| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 05/08/2014 , 08:53 (GMT+7)

08:53 - 05/08/2014

Lương, cuộc rượt đuổi nhọc nhằn

Mức lương tối thiểu vùng của ta hiện đang áp dụng chỉ đảm bảo được từ 68 đến 77% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).

Những ngày đầu tháng 8 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang chuẩn bị họp lần cuối để thống nhất mức đề xuất trình lên Chính phủ “Phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp năm 2015”.

Tin này khiến hàng triệu công nhân lao động trên cả nước xao xuyến, phập phồng hy vọng, ngóng chờ.

Tại hội thảo về “Nhu cầu sống tối thiểu và mức lương tối thiểu của người lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 11/6/2014, các đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Công đoàn Úc; các chuyên gia của Bộ LĐ-TB, XH, Tổng cục Thống kê… đều thống nhất rằng mức lương tối thiểu vùng của ta hiện đang áp dụng chỉ đảm bảo được từ 68 đến 77% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).

Còn theo ông Bùi Hồng Đô, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, một thành viên trong đoàn công tác xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tại một số nước Đông Nam Á mới đây, thì lương của công nhân lao động Việt Nam thấp nhất so với những nước có nền kinh tế ngang bằng với Việt Nam trong khu vực.

Tại Malaysia, mức lương tối thiểu của NLĐ tương đương với 7 triệu VND/tháng; tại Indonesia, mức lương tối thiểu tương đương 5,3 triệu VND/tháng, trong khi ở Việt Nam, lương tối thiểu của NLĐ vùng I hiện chỉ là 2,7 triệu VND/tháng.

Tiền lương có hai chức năng. Thứ nhất là tái tạo sức lao động để người lao động có thể tiếp tục làm việc, và thứ hai là để tích lũy. Có phần tích lũy ấy thì người lao động mới có thể nuôi con, báo hiếu bố mẹ và phòng khi đau ốm…

Nhưng với mức lương trung bình hàng tháng hiện nay (4,358 triệu đồng ở vùng I; 3,665 triệu đồng ở vùng II; 3,549 triệu đồng ở vùng III và 3,153 triệu đồng ở vùng IV), thì hàng tháng người công nhân đang phải xoay xở thêm từ 23 đến 32% nữa mới đủ tái tạo được sức lao động cho chính mình.

Chuyện “tích lũy” chỉ có trong giấc mơ của họ. Để có thêm từ 23 đến 32% mức lương để tái tạo sức lao động cho chính mình ấy, họ xoay từ đâu?

Theo tinh thần của kết luận số 23/KL-TU ngày 29/5/2012 của BCH TƯ Đảng khóa XI “Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu” thì đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đến năm 2015, lương tối thiểu vùng của CNLĐ tăng 19,6%, vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn kém xa so với mức lương tối thiểu của một số nước trong khu vực có nền kinh tế tương đương.

Đó là chưa kể mức lương luôn luôn bị tác động bởi sự biến động của giá cả (xăng dầu, điện, nước, nhu yếu phẩm…) và lạm phát. Và nếu cứ tình trạng này, thì cuộc rượt đuổi đầy nhọc nhằn giữa tiền lương và giá cả vẫn chưa biết đến khi nào mới ngừng lại.

Đã đến lúc không thể lấy yếu tố lao động rẻ để mời gọi đầu tư nữa. Bởi vì tiền lương rẻ mạt không bao giờ tạo ra được một đội ngũ công nhân có tay nghề cao và một đội ngũ trí thức giỏi. Mà chính họ mới là linh hồn của một nền công nghiệp tiên tiến.