Bà Lưu Khánh Thơ cho biết: “Ngoài những tập thơ đã được xuất bản và số lượng hơn 50 vở kịch đã công diễn, Lưu Quang Vũ còn để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dang dở”. Di cảo Lưu Quang Vũ xuất bản lần này gồm những trang nhật ký trong 3 năm học cấp III được đặt tên “Mùa hoa phượng” và những tháng ngày đầu tiên bước vào cuộc đời quân ngũ (từ năm 1963 đến năm 1965). Phần di cảo thơ với tên gọi “Những bông hoa không chết”. Đó là hành trình từ những trang nhật ký mơ mộng và lãng mạn của tuổi học trò đến những bài thơ thầy dằn vặt, đau xót trong chặng đường 10 năm. Lưu Quang Vũ làm thơ như ghi nhật ký.
Người biên soạn đã chia sẻ: “Đây là thời kỳ gian khó, cô đơn đến cùng cực của Lưu Quang Vũ mà ít người biết đến. Lưu Quang Vũ thất vọng, cô đơn và có cả những lúc bế tắc”. Nhưng rồi Lưu Quang Vũ đã nhận thức sâu sắc và khám phá ra chính bản thân mình, ông lặng lẽ làm thơ. Những bài thơ chỉ viết cho riêng mình.
Thời đi học, Lưu Quang Vũ có 3 niềm say mê lớn, đó là: ghi nhật ký, vẽ tranh và làm thơ. Mới 25 tuổi nhưng suy nghĩ của cậu học trò đã rất già dặn. Nhật ký ngày 6/6/1963, Lưu Quang Vũ viết: “Tối nói chuyện và đi chơi với Bùi Vũ Hiển, người bạn văn thơ. Hai thằng tranh luận về vấn đề sáng tác, ý kiến không thống nhất. Mình không đồng ý với cậu ta ở chỗ: cậu ta cho cái quan trọng nhất của người viết văn là óc tưởng tượng (tư duy trừu tượng). Còn mình thì cho là: quan trọng nhất là cuộc sống và tình cảm của người viết, ví dụ như một nhành khô đâm chồi, người khác thì không để ý tới nhưng người viết văn thì phải thấy rung động, phải có một tâm hồn nhạy cảm đối với cả từng mùi hương”.
Hay như nhật ký ngày 30/5/1965: “Tới thăm bác Lộng Chương, có cả bác Cầu ở đấy, nói chuyện văn chương và cuộc đời, bác Cầu bảo: “Đã theo đuổi văn chương sự nghiệp thì đừng nghĩ đến chuyện danh vị, như Lý Bạch xưa đấy…” Mình đi cũng thế, không thèm sung sướng, chỉ là anh lính thôi, nhưng sau này sẽ có bao nhiêu cái để mà vẽ, viết.