| Hotline: 0983.970.780

‘Luật rừng’ trên biển ở Hải Phòng: Có việc thả phao, thu ‘phế’ của ngư dân

Thứ Tư 22/04/2020 , 14:01 (GMT+7)

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã có văn bản trả lời các hộ dân ở Dương Kinh, Đồ Sơn về việc việc thả phao và thu “phế” của ngư dân.

Sự việc có thật

Liên quan đến việc 15 hộ ngư dân ở quận Đồ Sơn và Dương Kinh đã có đơn tố cáo, kêu cứu gửi cơ quan chức năng TP Hải Phòng về việc bị 1 nhóm gồm 4 người xâm hại, đe dọa tính mạng và cưỡng đoạt tài sản khi đánh bắt hải sản trên biển, qua điều tra, xác minh bước đầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố có văn bản trả lời các hộ dân khẳng định vụ việc có thật.

Việc các đối tượng thả phao, thu tiền (tiền phần trăm sản phẩm - tiền "phế") là sai quy định của pháp luật. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ bước đầu vụ việc, bàn giao Công an quận Đồ Sơn điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngư dân phản ánh vụ việc với NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

Ngư dân phản ánh vụ việc với NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

Cụ thể, văn bản nêu rõ: “Qua điều tra, xác minh ban đầu, sự việc nêu trong đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp của 15 ngư dân là có thật. Các trường hợp Nguyễn Đức Hòa, trú tại Tổ dân phố số 8, phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn), Đặng Văn Bốn, trú tại Tổ dân phố Tân Tiến, phường Tân Thành (quận Dương Kinh), Nguyễn Đăng Kiên (Khánh), trú tại Tổ 4, phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) đã tự thả phao nhận nuôi con don, dắt, nhám, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Việc thỏa thuận thu tiền theo tỷ lệ phần trăm của Bốn, Hòa, Kiên với các ngư dân khai thác don, dắt, nhám là sai quy định của pháp luật. Xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng, tuy nhiên xảy ra ở địa bàn thuộc Bộ đội Biên phòng quản lý, do vậy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Đồ Sơn và Đồn Biên phòng Đoàn Xá hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu vụ việc. Ngày 19/3/2020, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo Đồn Biên phòng Đồ Sơn bàn giao hồ sơ cho Công an quận Đồ Sơn tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 6/4, Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản truyền đại chỉ đạo của ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao Công an Hải Phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở NN-PTNT, UBND quận Đồ Sơn, UBND quận Dương Kinh và các đơn vị liên quan xác minh làm rõ việc ngư dân kêu cứu bị thu tô, 'làm luật' khi đánh bắt hải sản trên biển và báo cáo UBND TP trước ngày 15/4.

Tuy nhiên, ngày 22/4, thông tin với NNNN, Văn phòng UBND TP Hải Phòng cho hay hiện tại lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Khi nào có báo cáo sẽ thông tin cụ thể với cơ quan báo chí.

 Mâu thuẫn vẫn âm ỉ 

Trong 1 diễn biến khác, khi vụ việc nói trên đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ thì NNVN tiếp tục nhận được phản ánh của 3 hộ nuôi ngao tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn liên quan đến việc 1 đội tàu gồm 10 chiếc xâm lấn khu vực nuôi ngao của gia đình họ tại khu vực phường Tân Thành, quận Dương Kinh, và họ đã có đơn gửi lên Trạm kiểm soát biên phòng Thụy Giang nhờ giải quyết.

Các hộ ngư dân muốn khai thác ngao, don, dắt... tại các bãi ngao được quây tự phát và đã được chủ vây thả giống thì phải được đồng ý với tỷ lệ ăn chia thỏa thuận. Ảnh: NVCC.

Các hộ ngư dân muốn khai thác ngao, don, dắt... tại các bãi ngao được quây tự phát và đã được chủ vây thả giống thì phải được đồng ý với tỷ lệ ăn chia thỏa thuận. Ảnh: NVCC.

Trước đó, tại bài viết "Hải Phòng: Luật rừng trên biển", Báo NNVN đã phản ánh, việc người dân tự phát cắm cọc, thả phảo và tranh giành địa bàn trên các bãi triều ven biển ở Hải Phòng để nuôi ngao, don, dắt... gây mất an ninh trật tự không phải là vấn đề mới. Điều này đã xảy ra nhiều năm nay, khi thì xung đột xuất phát từ mâu thuẫn giữa các ngư dân truyền thống khai thác ngư lợi tự nhiên với người dân tự ý cắm cọc dựng chòi canh, quây vây chiếm diện tích bãi bồi không cho các ngư dân vào đánh bắt thủy sản tự nhiên. Khi thì mâu thuẫn do tranh chấp diện tích giữa các hộ nuôi tự phát hoặc là mâu thuẫn giữa người nuôi ngao và những người khai thác cát.

Một số vụ việc có thể kể đến như vào tháng 6/2015, tình trạng quây bãi “thu tô” % số sản phẩm khai thác được của ngư dân đánh bắt don, dắt tại khu vực bãi triều trên địa bàn 2 quận Dương Kinh và Đồ Sơn cũng đã xảy ra. Qua phản ánh của báo chí, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc, các vụ việc trên được xử lý, giải quyết.

Tiếp đó là cuộc chiến “ngao – cát” năm 2017, giữa 1 số tàu khai thác cát trái phép tại các bãi cát và người dân đang nuôi ngao ở khu vực phường Tràng Cát, xã Quần Mục, xã Đại Hợp, phường Bàng La, xã Quang Vinh... Những cuộc xô xát, truy đuổi nhau đã xảy ra, nhiều người phải nhập viện... 1 lần nữa chính quyền phải vào cuộc xử lí.

Từ đó cho đến nay, mặc cuộc chiến "ngao-cát" đã lắng xuống, nhưng mâu thuẫn vẫn luôn âm ỷ, NNVN vẫn nhận được thông tin phản ánh của ngư dân ở Đoàn Xá và Đại Hợp về việc tàu hút cát trái phép và những lần đuổi bắt tàu khai thác trái phép của ngư dân.

Một ngư dân ở Đoàn Xá (Kiến Thụy) bị thương phải nhập viện trong cuộc chiến 'ngao - cát' năm 2017. Ảnh: NVCC.

Một ngư dân ở Đoàn Xá (Kiến Thụy) bị thương phải nhập viện trong cuộc chiến "ngao - cát" năm 2017. Ảnh: NVCC.

Lần theo thông tin bạn đọc cung cấp, theo tìm hiểu mới nhất của PV, hiện tại, ở các vùng biển ngoài khơi phường Bàng La, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn; phường Tân Thành, quận Dương Kinh; phường Tràng Cát, quận Hải An; xã Đoàn Xá, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy… các hộ ngư dân vẫn cắm cọc và tạo ra lãnh địa riêng của mình và cấm ngư dân khác vào khai thác, nếu ngư dân muốn khai thác thì phải có thỏa thuận về tỷ lệ ăn chia với "chủ vây".

Ông Phạm Đình T, một hộ nuôi hơn 80ha ngao ở khu vực quận Dương Kinh cho hay: Chúng tôi quây lại rồi thả giống ngao, có năm chi phí đến hơn chục tỷ… chúng tôi thuê ngư dân thả, rồi bắt, sau khi trừ chi phí thì còn lại chia đôi. Ông T cũng cho biết thêm, việc này chỉ là thỏa thuận “miệng” không có giấy tờ gì. Khi bên cắm cọc – chủ bãi dừng hợp tác cũng đồng nghĩa với việc ngư dân không còn được “bén mạng” đến khu vực này để khai thác.

Việc này, theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, thành phố chưa có quy hoạch chung cụ thể và bàn giao diện tích mặt nước biển cho ngư dân nuôi ngao. Việc ngư dân cắm cọc, quây bãi rồi xưng là của mình chỉ là tự phát. Bản thân các hộ chăn nuôi ngao cũng khẳng định, không có giấy tờ chứng nhận hợp pháp của cơ quan chức năng có thẩm quyền cho họ nuôi ngao tại khu vực mà họ đang “quản lý” và họ cũng đã đề xuất được nộp thuế để tiếp tục gắn bó với việc này nhưng chưa được.

Thực trạng này đã tạo ra sự lộn xộn, bất ổn về an ninh trật tự tại các bãi triều vùng biển Hải Phòng và ảnh hưởng đến việc mưu sinh của ngư dân nhiều năm nay, nhưng không hiểu sao chưa được xử lý triệt để.

Báo NNVN sẽ tiếp tục thông tin...

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm