| Hotline: 0983.970.780

Lục Yên xây dựng NTM qua các làng nghề

Thứ Năm 15/11/2012 , 10:28 (GMT+7)

Huyện Lục Yên (Yên Bái) ngoài rừng lại có nguồn đá trắng rất lớn, ngoài việc khai thác đá cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, hiện nay đang hình thành những làng nghề chế tác đá cảnh và mây tre đan.

Huyện Lục Yên (Yên Bái) ngoài rừng lại có nguồn đá trắng rất lớn, ngoài việc khai thác đá cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, hiện nay đang hình thành những làng nghề chế tác đá cảnh và mây tre đan. Tại đây đã thu hút một lượng lao động không nhỏ cho việc xây dựng NTM...

Khoảng chục năm nay nhiều vùng nông thôn của huyện Lục Yên phần lớn thanh niên đi làm ăn xa chỉ về nhà vào mùa vụ và những ngày lễ, tết. Lực lượng lao động nòng cốt tìm đến các khu công nghiệp, thị xã và thành phố kiếm sống đã bỏ lại sau lưng một khoảng trống lớn trong việc xây dựng NTM. Những thanh niên đi làm ăn xa không ít người khi trở về đã mang theo những tệ nạn xã hội: Nghiện hút, cờ bạc..., có người còn bị nhiễm HIV, khiến gia đình tan nát.

Anh Trần Thế Hải thợ đục đá cảnh ở xã Tân Lĩnh cho hay: Tôi cũng đã đi làm nhiều nơi như Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội... hết xây dựng nhà cửa, cầu cống đến đường xá... Thu nhập chẳng được là bao, năm kiếm được vài chục triệu, tiền rải dọc đường hết. Đất Lục Yên nơi có nhiều đá trắng, đá màu phù hợp cho chế tác đá cảnh. Sau khi tìm hiểu phong trào chơi đá cảnh, đá phong thuỷ ngày một nhiều tôi quyết định gom góp vốn liếng mua dụng cục rồi thuê thợ về chế tác.


Một cơ sở chế tác đá tại xã Tân Lĩnh

Theo anh Hải, số vốn ban đầu bỏ ra không lớn hơn ba chục triệu đồng, còn đá mua của Cty Hùng Đại Dương, đó là những viên đá bình thường, độ tinh khiết không cao, có nhiều vân hoặc bị rạn không thể chế biến thành đá xuất khẩu. Mang những viên đá đó về, tuỳ hình dáng của từng viên mà anh chạm khắc ra hình dáng của các loài vật: Sư tử, dê, cừu, đại bàng và những tượng phật. Điều bất ngờ hàng của anh được khách hàng khắp nơi trong nước đặt mua: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai...; đặc biệt có cả khách hàng là người Trung Quốc. Kích thước từng mặt hàng do khách hàng đặt, mỗi đôi sư tử cao 70-80 cm có giá 25-35 triệu đồng. 

Cơ sở chế tác của gia đình anh Hải trung bình có từ 3-5 thợ, nhiều khi 7-8 thợ tuỳ lượng hàng do khách đặt mà anh thuê thợ. Trung bình lương thợ do anh trả từ 3,5-4,5 triệu/tháng, người làm cho anh chủ yếu là những người trong xã.

"Trong việc xây dựng NTM, chúng tôi rất quan tâm tới việc xây dựng các làng nghề, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương như: Chế tác đá mỹ nghệ, làm tranh đá quý. Hiện chúng tôi đang hướng cho người dân tận dụng thế mạnh của huyện miền núi có nguồn tre nứa dồi dào để phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu. Sở Lao động, Thương binh-Xã hội đang tiến hành thành lập trường trung cấp dạy nghề tại Lục Yên nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nghề khu vực nông thôn, đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM hiện nay", ông Bùi Văn Thịnh (ảnh), Chủ tịch UBND huyện Lục Yên.

Xã Tân Lĩnh đang phát triển một số cơ sở chế tác đá như gia đình anh Hải. Thống kê chưa đầy đủ huyện Lục Yên hiện có 46 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, những cơ sở này nằm quanh các mỏ đá trắng: Liễu Đô, Tân Lĩnh, Yên Thắng, thị trấn Yên Thế và dọc QL 70. Mùa cao điểm có tới 350-400 người tham gia chế tác. Nghề chế tác đá mỹ nghệ đã mang lại cho người dân một nguồn thu đáng kể, nhất là giải quyết được nhiều lao động cho vùng nông thôn.

Sản xuất tranh đá quý cũng là một thế mạnh của huyện Lục Yên, nếu trước đây tranh đá quý chỉ một số cơ sở trong thị trấn Yên Thế tổ chức sản xuất tranh đá quý bằng chính nguồn đá quý Lục Yên, nay nghề làm tranh đá quý đã lan xuống các xã. Xã Yên Thắng nhiều gia đình đã mở xưởng làm tranh đá quý, những thợ làm tranh chủ yếu là người trong xã, bà Hoàng Thị Lan cười bảo: Các cháu thi đại học không đỗ thì xin vào đây. Làm nghề này cốt ở cái khéo tay và tận tâm thì đều làm được... Nhà bà Lan thuê 5 lao động, chủ yếu là lao động nữ.


Hướng dẫn làm tranh đá quý cho lao động nữ

Lục Yên hiện có 38 cơ sở làm tranh đá quý, mỗi tháng cung cấp cho thị trường hàng trăm tranh đá quý các loại.

Phát huy lợi thế của một huyện có nguồn tài nguyên rừng phong phú, nghề đan rọ tôm của hai xã Phan Thanh, Tân Lập đã thu hút cả ngàn lao động, từ cháu nhỏ học lớp bốn đến cụ già 60-70 tuổi đều tham gia đan rọ tôm. Mỗi người làm một công đoạn, người chẻ nan, người đan hom, người đan thân rọ tôm. Hai xã vùng sâu, vùng xa này mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng triệu rọ tôm. Nghề đan rọ tôm thu nhập không cao nhưng đã góp phần ổn định cuộc sống của nhiều gia đình trong xã, nhất là trong việc xây dựng NTM của huyện Lục Yên hiện nay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất