| Hotline: 0983.970.780

Luận về chữ "ổn"

Thứ Hai 30/01/2012 , 10:56 (GMT+7)

Đó là chữ “ổn” mà cụ Lê Quý Đôn khuyến cáo trong mệnh đề “phi nông bất ổn”, một đúc kết kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta trong sự nghiệp dựng nước...

Nông dân đang đứng trước nhiều thách thức

Đó là chữ “ổn” mà cụ Lê Quý Đôn khuyến cáo trong mệnh đề “phi nông bất ổn”, một đúc kết kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta trong sự nghiệp dựng nước. “Nông” đứng hàng đầu chuỗi quan hệ “sĩ nông công thương” với mối tương tác biện chứng: “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”.

Với một nước nông nghiệp đang từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhằm rút ngắn sự trì trệ lạc hậu kéo dài để bắt kịp bước tiến của thời đại thì hiểu cho ra cái triết lý về chữ “ổn” mà nhà bác học thế kỷ 18 khuyến cáo e rằng không đơn giản như có người nghĩ! Bởi lẽ nhận dạng chữ “ổn” cũng ba bảy đường.

Có chữ “ổn” trì trệ khiến cho lịch sử dậm chân tại chỗ khá dài hoặc ì ạch đi tới như bước chân trâu trên ruộng bùn. Lại cũng có chữ “ổn” chính là sự cân bằng tạm thời trong phát triển để rồi bứt phá ra khỏi sự cân bằng tạm thời đó để đấy lịch sử tiến nhanh lên, đẩy lùi sự bảo thủ lạc hậu.

Đừng quên rằng, sự giằng co giữa “bảo thủ” và “đổi mới”, giữa “trạng thái cân bằng cũ” với “sự mất cân bằng tạm thời” luôn luôn diễn ra trong mỗi sự vật, mỗi con người cũng như mỗi xã hội để tự phát triển. Không có một con mắt biện chứng để nhìn sự vật, thì khó mà thấy được sự mất cân bằng tạm thời nhằm phá vỡ sự ổn định trì trệ chính là nhân tố thúc đẩy phát triển.

Cũng chính vì thế, chữ  “ổn” trong “phi nông bất ổn” chỉ có ý nghĩa khi khái niệm “nông” được hiểu một cách đầy đủ trong chỉnh thể nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Chỉ nói nông nghiệp mà không nói rõ chủ thể của cái nghiệp ấy là người nông dân, không nói đến địa bàn hoạt động của nó là nông thôn với cơ sở vật chất và diện mạo tinh thần của nó, là chỉ nhìn thấy cái ngọn mà không tìm ra cái gốc. Cái gốc đó chính là con người, ở đây là người nông dân.

Những người nông dân chân đất thứ thiệt như cha con chị Ba Sương ở Nông trường sông Hậu trước đây, cả hai đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới để rồi người đàn bà nông dân ấy vừa trải một dặm đường oan khiên. Hoặc như Đoàn Văn Vươn, với bản lĩnh của người lính can trường lấn biển, mở đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng mà sự oái oăm của thế sự đã dẫn con người bản lĩnh ấy vào vòng lao lý đang gây nên sự phẫn nộ của dư luận xã hội.

Thì ra “ổn” và “bất ổn” trong những bước thăng trầm của thời cuộc cũng thấm đẫm “mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ, đường thế đồ gót rỗ kỳ khu”* cũng không thiếu những “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”* nhưng ở đây không phải là do “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán/Chết đuối người trên cạn mà chơi”* mà là do những kẻ thoái hóa biến chất trong một bộ phận những người nắm quyền tác oai tác quái đang làm sống lại vang bóng của một thời xưa cũ: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là “quan”!

Xem ra, nhà bác học thế kỷ 18 đã qua chữ “ổn” trong “phi nông bất ổn” để khuyến cáo một nội dung sâu rộng, vượt xa khuôn khổ của sản xuất, của kinh tế nông nghiệp, để nói đến sự ổn định của xã hội, sự phát triển của đất nước. Trong cách diễn đạt "hiện đại” thì đó là sự phát triển bền vững!

Nhìn trong lịch sử, cứ lúc nào “giặc giã nổi lên như ong dấy” là lúc tức nước vỡ bờ, dân cày phải chọn con đường tự cứu lấy mình thoát ra khỏi ách áp bức bất công, cho dù là manh động và tự phát, lúc ấy chữ “ổn” bị phá vỡ. Và lịch sử đã ghi nhận rõ mồn một: cứ sau những dặm đường “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” đến đoạn “đùng đùng gió giật mây vần” ** là một trang sử mới được mở ra, xã hội lại khởi sắc với những cải cách, chấn hưng của triều đại mới.

Trong xu thế của những khởi sắc mới được tạo ra do sự chín muồi của một thời đoạn để nảy sinh những nhân tố mới, những quyết sách mới, sản xuất phát triển. Vào lúc ấy, những người gánh vác trọng trách của đất nước, nói theo ngôn ngữ hiện đại: Biết cùng đau với nỗi đau nông dân, cùng cảm thông với nỗi khổ của nông dân. Biết học bài học của ông cha “khoan thư sức dân để tạo kế sâu rễ bền gốc”*** để phát huy sức mạnh vô bờ bến của nông dân. Biết cùng nông dân kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển đất nước, với hôm nay thì còn để hội nhập với thế giới văn minh.

Ngoái nhìn lại lịch sử để nhìn cho ra những bước phát triển mới của đất nước hôm nay, đại bộ phận đời sống của bà con nông dân ta đã từng bước được cải thiện. Tuy vậy, vẫn phải dám nhìn vào sự thật đó để nói về thực trạng thân phận người nông dân mà người viết bài này đã từng đưa lên mặt báo cách đây cả thập kỷ về “mười cái nhất” của người nông dân chúng ta:

Cống hiến nhiều nhất.

Hy sinh lớn nhất.

Hưởng thụ ít nhất.

Được giúp đỡ ít nhất.

Bị chịu nhiều bất công nhất.

Bị tước đoạt nặng nhất, đặc biệt là đất, cái quý nhất đối với nông dân.

Cam chịu lâu dài nhất.

Tha thứ cao cả nhất.

Thích nghi tài giỏi nhất.

Năng động khôn ngoan nhất.

Nếu không kịp thời có những quyết sách đột phá mạnh mẽ, được chỉ đạo chặt chẽ để thực thi có hiệu quả về nông dân, nông thôn, nông nghiệp thì cái viễn ảnh buồn mà người viết bài này từng khuyến cáo e sẽ khó tránh khỏi: Nông nghiệp không ai muốn đầu tư. Nông thôn là nơi không ai muốn ở và con em nông dân mong thoát khỏi nghèo khổ sẽ tìm đến đô thị chật chội và ngột ngạt để kiếm sống, các thế hệ tương sẽ bỏ rơi nông thôn.

Rồi điều đáng lo nhất đã và sẽ xảy ra: Văn hóa làng, bộ phận cấu thành nền tảng của văn hóa dân tộc (văn hóa nhà, văn hóa làng, văn hóa nước) bị tàn phá, lay chuyển tận gốc. Ấy vậy mà trong nhận thức của thế giời đương đại trước những vấn nạn khủng khiếp về môi trường sống, đặc biệt là môi trường đô thị, người ta đã xác lập rõ về chức năng của nông thôn hiện đại cần phải là và nên là một dạng tổ chức và vận hành cuộc sống có nhiều ưu việt. Nông thôn chính là địa bàn có thế mạnh để giữ gìn và tô điểm cho môi trường, sinh thái “là cả hai lá phổi và trái tim” của sự sống trên trái đất.

Đó là một không gian rộng lớn, trong đó con người được sống gắn bó và hài hòa với thiên nhiên: đất trời, sông núi, cỏ cây, chim muông. Vì vậy đó sẽ là một nơi nghỉ ngơi lành mạnh, một nguồn giải trí phong phú, một cõi yên tĩnh để phục hồi sức khỏe và suy tư, chuẩn bị cho những quyết định lớn.

Từ nhận thức mới đó, câu hỏi được đặt ra từ lâu nay lại nổi lên, bức xúc: Có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc để đổi lấy một nông thôn tàn tạ, nham nhở, phố không ra phố, làng chẳng ra làng không? Câu hỏi nêu ở trên như một điệp khúc buồn day dứt cứ trở đi trở lại mãi khi bàn về vấn nạn nông thôn, đặc biệt khi nói về nền văn hóa làng.

Mong rằng, với một nhận thức đúng đắn về vai trò mới của nông nghiệp và nông thôn trong thế giới hiện đại, chúng ta có thể từng bước khắc phục những sai lầm, thiếu sót đã qua và định hình một kịch bản xây dựng nông thôn mới phù hợp với triết lý phát triển của Việt Nam.

Triết lý ấy dẫn dắt việc hình thành một chiến lược đúng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam, lối sống Việt Nam, con người Việt Nam trong bối cảnh của thời đại mới. Phải từ một chiến lược như vậy mới định hình được những hướng đi và những giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tốt vần đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Ba vấn đề ấy có những đặc điểm khác nhau, song có sự gắn kết chặt chẽ không thể chia cắt, có tác dụng chi phối, thúc đẩy lẫn nhau.

Trong đó, nổi rõ lên mối quan hệ tương tác giữa đô thị và nông thôn, từ mối quan hệ đó mà vấn đề nông dân được xác lập trên một bình diện mới: Nông dân là chủ thể của quá trình hiện đại hóa nông thôn chứ họ không phải chỉ là người đứng ngắm nhìn công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa hết sức xa lạ, chẳng những thế đe dọa cuộc sống của họ, hoặc họ bị gạt ra ngoài rìa.

Nếu cụ Lê Quý Đôn sống lại chắc cụ sẻ vuốt râu mà rằng: con cháu ta đang sống trong thế kỷ XXI đầy biến động này phải hiểu lời khuyến cáo của ta trong tâm thế tự tin và sáng tạo để hiểu cho sâu về chữ “ổn” đặng đưa đất nước đi tới.

_______

* Nguyễn Gia Thiều

** Nguyễn Du

*** Trần Hưng Đạo

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm