| Hotline: 0983.970.780

Luận giải “ý trời”

Thứ Tư 02/02/2011 , 08:20 (GMT+7)

Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Diêu. Công việc ông đang làm là luận giải “ý trời”.

Sách vở và kinh nghiệm đúc kết từ dân gian là căn cứ cho những luận giải đầy hấp dẫn của ông Diêu

Bà con nông dân miền Trung quý mến gọi ông là tiến sĩ của ruộng đồng. Còn ông khiêm tốn nói rằng những kiến thức có được như hôm nay để giúp nông dân là do ông chịu khó chắt chiu từ cổ tới kim để nguyện luôn xứng đáng một người con hiếu thảo của quê lúa Đại Nại, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Diêu. Công việc ông đang làm là luận giải “ý trời”. 

"Bắt mạch" trời đất

Tôi được gặp ông lần đầu, còn nghe tiếng ông đã lâu lắm rồi. Sáng đó ông khước từ lời mời của một vị “quan” đến nhà rủ ông đi chơi, lý do đơn giản vì trước đó có một số nông dân đăng ký gặp ông để xin những thông tin sản xuất cho vụ mùa sắp đến. Mấy chục năm nay ông luôn đam mê với công việc quan sát những hiện tượng thời tiết, ghi chép cẩn thận để có luận giải về “ý trời” sắp diễn ra trong sản xuất nông nghiệp rồi sau đó tự nguyện tư vấn giúp bà con nông dân áp dụng vào thực tiễn. Ông nói nắng, mưa, bão tố, lũ lụt...là chuyện của trời nên mình phải biết lắng nghe để có những đối phó phù hợp.  

Ông luôn nghĩ, giúp được gì cho bà con thì mình cứ giúp. Không chỉ riêng nông dân trong tỉnh, mà nông dân, các đơn vị ở ngoài tỉnh cũng tìm đến để nhờ ông tư vấn về nông nghiệp. Ông nói, trong sản xuất nông nghiệp, ngoài giống, phân bón, tưới tiêu và các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cây trồng, nông dân phải nắm rõ thời tiết, khí hậu tại địa phương mình để “luồn lách” một cách khéo léo trước những bất lợi của thời tiết thì mới hy vọng có những vụ mùa bội thu. 

Nhiều năm nghiên cứu nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta, nhất là các tỉnh miền Trung, ông rút ra được những quy luật quý giá. Quy luật này đã trở thành những kinh nghiệm không thể thiếu, bổ sung cho những dự báo thời tiết hiện đại. Những luận giải về thời tiết, khí hậu để phục vụ sản xuất nông nghiệp của ông được nghiên cứu từ Kinh dịch, từ những tài liệu của nhà bác học Lê Quý Đôn và kinh nghiệm dân gian đúc kết hàng ngàn năm trở thành chu kỳ chính xác.   

Ông cho biết muốn làm nghề nông thắng, nông dân cần quan tâm đến “ý trời” qua các tiết Thanh minh, ngày trùng cửu, giông, sấm tháng mười ...nhằm có những điều chỉnh phù hợp trong việc gieo trồng. Có nhiều điều tưởng như ai cũng biết, song luận giải cho đúng để áp dụng vào sản xuất thì e rằng cần được tuyên truyền hơn nữa. Trong vụ sản xuất đông xuân, bà con nông dân cần nhớ một câu ông cha ta luôn nhắc nhở: “Làm mùa tháng năm/ Xem rằm tháng tám/ Trăng sáng được ruộng sâu/ Trăng lu được ruộng cạn”. Nghĩa là nếu trăng sáng, mùa đông xuân đến có nắng nhiều, mưa ít, ruộng cạn thiếu nước, mất mùa. Còn ruộng sâu, nước cạn, sản xuất dễ được mùa. Còn trăng lu, trăng mờ, trời sẽ mưa nhiều, ruộng cạn đủ nước được mùa, ruộng sâu bị ngập úng, không sản xuất được.  

Song xem trăng vào lúc nào, đó là một điều lý thú được ông Diêu diễn giải. Xem trăng rằm thì phải xem sau 12 giờ đêm của ngày 14 đến 12 giờ đêm của ngày 15. Trong thời gian 24 tiếng đó được chia thành ba giai đoạn, tương ứng mỗi giai đoạn là 8 tiếng. Giai đoạn 8 tiếng đầu sẽ ứng với giai đoạn đầu của vụ sản xuất đông xuân. Nếu thời gian này trời trong sáng thì bước vào vụ thời tiết không mưa, thuận lợi cho triển khai sản xuất đông xuân, như làm đất, bón phân, gieo cấy. Nếu trăng lu, tối thì trời sẽ mưa nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là gieo cấy. Nếu xen kẽ có lúc sáng, lúc mờ thì thời tiết sẽ có lúc nắng, lúc mưa, cần nắm chắc để bố trí thời vụ để tránh thời gian mưa lớn.  

Giai đoạn 2 của chu kỳ trăng rằm tháng tám tương ứng với giai đoạn giữa vụ từ lúc lúa đẻ nhánh đến chuyển đòng. Nếu trăng sáng thì trời tạnh ráo, lúa phát triển nhanh, sạch sâu bệnh, chuyển đòng tốt. Trăng tối thì sẽ có mưa nhiều, lúa phát triển kém vì bón phân khó hấp thụ, dễ nhiễm bệnh đạo ôn, lúa kém năng suất. Nếu trời trong, trăng quá sáng thì giai đoạn này trời nắng to, nhiệt cao làm lúa phát triển nhanh, có khi rút ngắn thời gian sinh trưởng, hình thành đòng sớm, phải xem kỹ để có biện pháp khắc phục. Giai đoạn thứ 3 của trăng sẽ biểu thị cho giai đoạn cuối vụ từ khi lúa trổ đến khi thu hoạch. Nếu trăng sáng thì mọi sự tốt đẹp. Còn trăng lu, trời tối chắc chắn lúa trổ gặp trời mưa, ánh sáng ít, khi thua hoạch gặp trời mưa hoặc lũ tiểu mãn, gây mất mát như ông cha ta đã nói “được ngoài đồng, mất trong nhà” . 

Với vụ hè thu, ngoài xem trăng, ngày trùng cửu...cần chú ý câu sấm của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Đông chí thiên trình vô nhật sắc/ Lai niên hạ vu cốc phong đăng”. Có nghĩa ngày Đông chí trên trời không có ánh sáng (mưa hoặc âm u) thì vụ hè thu năm sau sẽ được mùa về ngũ cốc. Nếu trời trong, trăng sáng và ngày nắng gắt chắc chắn vụ hè thu của năm sau sẽ khó khăn về nước, hạn hán bất trắc. 

Ngoài ra, cũng cần chú ý xem ngày Thanh minh để xác định thời tiết vụ thu đông có thuận lợi không. “Thanh minh tiết nhược phùng phong nam chí/ Bát thập nguyệt nông gia đại bội thu”. Nghĩa là ngày Thanh minh có gió tây nam thổi nhẹ, vụ 8, vụ 10 nhà nông được mùa to. Song cần lưu ý, nếu ngày Thanh minh có gió mùa đông bắc, mưa phùn thì vụ 8, vụ 10 cần làm sớm để thu hoạch sớm trong tháng 8 và đầu tháng 9 tránh lũ, lụt sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Ông Diêu so sánh ngày Thanh minh của các năm 1990, 2007 và 2009 rất ứng với những câu sấm này. Những ngày Thanh minh ấy có gió đông bắc, mưa phùn. Nên sau đó dẫn đến “Ông tha mà bà chẳng tha/ Trời làm trận lụt 23 tháng 10”. 

Theo ông Diêu từ lâu quan hệ giữa con người và vũ trụ đã được nhắc đến trong Kinh dịch. Người xưa đã sử dụng bài toán mở của dịch học để dự báo tình hình thiên văn của từng năm âm lịch. Những dự báo thời tiết để con người thích ứng với tự nhiên, chủ động đối phó với những tai hoạ do thời tiết, khí hậu gây ra như lũ bão, dịch bệnh, sâu rầy, chuột bọ...Nghiên cứu dự báo thiên văn qua các ngày Tý đầu năm, ông Diêu cho biết: “Giáp tý phong niên, Mậu tý hạn/ Mậu tý hoàng trùng, Canh tý loạn”. Rồi ông luận rằng, năm 2011 âm lịch, ngày Tý đầu tiên sau ngày Lập xuân là ngày Canh tý (12 tháng Giêng). Mà ngày Canh tý trong luận giải của ông về “ý trời”, thì sản xuất nông nghiệp năm 2011 tại khu vực miền Trung dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn vì sâu bệnh nặng, chuột hại lúa và dịch bệnh gia súc...Người làm nông nghiệp phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa những luận giải này với dự báo hiện đại mới mong có kết quả cao.   

Trưởng ty 30 tuổi 

Cả miền Trung, từ nhà khoa học đến nông dân ai cũng thừa nhận ông Diêu là người có tài và luôn dành cho ông sự kính nể. Trước lúc về hưu vào năm 2005, chức vụ cao nhất ông Diêu đảm nhận là Trưởng phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT Quảng Trị. Song có những chuyện ít ai biết về ông Diêu, 37 năm trước, khi tròn 30 tuổi, dưới chế độ miền Nam, ông từng giữ chức vụ Trưởng ty Canh nông tỉnh Quảng Nam (ngang với GĐ Sở NN-PTNT bây giờ), một trưởng ty trẻ nhất lúc ấy. 

Năm 1970, ông Diêu tốt nghiệp kỹ sư Canh nông, chuyên khoa Nông học của Trường Đại học Canh nông Sài Gòn với tấm bằng xuất sắc. Sau hai năm công tác, đầu năm 1973, ông được điều về làm Trưởng ngành Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên-Huế. Một năm sau, ngành Khuyến nông địa phương này từ vị trí thấp đã được leo lên đứng đầu miền Nam. Ngay lập tức vào đầu năm 1974, ông được điều về làm Trưởng ty Canh nông tỉnh Quảng Nam, địa phương được xếp hạng A về nông nghiệp thời ấy.  

Bây giờ, nhiều lần ông quay trở lại Quảng Nam giảng bài theo lời mời của các dự án hỗ trợ phát triển nông thôn, bà con nông dân xứ Quảng vẫn nhớ ông, họ đến bắt tay vị “trưởng ty” Canh nông ngày trước mà họ từng bái phục về trình độ uyên thâm cũng như sự hoà nhập sâu sắc với nông dân.   
Những ngày đó ông thường xuyên về với nông dân các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình...giảng bài cho bà con nông dân. Kiến thức ông đưa ra là sự cộng hưởng tri thức của khoa học tự nhiên về nông nghiệp và kinh nghiệm đúc kết dân gian được nâng lên thành tinh hoa nghề nông. Nên ông nói đến đâu bà con nghe hiểu đến đó để áp dụng thuần thục vào ruộng đồng. Gần một năm sau, ông được đặc cách đi làm tiến sĩ ở Úc. Ông nói mình không bao giờ quên được cái ngày 7/3/1975, trước lúc máy bay cất cánh một giờ tại sân bay Đà Nẵng, ông quyết định không vào làm thủ tục, huỷ chuyến du học, ở lại vì đất nước đã gần được hoàn toàn thống nhất, ông muốn trở về quê nhà. Những ngày giải phóng Đà Nẵng, người ta thấy ông có mặt trong Ban tiếp quản của thành phố, ai cũng ngạc nhiên với ông cựu trưởng ty...phe ta. 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Diêu trở về quê nhà. Biết ông giỏi từ lâu nên ông Lê Văn Hoan, lúc bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Hải Lăng lặn lội đến nhà mời ông vào ngành nông nghiệp. Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Lương- Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, quyết định phân công ông Diêu về công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng. Nhờ sự đóng góp không nhỏ của ông nên ngành nông nghiệp Hải Lăng thắng to. Năm 1990, khi tỉnh Quảng Trị được tách ra khỏi tỉnh Bình Trị Thiên, ông Diêu được bổ nhiệm lên làm trợ lý khoa học cho giám đốc Sở rồi Trưởng phòng Kỹ thuật, sau đó là Trưởng phòng Trồng trọt của Sở cho đến lúc về hưu.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.