| Hotline: 0983.970.780

Luật Nhà ở phải vì đại bộ phận nhân dân

Thứ Tư 13/08/2014 , 09:33 (GMT+7)

Luật Nhà ở phải đặt mục tiêu giải quyết nơi ăn, chốn ở cho người thu nhập thấp… là nội dung mà các Ủy viên UBTVQH thảo luận nhiều nhất trong phiên họp ngày 12/8.

Minh bạch thị trường

Nêu một thực trạng ngược với quy luật thị trường, Chủ nhiệm UBKHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết người dân khó có điều kiện mua nhà bởi giá nhà ở bị bóp méo, không đi đúng nguyên lý.

“Nhà càng ở thì càng phải mất giá nhưng ở nước ta thì ngược lại. Người ta mua nhà khi còn mới, giá rẻ, ở thêm vài chục năm đến khi nhà xuống cấp rồi, hết khấu hao rồi mà bán vẫn đắt hơn khi mới mua”, ông Dũng nêu.

Để thị trường nhà ở về với đúng giá trị thực, ông đề xuất nhà nước phải điều chỉnh bằng các điều luật cụ thể. Ví như, đối với các khu chung cư có thể cấp Giấy chứng nhận sử dụng theo thời hạn 50-70 năm, khi hết thời hạn sử dụng thì phải trả lại cho nhà nước.

Cũng liên quan đến giá bán của các nhà chung cư, có nhiều ý kiến cho rằng chủ đầu tư thường “lập lờ” phần diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng và phân bổ cả những diện tích giữ lại để kinh doanh vào giá bán nhà, đây cũng là một nguyên nhân khiến giá nhà đội lên cao và người mua nhà phải chịu thiệt.

Lập Quỹ hỗ trợ nhà ở xã hội

Về các chính sách nhà ở xã hội cần được quy định như thế nào trong dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, qua thảo luận, ý kiến chung của các đại biểu nhất trí về chính sách này nhưng cách thức thực hiện, chế độ quản lý sao cho thực chất, hiệu quả. Nhà nước cần giữ vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội, nhưng phải bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, tránh lợi dụng các cơ chế ưu đãi để hưởng lợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH nhận định, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở, nhiều nước trên thế giới xác định đây là trách nhiệm chính của nhà nước. Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, do đó cần phải có nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế.

Chính vì vậy, dự thảo Luật đã quy định việc phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng nhưng nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách...

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, nhà ở xã hội phải đảm bảo cho các đối tượng khó khăn có khả năng mua, thuê... nhưng vừa qua vẫn còn tình trạng nhà ở xã hội bán theo giá nhà thị trường nên “người có thu nhập trung bình mua còn khó, nói gì đến người thu nhập thấp”. Ông Phước cho rằng chính sách nhà ở xã hội không nên ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư.

Ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng khẳng định trong thực tế còn tồn tại nhiều bất bình đẳng giữa các nhóm đối tượng, đòi hỏi dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi phải có sự điều chỉnh. Đặc biệt chú ý đến đối tượng người nghèo thành thị, đối tượng chính sách, người có công.

Trên quan điểm đó bà Mai đề nghị cần xây dựng Quỹ phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn cho các đối tượng khó khăn về nhà ở. 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất