| Hotline: 0983.970.780

Luật Thuế VAT mới bất lợi cho doanh nghiệp

Thứ Sáu 10/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) tại hội thảo Thực hiện Luật số 71 về thuế VAT trong phân bón.

Hội thảo do Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) phối hợp cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, Tài chính, NN-PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, các tập đoàn, DN hoạt động trong lĩnh vực SXKD phân bón tổ chức tại Hà Nội sáng 9/4.

16-12-18_nh-1

Chỉ có ý nghĩa chính trị

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký FAV Nguyễn Hạc Thúy nhấn mạnh lại, trước tình hình kinh tế đất nước ngày một khó khăn khi giá nông sản liên tục giảm, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của bà con nông dân, ngày 1/11/2014, FAV có công văn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế VAT phân bón cho nông dân từ 5% xuống = 0.

Ngày 10/11/2014, Văn phòng Chính phủ có công văn số 711 gửi Bộ Tài chính để trình Quốc hội về ý kiến của FAV và ngày 26/11/2014, kỳ họp Quốc hội 13 thông qua Luật 71/2014/QH13 bỏ thuế VAT một số mặt hàng phục vụ nông nghiệp, nông dân, trong đó có sản phẩm phân bón.

Tuy nhiên, khi Luật thuế mới có hiệu lực vào ngày 1/1/2015, các đơn vị, DN mới “ngớ người” ra khi phát hiện Luật 71 với mục tiêu ban đầu cao cả, nhân văn là hỗ trợ tối đa cho người nông dân thì nay lại phản tác dụng.

Bởi tại Khoản 1, Điều 3 Luật 71/2014/QH13 quy định rất rõ một khi đã không phải chịu thuế đầu ra đồng nghĩa các DN SX phân bón không được khấu trừ hoàn thuế đầu vào. Trong khi đó, thuế GTGT đầu vào luôn cao hơn đầu ra từ ít nhất 2-15%.

Sau khi phát hiện những bất cập trong Luật số 71, FAV, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có một loạt công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị giải thích rõ cách tính, khấu trừ thuế VAT theo Luật số 71.

Sau đó Bộ Tài chính có công văn số 2348/BTC-CST ngày 12/2/2015 gửi các Bộ, FAV, các DN, song theo ông Nguyễn Hạc Thúy, nội dung trả lời không đúng trọng tâm phía các Bộ, ngành và DN đang rất quan tâm lo lắng.

“Nếu không sửa đổi Luật số 71 thì mục đích tốt đẹp ban đầu của Chính phủ, của Quốc hội nhằm bỏ thuế VAT đầu ra cho nông dân từ 5% xuống = 0% chỉ còn mang ý nghĩa chính trị, bởi giá phân bón không những không được giảm mà còn tăng do chi phí đội lên khá nhiều vì các DN SX phân bón mất khoản thuế khấu trừ hàng năm từ vài chục cho tới cả trăm, nghìn tỷ đồng”, ông Nguyễn Hạc Thúy nhấn mạnh.

Trước kiến nghị chính đáng từ phía các Bộ, ngành, DN hoạt động trong lĩnh vực SX-KD phân bón về thuế VAT mới, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi chia sẻ, Luật 71 về thuế đúng là gây bất lợi cho DN SX trong nước và có thể nhìn thấy ngay.

Ông Thi cho biết, bối cảnh để ra đời Luật số 71 xuất phát từ việc năm 2014 nền kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ có ban hành Nghị quyết số 63 nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho DN duy trì hoạt động SX-KD, trong đó có chính sách về thuế.

Bên cạnh đó, tháng 8 và 11 năm 2014, Bộ NN-PTNT, FAV và một số tổ chức, cá nhân khác có văn bản kiến nghị bỏ thuế VAT trong lĩnh vực nông nghiệp gồm phân bón, TĂCN và một số máy móc phục vụ SX nông nghiệp…

Tuy nhiên, khi trình vấn đề thuế Quốc hội không đồng ý ra nghị quyết mà yêu cầu phải sửa đổi Luật số 71. Trong quá trình thảo luận xin ý kiến tại hội trường trước khi ban hành Luật số 71/2014/QH13, Quốc hội không đồng ý khấu trừ hoàn thuế đầu vào cho các DN, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SX-KD phân bón bởi đã miễn thuế VAT đầu ra.

Tiết giảm ảnh hưởng đến lương

Ông Nguyễn Văn Sinh - TGĐ Cty CP DAP VINACHEM (Đình Vũ, Hải Phòng) cho hay, do áp lực cạnh tranh nên bản thân các DN kể cả không có chính sách thuế mới này vẫn phải tự tiết giảm, cải tiến công nghệ để cạnh tranh. Trong năm 2015, DAP VINACHEM đặt mục tiêu lợi nhuận 70 tỷ đồng, nhưng nếu áp dụng chính sách thuế mới sẽ bị lỗ 250 tỷ đồng.

16-12-18_nh-2
Sản xuất phân bón trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn

Do đó, sau khi trừ đi 70 tỷ cộng tiết giảm thêm 20-30 tỷ đi chăng nữa vẫn bị lỗ 150-160 tỷ đồng. Theo ông Sinh, việc cắt giảm nói thì dễ chứ thực hiện không hề đơn giản. Sau khi chính sách thuế mới ra đời, DAP VINACHEM phải cắt giảm tiền lương của cán bộ, công nhân nên từ đầu năm đến nay rất nhiều người đã bỏ công ty để tìm công việc khác có thu nhập cao và ổn định hơn.

Theo FAV, tính toán sơ bộ, SX phân bón trong nước khi áp dụng Luật Thuế 71 giá thành các loại phân bón tăng thêm từ 5-7%. Cụ thể, ure tăng 7,2-7,6%; DAP tăng 7,3-7,8%; lân nung chảy 7,8-8%; supe lân 6,5-6,8% và phân NPK, hữu cơ khác tăng 5,2-6,1%.

Tổng GĐ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Nguyễn Gia Tường cho biết, tính toán sơ bộ khi áp dụng chính sách thuế mới thì trong năm 2015 Vinachem không được hoàn thuế 1.785 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận của cả tập đoàn dự kiến chỉ là trên 2.000 tỷ đồng nên việc tiết giảm để dôi ra được gần 1.800 tỷ đồng bị mất là điều bất khá thi.

Hơn nữa, theo quy định doanh thu, lợi nhuận của DN năm sau phải cao hơn năm trước mới được tăng lương nên nếu lợi nhuận DN giảm sẽ ảnh hưởng tới thu nhập, cuộc sống của hàng chục nghìn cán bộ, công nhân đang làm việc tại tập đoàn.

Còn Phó Tổng GĐ Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc Nguyễn Đức Ninh nhấn mạnh rằng, việc nhà nước đầu tư các nhà máy SX phân bón mục tiêu lớn nhất là tạo ra nguồn cung ổn định nhằm điều tiết thị trường, giá cả phân bón trong điều kiện thế giới có biến động quá lớn.

Bên cạnh đó, là gia tăng chế biến sâu các tài nguyên quốc gia, tạo công ăn việc làm và tăng thu ngân sách. Do đó, việc XK phân bón chỉ là việc làm cần khuyến khích khi năng lực SX dư thừa. Nếu trong trường hợp các DN phân bón đều nhăm nhăm XK để được hoàn thuế đầu vào thì ý nghĩa ban đầu khi xây dựng nhà máy nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực lại không còn nữa.

Kết thúc hội thảo, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Phạm Đình Thi cho biết, sẽ ghi nhận lại toàn bộ phản ánh, tâm tư, nguyện vọng từ phía các DN và Hiệp hội Phân bón. Vụ Chính sách thuế đề nghị FAV cung cấp các số liệu, con số cụ thể những ảnh hưởng của DN khi áp dụng chính sách thuế mới để Vụ báo cáo Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét, từng bước tháo gỡ cho DN trong thời gian tới.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất