| Hotline: 0983.970.780

Luật sư lên tiếng về phiên tòa không có bị cáo, bị hại ở Hưng Yên

Thứ Năm 25/06/2020 , 06:10 (GMT+7)

Luật sư cho rằng các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án ở huyện Khoái Châu vi phạm nhiều quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Bà Trần Thị Thanh Hương (trái) trao đổi với luật sư tại trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Văn Việt.

Bà Trần Thị Thanh Hương (trái) trao đổi với luật sư tại trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Văn Việt.

Ngày 9/6, NNVN có bài phản ánh “Phiên tòa không có mặt bị cáo, không có mặt bị hại ở Hưng Yên”. Phiên tòa diễn ra trong lúc cả nước đang trong giai đoạn cách ly vì dịch Covid-19 hồi tháng 4.

Bị cáo là bà bà Trần Thị Thanh Hương (SN 1972, ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu) không được biết mình đã bị khởi tố. Thậm chí, phiên tòa hình sự còn vắng mặt cả bị cáo và bị hại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thế Phương, Chánh án TAND huyện Khoái Châu, thừa nhận “có một số lỗi đánh máy” trong bản án và giấy triệu tập với bị cáo Hương.

Lý giải về phiên tòa diễn ra không có bị cáo, bị hại trong Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4 năm nay, ông Phương cho biết: “Cơ quan công an nói họ không thể áp giải bị cáo Hương đến dự phiên tòa. Về phía bị hại, họ có thể không tham gia phiên tòa, đấy là quyền của người ta”.

Luật sư Lê Huy Quang, Giám đốc Cty Luật Hợp danh The Light, cho biết, trong vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Khoái Châu, Viện KSND huyện Khoái Châu và TAND huyện Khoái Châu đã không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cụ thể, căn cứ điểm c khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Bị can có quyền được “Nhận quyết định khởi tố bị can, ... bản kết luận điều tra”.

Khoản 4 Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cho bị can”.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thanh Hương không nhận được bất cứ văn bản tố tụng nêu trên nào do Cơ quan điều tra tống đạt hợp lệ. Do đó, bà Hương không thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình trong giai đoạn điều tra vụ án. 

Mặt khác, Cơ quan cảnh sát điều tra không tiến hành triệu tập và hỏi cung đối với bà Trần Thị Thanh Hương theo quy định pháp luật.

Thực tế bà Hương không được Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành lấy lời khai, hỏi cung trong suốt quá trình điều tra vụ án. 

Điều này đã vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về Hỏi cung bị can: “Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can” và xâm phạm quyền được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (Trích điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) của bà Hương với vai trò là Bị can trong vụ án.

Bởi vậy, Cơ quan CSĐT kết thúc điều tra và kiến nghị truy tố bà Hương theo tội danh “Làm nhục người khác” chỉ dựa vào lời khai của bà Nguyễn Thị Lan (Bị hại) mà không có Biên bản hỏi cung đối với bà Hương là không đảm bảo tính khách quan, chính xác của vụ án.

Luật sư Quang cho rằng Viện KSND huyện Khoái Châu không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong giai đoạn truy tố.

Căn cứ theo quy định tại khoản khoản 2 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát phải giao cho bị can .... bản cáo trạng”.

Tuy nhiên, bà Hương không được giao Bản cáo trạng hoặc bất cứ văn bản tố tụng nào do Viện KSND huyện Khoái Châu ban hành. Điều này đã cản trở và xâm phạm nghiêm trọng quyền khiếu nại, tố cáo của bà Hương liên quan đến nội dung bản cáo trạng và các văn bản tố tụng khác trong giai đoạn truy tố.

Đối với TAND huyện Khoái Châu, luật sư Quang nhận định cơ quan này không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử vụ án.

Căn cứ khoản 1 Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo...”.

Tuy nhiên, vụ án đã được TAND huyện Khoái Châu xét xử sơ thẩm và ban hành bản án số 23/2020/HS-ST ngày 16/04/2020 nhưng sau đó, bà Hương không nhận được bản án trong thời hạn quy định trên.

Mặc dù ngày 18/5/2020, bà Hương có được nhận Trích lục Bản án hình sự nêu trên nhưng nội dung Trích lục không đầy đủ toàn bộ Bản án mà chỉ có phần quyết định tuyên phạt bị cáo Hương.

"Điều này đã xâm phạm đến quyền kháng cáo của bà Hương theo quy định pháp luật và trực tiếp phản ánh sự thiếu khách quan, chính xác của vụ án", luật sư Quang nói.

Theo luật sư Quang, trong trường hợp bà Hương không tham gia hỏi cung hoặc phiên tòa sơ thẩm thì bà Hương “có thể bị áp giải” đến làm việc theo quy định pháp luật nhưng Công an huyện Khoái Châu, Viện KSND huyện Khoái Châu và TAND huyện Khoái Châu không tiến hành áp giải bà Hương đến tham gia Hỏi cung, tham gia phiên tòa sơ thẩm mà vẫn kết tội bà Hương là không tuân thủ quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

“Trong suốt thời gian từ lúc điều tra đến phiên tòa, bà Hương vẫn ở tại nơi cư trú. Các cơ quan điều tra, tố tụng không thể có lý do nào nói rằng không triệu tập được bị can, bị cáo trong vụ việc hình sự”, luật sư Quang nói.

Theo nội dung bản án, bị cáo Hương và gia đình có tranh chấp quyền thừa kế sử dụng đất với bị hại Lan. Ngày 23/7/2018, hai bên có xô xát. Bị cáo Hương đã có hành vi dùng tay bốc phân lợn ném vào bị hại Lan.

Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Hương hai năm cải tạo không giam giữ, khấu trừ 15% thu nhập hàng tháng để sung công quỹ, số tiền là 645.000 đồng/ tháng, trong thời gian 24 tháng từ ngày bản án có hiệu lực. Bị cáo Hương cũng phải bồi thường cho bị hại Lan số tiền 3 triệu đồng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất