| Hotline: 0983.970.780

Lúa thu đông lo đê bao không chắc

Thứ Tư 27/07/2011 , 10:40 (GMT+7)

Hiện nay nông dân ĐBSCL vô cùng phấn khởi khi vụ HT bước vào giai đoạn kết thúc trong niềm vui được giá. Đây chính là lí do để nông dân hăng hái bắt tay vào sản xuất vụ mùa kế tiếp. Tuy nhiên, nhiều nơi bà con cũng tỏ ra dè dặt khi nước lũ năm nay có phần cao hơn so với cùng kì. 

Làm đất khi lúa vẫn đứng đồng

Mặc dù lúa HT chưa thu hoạch xong nhưng ở một số nơi, bà con nông dân đang rất khẩn trương làm lại đất chuẩn bị xuống giống vụ TĐ. Ông Nguyễn Văn Thành, một nông dân ở xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, An Giang) phấn khởi cho biết, nhờ giá lúa HT năm nay cao hơn nhiều năm trước nên đảm bảo nông dân có lời. Hiện tại lúa khô được thương lái đến mua với giá 6.200 - 6.500 đồng/kg. Do đó khi lúa ngoài ruộng gặt đến đâu là bà con cho làm đất ngay đến đó.

Tại một số tiểu vùng, tiếng máy cày, máy xế chạy nghe inh ỏi suốt cả ngày lẫn đêm để kịp làm đất xuống giống. Chỉ tay về phía những đám ruộng vừa mới ngả vàng, ông Thành nói: “Mấy chú nhìn thấy đó, lúa đằng kia chưa cắt xong mà hầu hết các ruộng xung quanh đã làm đất hết rồi. Hôm trước, UB xã có mời bà con có đất sản xuất ở tiểu vùng I và II để họp bàn kế hoạch xuống giống vụ 3. Thấy giá lúa đang cao, ai nấy cũng ham nên đồng ý làm ngay. Hiện giờ chỉ còn có cái chưa thống nhất là giá dịch vụ bơm tiêu chống úng, mọi thứ khác đều đã sẵn sàng. Nghe thông báo cỡ đầu tháng 8 dương lịch là xuống giống ở hai tiểu vùng này”.

Được biết, năm nay cũng là năm đầu tiên xã Vĩnh Bình được làm lúa vụ TĐ.

Lo đê không vững

Cũng theo bà con nông dân xã Vĩnh Bình, hiện tại công tác gia cố đê bao, chống úng đang được địa phương triển khai khá quyết liệt. Tuy nhiên, theo nhận định của bà con thì tuyến đê do mới xây dựng nên có phần hơi mỏng manh và chưa vững lắm. Mặt khác, phía ngoài đê là con kênh có lượng ghe tàu qua lại mỗi ngày khá lớn. Những vạt sóng va đập bờ liên tục có thể gây sạt lở cục bộ và lan ra diện rộng, phá hỏng đê. “Ai làm thì mình cứ làm theo, chứ thấy đê bao mới toanh vậy cũng ớn lắm!” - nhiều nông dân nói vậy.

Còn tại huyện đầu nguồn lũ An Phú (An Giang) cũng mở mới thêm gần 1.000 ha trong tổng số 2.732 ha diện tích lúa vụ TĐ. Các địa phương có diện tích sản xuất vụ TĐ lớn nhất bao gồm các xã Khánh Bình, Khánh An, Đa Phước và thị trấn An Phú. Trong đó đáng chú ý là xã Đa Phước, diện tích mở mới 650 ha (tăng hơn 2 lần so với năm 2010).

Lão nông Phạm Văn Hạnh, ở xã Đa Phước cho hay, làm lúa vụ 3 thì ai cũng muốn vì thường bán được giá cao. Thế nhưng khi nhắc lại chuyện bị vỡ đê của mấy năm về trước, ông Hạnh thực sự rùng mình và nói rằng: “Năm đó, lúa của bà con mới chuẩn bị bước vào thu hoạch thì nghe tin con đê bị bể, mọi người đều như chết đứng, nước từ sông cuồn cuộn tràn vào đồng. Trong phút chốc, hàng trăm ha lúa bị ngập chìm trong biển nước. Ai tiếc của thì dùng ghe, xuồng đi lặn nước tìm vớt được mớ nào hay mớ đó. Một năm mất mùa trắng tay, làm lụng vất vả đến ba năm sau vẫn chưa trả hết nợ. Nên giờ cũng muốn làm lắm nhưng chỉ mong Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho địa phương có con đê thật chắc chắn để yên tâm sản xuất”.

Theo kinh nghiệm của ông Hạnh cũng như nhiều nông dân nơi đây, hễ năm nào nước sông ngầu đục thì có khả năng năm đó nước lũ về nhiều.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN-PTNT An Phú cho biết, hiện tại huyện đã được đầu tư kiên cố 85 cống đập, 125 trạm bơm điện tại hầu khắp các vùng có sản xuất lúa vụ 3, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho trên 95% diện tích. Tuy nhiên trước tình hình mưa nhiều làm cho mực nước sông dâng cao thì công tác gia cố và nâng cấp đê bao càng trở nên khẩn trương hơn, nhất là những tuyến đê mới vừa xây dựng.

Theo đó, huyện sẽ đề nghị đầu tư nâng cấp tuyến tỉnh lộ 957 để ngăn nước lũ từ sông Bình Di bảo vệ lúa và rau màu ở các xã Đa Phước, Phước Hưng, Khánh An, Khánh Bình, Quốc Thái. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục đề nghị trên cho phép 3 xã bờ đông sông Hậu như Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc được thực hiện việc kiểm soát lũ tháng 8. Bởi vì đây là 3 xã có diện tích đất sản xuất lúa lớn nhất trong huyện với trên 7.800 ha, nhưng chỉ có Vĩnh Hậu là làm được 62 ha lúa vụ 3. Nếu được sự chấp thuận sẽ nâng diện tích lúa vụ 3 trong toàn huyện lên khoảng 9.000 ha.

Theo kế hoạch vụ TĐ năm nay, tỉnh An Giang sẽ gieo sạ 130.000 ha tăng trên 15.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, chỉ riêng về sản xuất lúa, tỉnh đã triển khai trên 48 tiểu vùng đảm bảo phục vụ tưới và tiêu nước thêm khoảng 24.710 ha. Lịch xuống giống tại các địa phương trong tỉnh sẽ được thực hiện từ 1/8-30/8.

Theo Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn An Giang, mùa mưa năm nay đến sớm và kéo dài làm cho lượng nước trên các sông tăng cao so với cùng kì. Đặc biệt thời gian bắt đầu gieo sạ cho đến khi thu hoạch lúa lại rơi vào thời điểm xuất hiện mưa nhiều (từ tháng 8 đến tháng 10). Ngoài ra, theo dự báo năm nay thời tiết nước ta sẽ chịu ảnh hưởng của khoảng 5-6 cơn bão từ biển Đông. Còn hiện tại, mực nước trên các sông đang diễn biến theo chiều hướng tăng nhanh.

Dựa vào tình hình dự báo thời tiết, tỉnh đề nghị những nơi có diện tích lúa vụ TĐ cần nghiêm túc kiểm tra và gia cố hệ thống bờ bao vững chắc, chủ động các trạm bơm tưới tiêu chống úng, những nơi đã được tỉnh quy hoạch triển khai các công trình trạm bơm điện cần nhanh chóng hoàn thành đầu tư và kiểm tra các yếu tố cần thiết bảo vệ lúa.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất