| Hotline: 0983.970.780

Lưng gù, lưng thẳng và sự nhẫn nại của người tốt

Thứ Hai 25/05/2020 , 14:50 (GMT+7)

"Thế giới "gù lưng" là một thế giới tuy có vẻ khôn ngoan nhưng lại vô cùng ích kỷ. Nó làm mục ruỗng nhiều giá trị xã hội", luật gia Trần Đình Thu.

Vụ gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn Lan đã và đang từng bước được xét xử đúng người, đúng tội. Đó là một nỗi đau xót của xã hội thời gian qua.

Tuy nhiên, giữa bao nhiêu bất cập ngổn ngang của ngành giáo dục hôm nay, lời bào chữa mang tính ngụy biện “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” càng khiến những người lương thiện bị tổn thương.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch - luật gia Trần Đình Thu xung quanh câu chuyện nóng bỏng này.

Nhà biên kịch - Luật gia Trần Đình Thu. Ảnh: T.H.

Nhà biên kịch - Luật gia Trần Đình Thu. Ảnh: T.H.

Trong phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm số kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên - nguyên Trưởng phòng khảo thí của Sở GD-ĐT đã biện hộ cho mình bằng câu nói: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Dư luận vẫn đang bàn tán không ngớt về phát ngôn gây sốc này. Từ góc độ của một luật gia, anh nghĩ gì?

Lẽ ra anh nên hỏi tôi về góc độ một người quan sát xã hội hay nhà biên kịch trước. Với tình huống này tôi thích phát biểu về góc độ ấy hơn, nhưng thôi tôi sẽ phát biểu về góc độ pháp luật trước. Với pháp luật, tôi thích câu nói của ông Nguyễn Bá Thanh là “không nói nhiều, hốt liền, hốt hết". Với những kẻ như thế này thì chỉ có như vậy thôi chứ không còn cách nào khác.

Còn từ góc độ một nhà quan sát xã hội, cụ thể là một nhà biên kịch, anh nghĩ thêm gì xung quanh câu nói của bị cáo ấy?

Nếu là một nhà quan sát xã hội, tôi phải cho cô này điểm 10 về sự thành thật. Mặc dù đó là một câu nói khó có thể chấp nhận với chúng ta, nhưng cô ấy đã thẳng thắn nói lên bản chất của cái thế giới mà chúng ta coi khinh biết bao, thế giới của những kẻ xấu xa đê hèn biết bao.

Thế giới đê hèn có quy luật của nó, quy luật đê hèn của những kẻ "gù lưng". Cái quy luật ấy chi phối toàn bộ suy nghĩ hành động thậm chí là lý tưởng của bọn họ. Trong cái thế giới ấy, sự xấu xa đê hèn là biểu tượng để bọn họ soi vào. Trong cái thế giới ấy, những người tốt như đến từ một hành tinh xa lạ.  

Chính vì vậy những người trong thế giới ấy hoặc là "gù lưng" hoặc là bị bật ra ngoài.

Tôi thì thấy rất chua chát trước câu nói ấy. Gian lận điểm thi, nói cho cùng, cũng là một tội ác. Vì sao? Vì họ trực tiếp làm đảo lộn giá trị và làm lệch lạc nhận thực về sự nghiệp trồng người. Nguy hiểm hơn, giáo viên “gù” với những điểm số “gù” sẽ tạo ra tú tài “gù”, rồi tạo ra cử nhân “gù”, rồi không thể đoán tiếp có bao nhiêu thạc sĩ “gù”, tiến sĩ “gù”, thậm chí giáo sư “gù”. Một người làm công tác giáo dục như Diệp Thị Hồng Liên đã nhận diện được “lưng gù” và “lưng thẳng” nhưng vẫn chọn cách “gù”, có phải là điều đáng lo ngại không? Liệu trong ngành giáo dục, tình trạng chấp nhận “gù” có phổ biến?

Thế giới "gù lưng" luôn tồn tại trên thế gian này, lúc mạnh lúc yếu khác nhau nhưng thời nào cũng có. Lúc mà nó mạnh lên thì đó là lúc đáng báo động. Thế giới ấy như là thế giới của những con virus đang gây ra trận đại dịch mà chúng ta phải vất vả đối phó. Tuy nhiên thường thì thế giới ấy ít xuất hiện trong ngành giáo dục. Vì ngành giáo dục là ngành tập trung những con người có lòng tự trọng nhiều nhất. Nhưng khi mà giáo dục có những kẻ "gù lưng" thì là một hiểm họa đáng giật mình rồi.

Minh họa của Minh Anh.

Minh họa của Minh Anh.

Nghề giáo không chỉ là nghề truyền đạt kiến thức, mà còn là người dẫn dắt lối sống và bồi đắp tinh thần cho thế hệ tương lai. Một thầy thuốc làm bậy có thể hại sinh mạng một con người, còn một nhà giáo làm bậy thì hại muôn đời. Nhà giáo không biết giữ gìn trước sự cám dỗ, mà tình nguyện để lợi ích lôi kéo đi sẽ là một cơn hồng thủy xóa sạch mọi nỗ lực kiến thiết tiến bộ của cộng đồng. Trước tòa, cựu phó hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy - Đỗ Mạnh Tuấn còn khai được cấp trên đề nghị nhận toàn bộ trách nhiệm việc nâng điểm cho các thí sinh, với “phần thưởng” đáng kinh ngạc là “còn lại vợ con và tất cả mọi thứ ở ngoài các anh sẽ lo liệu”. Anh nhận định gì về chuyện này?

Tôi thật sự kinh ngạc khi nhận thông tin này. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra trong giới xã hội đen, không ngờ nó lại tồn tại trong thế giới "gù lưng". Hiện tượng này cho thấy một sự "tiến hóa" đáng lo ngại. Nếu thế giới gù lưng này mà còn áp dụng những chiêu thức của giới xã hội đen thì thật là nguy hiểm vô cùng. Chẳng khác gì hổ mọc thêm cánh.

Cũng ở phiên tòa nói trên, bị cáo Nguyễn Thu Loan - cựu giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân đau đớn nói trước tòa: “Nếu biết đi chấm thi mà phải đi tù thì bị cáo đã bỏ nghề”. Đây là sự hối hận muộn màng mang tính ngây thơ, hay là nhận thức chưa chuẩn về kỹ thuật “gù”?

Họ hối hận ngay trong một tình huống chứ họ không hối hận trong toàn bộ quá trình sai phạm của họ. Đó là sự tiếc nuối thì chính xác hơn, họ tiếc rằng phải chi mình đừng tham gia chấm thi thì mình còn có nhiều cơ hội khác ngon ăn hơn mà lại kín kẽ hơn. Hoặc, ôi sao mình không cáo bệnh để đừng đi chấm thi nhỉ, sao số phận mình lại bị xui rủi ngay trong một cuộc chấm thi nhỉ. Họ tiếc rằng giá như cuộc đời như một vai diễn thì họ sẽ xin diễn lại và không nhận vai đó nữa.

Có ý kiến cho rằng: Môi trường nhiều “người gù”, giáo viên công chức tử tế, muốn tồn tại được dạy, hoặc ít nhất mùa thi sau được gọi đi chấm thi, thì phải hòa nhập, và chấp nhận bị đồng hóa. Sẵn sàng, chấp nhận chấm sai, nâng điểm, làm theo hướng dẫn, làm theo mệnh lệnh vô đạo của cấp trên, làm vừa lòng cấp trên vừa yên thân, vừa chấm mút được tí chút, vừa ngong ngóng lên lương, đi tập huấn, đi chấm thi mùa sau... Anh thấy những người “gù” ấy có đáng thông cảm?

Quỵ lụy trước miếng ăn và đánh đổi cho miếng ăn, không phải hành vi nhà giáo chân chính. Người bình thường cũng vậy. Nếu ai làm bậy cũng đổ lỗi cho hoàn cảnh, thì cuộc sống sẽ bị đẩy vào tình trạng nhơ nhuốc và tồi tệ.

Làm người, ai cũng mơ ước được sống trong một môi trường trong lành và tử tế. Thế nhưng, khi những kẻ “gù” kéo bè kết cánh để cô lập những người lưng thẳng, thì mâu thuẫn rất khó giải quyết. Trước sự tẩy chay, sự mỉa mai, sự chà đạp của những cái lưng “gù” thì thiểu số lưng thẳng loay hoay đến mức tội nghiệp. Nhìn rộng ra, “gù lưng” có phải là một cách sống khôn ngoan hiện nay không?

Thế giới "gù lưng" là một thế giới tuy có vẻ khôn ngoan nhưng lại vô cùng ích kỷ. Là thế giới gây nguy hiểm cho vận mệnh dân tộc. Nó làm mục ruỗng nhiều giá trị xã hội. Là thế giới sâu đục thân, sống bằng cách ăn bám vào mồ hôi nước mắt của thế giới loài người. Những kẻ “lưng gù” có thể “khôn” nhưng không “ngoan”. Bởi lẽ, mang cái lưng “gù” đi đến đâu cũng không thể nhìn thấy ánh sáng của công lý, ánh sáng của nhân văn, ánh sáng của sự thật. Tôi tiếc nuối thay cho những kẻ được cha mẹ sinh ra “lưng thẳng” mà lại chết đi trong hình dáng “lưng gù”.

Quan điểm của ông Trần Đình Thu: 'Những kẻ 'gù lưng' tuy có vẻ khôn ngoan nhưng vô cùng ích kỷ'. Ảnh: T.H.

Quan điểm của ông Trần Đình Thu: "Những kẻ "gù lưng" tuy có vẻ khôn ngoan nhưng vô cùng ích kỷ". Ảnh: T.H.

"Gù” không phải một đặc tính dễ di truyền theo huyết thống, nhưng lại là một đặc tính dễ lây lan theo cộng đồng. Anh cảm giác ra sao, khi cố gắng “lưng gù” để không bị xem là “khuyết tật” đang được rao giảng như nghệ thuật thành đạt nhằm “chui sâu, trèo cao” hoặc có những đồng tiền dễ đến trên tay?

Phải nhắc lại “gù lưng” đang là trận đại dịch lớn nhất của chúng ta. Một trận đại dịch lây lan ra khắp cộng đồng và hiện đang còn lây rất mạnh. Tôi đang tìm hiểu xem nó đã đạt đỉnh chưa và nếu chưa thì khi nào nó sẽ đạt đỉnh. Tôi hy vọng trong khoảng vài ba năm tới nó sẽ đạt đỉnh và sau đó nó sẽ quay đầu.

Quay đầu trở lại làm người “lưng thẳng”, theo đúng quy trình tiến hóa của loài người?

Đúng, con người không thể đi giật lùi vào cõi tăm tối. Phú quý và vinh hoa làm sao an ủi được con người bị đánh mất tự trọng, đánh mất lương tâm, đánh mất trách nhiệm làm một con người “thẳng lưng”.

Để có thế giới “lưng gù” thì phải có những người “gù” thị phạm, “gù” mở lối. Nếu cấp trên không “lưng gù” thì cấp dưới có dám giở trò “lưng gù” không? Anh đã từng thấy người “lưng thẳng” chung đường vui vẻ với người “lưng gù” chưa?

Trong thế giới “lưng gù” ấy, nó có đầy đủ các quy luật phát triển như thế giới bình thường của chúng ta. Nó cũng có các thần tượng và vây quanh cũng sẽ có các lâu la hâm mộ. Nó cũng có những người làm "thầy gù" và những "trò gù" cắp cặp theo học nghệ thuật “lưng gù”. À, kiểu như là thế giới phù thủy trong bộ truyện Harry Potter ấy, nó có đầy đủ hết. Trong thế giới ấy, lâu lâu có người “lưng thẳng” đi lạc vào và nó sẽ tìm cách đồng hóa người “lưng thẳng”.  

Muốn người “lưng thẳng” đừng miễn cưỡng bắt chước những dị dạng khuyết tật, theo anh phải cần những yếu tố gì?

Muốn thẳng lưng để sống cần có lòng dũng cảm và ý chí quyết không bị khuất phục bởi cái xấu. Phải không quỵ lụy trước tiền tài để rồi coi đó như là lẽ sống của mình. Tiền tài cần được coi như là phương tiện sống và phải được làm ra bởi công sức của chính mình.

Theo tôi, cuộc chiến giữa “lưng gù” và “lưng thẳng” là cuộc chiến dai dẳng của con người nhằm bảo vệ giá trị con người. Khái niệm “lưng gù” và “lưng thẳng” khi không đặt trong bối cảnh chung của xã hội, thì lại đặt trong bối cảnh riêng của cá nhân. Hôm nay dửng dưng trước cái xấu, ngày mai thờ ơ trước cái ác cũng là một quá trình “gù lưng” hóa một con người.

Đúng! Quá trình ấy mới đáng sợ, chứ không phải quá trình nhận diện và chống chọi với “lưng gù”.  

Anh vốn là một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra, sau đó chuyển sang nghề luật. Đồng thời, anh cũng là một nhà biên kịch kiêm đạo diễn. Tôi thấy Trung Quốc có một bộ phim nổi tiếng là “Tể tướng Lưu gù”. Từ chuyện “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” vừa qua, anh có ý tưởng về một bộ phim cho bối cảnh Việt Nam chăng? Nếu làm, thì sẽ như thế nào nhỉ?

Bộ phim “Tể tướng Lưu gù” thì nhân vật gù lưng thật nhưng con người ông và nhân cách ông không “gù”. Còn bộ phim mà chúng ta đang mong muốn là những người thẳng lưng nhưng nhân cách bị “gù”, tâm hồn bị “gù”. Câu chuyện này cũng sẽ rất hay nếu biến thành phim, và tôi xin đặt cái tên là “Thế giới gù lưng”.

Trong bộ phim “Thế giới gù lưng” ấy, tôi nghĩ cốt lõi không nằm ở những kẻ “gù lưng” hay những người “thẳng lưng” mà nằm ở những đối tượng không “thẳng lưng” và cũng chưa “gù lưng”. Đối tượng này chiếm đa số, gió chiều nào thì họ xuôi chiều ấy, hòng phòng thân, hòng yên ổn, nhưng họ không biết rằng chính sự nhún nhường và sự bạc nhược đang biến họ thành những ứng viên dự bị của đội ngũ “gù lưng”. Nếu họ ủng hộ người “thẳng lưng” thì tươi lai tươi sáng, còn nếu họ thỏa hiệp kẻ “gù lưng” thì ngày mai khủng khiếp.  Từ trải nghiệm bản thân, anh thấy tỷ lệ “lưng gù” và “lưng thẳng” xung quanh mình ra sao?

Ngày nay, thật đáng buồn, ngay trong các tòa cao ốc sang trọng và tráng lệ thì tỷ lệ “gù lưng” cũng có dấu hiệu áp đảo tỷ lệ “thẳng lưng”.

Tôi luôn xót xa khi nghĩ đến những người vốn “lưng thẳng” nhưng lâu ngày thấy… mỏi nên cũng thả lỏng bản thân để “gù lưng” đôi ba lần, và từ đó họ xấu hổ không dám nhìn mặt những người “thẳng lưng” nữa. Hỏi thật, giữa “gù lưng” và “thẳng lưng”, anh chọn bên nào?

(Cười) Nhu cầu vật chất của tôi ít lắm. Tôi xin chọn “thẳng lưng” dù bao phen cũng khốn khổ vì những kẻ “gù lưng”.

Anh có tin “gù lưng” luôn thành công hơn “thẳng lưng” trong cuộc mưu cầu danh lợi nhiều thị phi lắm gian trá?

Ở những nơi nhiễu nhương thì những kẻ “gù lưng” dễ thành công hơn, nhưng ở các xứ sở văn minh thì ngược lại.

Nhà biên kịch - Luật gia Trần Đình Thu từng là một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra. Ảnh: T.H.

Nhà biên kịch - Luật gia Trần Đình Thu từng là một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra. Ảnh: T.H.

Nghĩa là hoàn cảnh xã hội vẫn quyết định vị trí và số phận của những kẻ “gù lưng”. Khi lẽ phải vẫn đang bị ngái ngủ, khi lương tri vẫn đang bị che khuất, và khi phẩm giá vẫn đang bị lãng quên, thì nỗi ám ảnh “gù lưng” vẫn là một vấn nạn đe đọa chúng ta. Thực ra, câu bào chữa gian trá “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” không phải do bị cáo Diệp Thị Hồng Liên phát kiến. Mà đó chỉ là phiên bản của một câu nổi tiếng trong tác phẩm “Đảo người gù” của nhà văn Pháp - Egiedip Moro, nguyên văn: “Sống trên đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng”. Tương tự như vậy, dân gian Việt Nam cũng đúc kết “trong bó củi cong, cây củi thẳng sẽ bị rơi ra”. Bây giờ đang có chiến dịch đốt “lò” chống tham nhũng, liệu củi cong có bị thiêu rụi triệt để?

Tôi rất phấn khởi trước chủ trương “đốt lò” và rất hy vọng chiến dịch này sẽ giúp đốt những cành củi cong. Tuy nhiên tôi không kỳ vọng có thể thiêu rụi toàn bộ vì chúng ta thấy rõ đây chỉ là biện pháp xử lý phần ngọn, chứ chưa phải mang tính căn cơ để xử lý phần gốc. Nhưng tôi hy vọng vài năm tới sẽ có những thay đổi theo hướng căn cơ, sau khi quyết tâm xử lý phần ngọn đã xong sứ mệnh của nó. Thật ra thì muốn xử lý phần gốc cho hiệu quả thì trước hết phải làm phần ngọn trước để chặt bớt những cành cong sâu mọt đi đã, chứ vội vã làm phần gốc ngay cũng không phải là dễ.  

Xưa nay, cây thẳng thì sớm bị đốn hạ, giếng ngọt thì nhanh bị múc cạn. Làm người tốt rất khó, làm người “lưng thẳng” rất gian nan. Ở đây, khái niệm “lưng thẳng” chưa cần phải là bậc siêu phàm hoặc đấng anh hùng vượt trội trừ gian diệt ác. Người “lưng thẳng” chỉ cần biết theo cái đúng, biết tránh cái sai, biết giới hạn không thể xâm phạm của luật pháp và đạo đức. Vì vậy, ngoài sự kiên trì tự thân của cái thiện, xã hội cần làm gì để giảm bớt những cái "lưng gù”, để sự nhẫn nại của người tốt được đền đáp?

Ngoài cuộc “đốt lò” như anh nói ở trên, thì cần có cơ chế cụ thể để hỗ trợ cho người “thẳng lưng” chiến đấu chống lại thế giới “gù lưng”. Thật ra, trong thao thức vươn lên của con người, thế giới “thẳng lưng” vẫn đông đảo hơn nhiều so với bọn “gù lưng”, nhưng bọn “gù lưng” lại là bọn nham hiểm ác độc và táng tận lương tâm. Trong khi đó, những người “thẳng lưng” lại là những người thường hay bất cẩn, dễ bị bọn “gù lưng” dùng thủ đoạn để tấn công. Nói cách khác, “gù lưng” luôn ý thức được sự “mềm nắn, rắn buông” lúc đối diện với “thẳng lưng”. Người “thẳng lưng” càng kiên cường thì kẻ “gù lưng” càng chột dạ, càng chùn tay, càng thoái chí.

Vì vậy, quan trọng nhất và bền bỉ nhất vẫn phải bắt đầu từ nền tảng giáo dục. Phải loại bỏ ngay những kẻ đã chịu “gù lưng” và phải ngăn chặn ngay những kẻ đang muốn “gù lưng”, thì mới có thể xây dựng nhân sinh quan đàng hoàng: “thẳng lưng” là vẻ đẹp của con người đích thực!

Khi những kẻ “gù lưng” tẽn tò nhìn nhau trong tù, họ sẽ hiểu hơn ý nghĩa của “thẳng lưng”.

Xin cảm ơn cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn của anh!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.