| Hotline: 0983.970.780

Lùm xùm bán đấu giá cây rừng ở Hà Tĩnh

Thứ Hai 11/07/2011 , 18:06 (GMT+7)

Mấy ngày gần đây một số đầu nậu khai thác, chế biến lâm sản ở Hà Tĩnh phấn khởi chạy đôn, chạy đáo khi nghe tin Sở Tài chính và Sở NN-PTNT Hà Tĩnh sẽ bán đấu giá một số diện tích cây gỗ đứng (cây đứng) thuộc vùng rừng tự nhiên do Cty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn quản lý. Tuy nhiên, chủ rừng lại chán nản, lo ngại công nhân sẽ mất việc làm, còn rừng thì bị khai thác bừa bãi.

Cty Lâm nghiệp và dịch vụ (LN&DV) Hương Sơn được thành lập từ năm 1959. Suốt chặng đường dài hơn 50 năm đơn vị luôn là lá cờ đầu của ngành Lâm nghiệp Việt Nam, hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Những ngày đầu mới thành lập Cty quản lý 75 nghìn ha rừng với sản lượng khai thác gỗ hàng năm bình quân đạt từ 60-80 nghìn m3.

Kể từ khi có chủ trương đóng cửa rừng, sản lượng khai thác bắt đầu tụt xuống còn trên dưới 10 nghìn m3/năm, mọi chỉ tiêu kế hoạch đều giảm xuống mức thấp nhất như: lực lượng lao động từ hơn 3.500 người xuống còn trên dưới 300 người; diện tích rừng quản lý từ 75 nghìn ha nay còn 38.444 ha, trong đó RPH đầu nguồn 24.400 ha, RSX 13.500 ha.

Trong vòng 10 năm trở lại nay, Cty luôn duy trì được sản lượng khai thác từ 4-6 nghìn m3 gỗ rừng tự nhiên; đồng thời, vừa tổ chức khai thác vừa trồng rừng bằng các dự án 327, 661…; chế biến lâm sản tại chỗ, SX các loại đồ mộc dân dụng và đồ mộc cao cấp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống cho công nhân.

Những năm trước đây, Cty thường được giao nhiệm vụ, chỉ tiêu khai thác chậm nhất vào đầu quý II nhưng năm nay đã gần hết tháng 7, mùa mưa sắp đến nhưng chỉ tiêu khai thác gỗ vẫn chưa được giao, nên Cty đã gặp không ít khó khăn như thiếu vốn, thiếu hiện trường SX, trong lúc dự án trồng 5 triệu ha rừng cũng đã kết thúc, công nhân thiếu việc làm phải chạy đôn chạy đáo kiếm từng bữa ăn, lương tháng của CBCNV, Cty chắt chiu lắm cũng chỉ chi trả được 50%.

Việc giao chỉ tiêu khai thác chậm được ông Lê Tiến Cát, Phó Giám đốc Cty Lâm nghiệp và dịch vụ (LN&DV) Hương Sơn cho biết là do Sở NN-PTNT phối hợp cùng với Sở Tài chính đang tiến hành làm các thủ tục để đưa ra bán đấu giá cây đứng trên rừng.

“Mặc dù Cty chúng tôi đã được phép quy hoạch cụ thể số diện tích rừng và cây rừng nơi chuẩn bị cho mùa khai thác khá hoàn tất, đúng quy trình của Bộ NN-PTNT đề ra, đến nay đã gần hết tháng 7, mùa mưa bão sắp đến nhưng chỉ tiêu khai thác vẫn chưa được triển khai. Chúng tôi là chủ rừng, được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng đã bao thế hệ nay thì không được làm. Nay thực hiện bán đấu giá cây đứng, nếu đơn vị nào trúng thầu, không chuyên nghiệp làm về nghề rừng thì liệu họ có đủ khả năng để khai thác, vận chuyển gỗ từ rừng tự nhiên đúng quy trình quy phạm, và liệu họ có bảo vệ được tài nguyên rừng xung quanh như chúng tôi đã gìn giữ từ bao đời nay?” - ông Cát đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Cát, với tư cách là một chủ rừng, Cty đang rất lo ngại bởi nếu Cty không trúng thầu khai thác thì sẽ đối diện với hàng loạt khó khăn chất chồng. Hàng trăm công nhân gắn bó với rừng hàng chục năm nay nguy cơ mất việc làm sẽ trở thành thất nghiệp; DN dễ lâm cảnh nợ nần.

Một cán bộ lâu năm về lâm nghiệp cho hay, chủ trương bán đấu giá cây đứng được Bộ NN-PTNT ban hành đã hơn chục năm, nhưng đến nay hầu như ít có đơn vị nào thực hiện được. Được biết, ở Hà Tĩnh những năm 1995-1996, khi Bộ có chủ trương bán đấu giá cây đứng, nhiều cán bộ lâm nghiệp được cử vào Lâm Đồng để tham quan, học tập, nhưng khi trở về Hà Tĩnh lại không thể làm được bởi vướng mắc những vấn đề trên.

Ông Đặng Bá Thức, Hội Khoa học Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho rằng, việc thực hiện bán cây đứng cần xem xét thật kỹ lưỡng bởi ở đây đã có chủ rừng là người gắn bó suốt đời với rừng, họ luôn chăm sóc, QLBVR, xem rừng như máu thịt.

Giả sử, khi tổ chức bán đấu giá, một đơn vị nào đó trúng thầu, không phải là người gắn liền trách nhiệm, sống chết với rừng liệu họ có ý thức chặt cây lớn, bảo vệ cây nhỏ hay không, hay họ chỉ biết làm càng nhanh càng tốt, khai thác cho xong, miễn sao lợi nhuận thu được càng nhiều càng tốt?

Mãi sau này, Lâm trường Chúc A thời bấy giờ (nay là Cty LN&DV Chúc A) đứng ra "thí điểm" tổ chức bán đấu giá một số lô rừng được cấp phép, một số đầu nậu đã trúng thầu. Sau khi trúng thầu họ đã ngang nhiên mở đường, chặt phá, tàn sát rừng không thương tiếc. Thậm chí nhiều đầu nậu lộng hành đến mức khai thác lấn chiếm sang các lô khoảnh khác không nằm trong vùng thiết kế, gây bức xúc cho cán bộ công nhân lâm nghiệp và nhân dân trong vùng.

Thời bấy giờ ngành kiểm lâm và các cơ quan chức năng cũng phải bó tay vì “quyền” khai thác đã thuộc về các đầu nậu bởi họ đã bỏ tiền ra mua rừng, trúng thầu. Bài học đắt giá phải trả nói trên vẫn chưa xa, không biết liệu việc bán đấu giá cây đứng trên rừng tự nhiên ở Hương Sơn lần này liệu có lặp lại?!

Giám đốc Cty LN&DV Hương Sơn Hồ Phúc Đồng, buồn rầu nói: “Chúng tôi là người được giao nhiệm vụ trọng trách quản lý rừng, không những bảo vệ tài nguyên đất nước mà còn bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội nơi khu vực biên giới vốn rất nhạy cảm này. Vì lẽ đó, đơn vị chúng tôi đề nghị các đơn vị liên quan nên suy xét thấu đáo, lấy nhiệm vụ bảo vệ rừng đặt lên hàng đầu, sau đó phải nghĩ đến việc bảo vệ cuộc sống của người công nhân lâm nghiệp. Họ đã bao đời gắn bó, chăm chút rừng, nay lẽ nào đứng nhìn người khác vào khai thác, trong khi họ lại không có thu nhập, thiếu việc làm".   

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.