giống lúa lai luôn được bà con nông dân canh tác theo mô hình này quan tâm, đầu tư sản xuất.

Mặc dù mới chỉ có mặt ở ĐBSCL vài năm trở lại đây nhưng cây lúa lai không còn xa lại với nhiều người nông dân, nhất là những nông dân canh tác theo mô hình một vụ tôm một vụ lúa ở các tỉnh như Kiên giang, Bạc Liêu, Cà Mau… Hiện nay, Cty Bayer BioScience Việt Nam (Bayer VN) đang là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp các giống lúa lai cho bà con nông dân trong khu vực.

Ông Phan Văn Thuận - GĐ Kinh doanh khu vực phía Nam, Cty Bayer VN cho biết, sau khi giống lúa lai Arize B-TE1 (nhập từ Ấn Độ) được Bộ NN-PTNT công nhận vào danh mục Giống tiến bộ khoa học kỹ thuật Quốc gia, Cty đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình “Lúa lai – Tôm sú” ở một số tỉnh, thành trong khu vực. Ban đầu, nhiều nông dân còn ngỡ ngàng và chưa thật sự tin tưởng vào cây lúa lai. Nhưng qua một năm thử nghiệm thành công với năng suất cao hơn hẳn (từ 8-9 tấn/ha, trong khi lúa thuần chỉ đạt 4-5 tấn/ha), cây lúa lai đã tìm được chỗ đứng cho mình. Nhiều nông dân đã bỏ hẳn lúa thuần để chuyển sang trồng lúa lai.

Lão nông Bảy Cho (Lê Văn Cho) ở ấp Đông Thành, xã Đông Thái, An Biên, Kiên Giang cho biết, gia đình tôi có 4 ha đất làm theo mô hình lúa - tôm. Trước đây làm lúa năm nào trúng lắm cũng chỉ đạt 30 giạ/công là cùng. Năm 2008, tình cờ được đại lý giới thiệu giống lúa lai B-TE1, tôi mua 5kg giống về làm thử. Không ngờ vụ đó gia đình tôi thu hoạch được 57 giạ/công. “Làm trúng rồi ham quá, tôi chuyển hẳn qua làm lúa lai toàn bộ diện tích. Vụ lúa vừa qua tôi thu hoạch được 15 tấn/14 công ruộng, nhờ lúa có giá (bán trước Tết được 5.600 đồng/kg) trừ hết chi phí còn lãi được gần 60 triệu đồng. Vụ tôm trước đó cũng lời được vài chục triệu nữa nên có tiền sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà” – ông Bảy Cho phấn khởi nói.

Theo nhiều nông dân, ngán ngại lớn nhất khi trồng lúa lai là chi phí ban đầu hơi cao, nhất là tiền mua lúa giống (khoảng 4 triệu đồng/ha). Hơn nữa do sạ với mật độ thưa (5kg/1.000 m2) nên khi ban đầu nhìn ruộng rất chán mắt, nhiều nông dân rất lo. Tuy nhiên, theo tính toán của nông dân thì làm lúa lai “nặng đầu nhưng nhẹ đuôi”, tức là nhẹ phân, thuốc do ít sâu bệnh. Ông Nguyễn Ngọc Út – Trưởng phòng NN-PTNT Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết, cây lúa lai B-TE1 thích nghi rất tốt với đất tôm trên địa bàn huyện. Năng suất vụ vừa qua nông dân thu hoạch đều đạt từ 7-8 tấn/ha, cao hơn gần gấp đôi so với các giống lúa thuần khác. Cái khó là nguồn giống lúa lai mấy năm qua luôn khan hiếm, nông dân không mua được giống nên diện tích phát triển không nhiều.

Từ sự thành công của mô hình “Lúa lai – Tôm sú” ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre, nhiều bà con nông dân đã mạnh đầu tư mở rộng sản xuất. Nếu như diện tích lúa lai B-TE1 năm 2008 trong khu vực mới đạt khoảng 11.000 ha thì đến năm 2009 diện tích này đã tăng gấp đôi.

Trong năm nay, Cty Bayer Việt nam sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm giúp bà con hiểu rõ hơn qui trình kỹ thuật của mô hình này và tiếp tục đầu tư phát triển mô hình ở các khu vực có tiềm năng cho sản xuất luân canh tôm – lúa.

Tại hội thảo Cây lúa Việt Nam (Festival lúa gạo tổ chức tại Hậu Giang), PGS. TS Nguyễn Trí Hoàn – Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, mặc dù cây lúa lai có nhiều ưu thế về năng suất nhưng rất khó có thể tăng nhanh về diện tích do nguồn giống phải lai tạo qua từng vụ. Nếu tình hình thời tiết ở những vùng sản xuất giống lúa lai không thuận lợi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cho nông dân. Đây cũng chính là lý do giống lúa lai thường khan hiếm và giá cao gấp nhiều lần so với giống lúa thuần.

Theo ThS. Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt) thì những năm qua cây lúa lai đã mạng lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, nhất là những hộ luân canh theo mô hình tôm - lúa ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL. Cây lúa lai chịu được phèn mặn, thích nghi được với những vùng sản suất còn khó khăn nên nếu mở rộng diện tích ở những vùng này thì sẽ gia tăng đáng kể về sản lượng lúa cho địa phương. Tuy nhiên, canh tác lúa lai đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt thì mới đạt được hiệu quả cao. Lúa lai sử dụng lượng giống rất ít nên khó gieo sạ, bón phân phải đúng thời gian quy định (vì cây lúa lai không có biểu hiện “đói phân” (vàng lá) như lúa thuần.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất