| Hotline: 0983.970.780

Lưu ý thâm canh lúa xuân 2015

Thứ Ba 06/01/2015 , 16:07 (GMT+7)

Nông dân tuyệt đối không nên dùng ni lông che phủ, bọc thóc để giữ ấm cho đống ủ vì làm vậy thóc sẽ thiếu ô xi dẫn đến bị thối hỏng. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên lại tiếp diễn một mùa đông ấm. Năm 2014 nhuận hai tháng 9 âm lịch nên mùa đông đến muộn, giữa đông lại có các đợt rét liên tiếp.

Tất cả những yếu tố trên khiến cho việc thâm canh lúa xuân ở các tỉnh miền Bắc nước ta là rất khó khăn. Đầu tiên là khâu cày ải, tiếp đến là việc làm mạ, gieo cấy và chăm sóc...

Kinh nghiệm cho thấy, do trăng rằm Trung thu năm nay không sáng tỏ mà u ám nên mưa kéo dài các ngày sau đó. Do vậy việc cày ải cần phải được tiến hành muộn hơn khoảng 1 tháng so với mọi năm. Tốt nhất nên cày ải đất vào khoảng đầu và giữa tháng 12 dương lịch là phù hợp.

Lịch gieo cấy cần được bố trí sao cho phù hợp với diễn biến thời tiết năm nay. Nên gieo cấy sau tiết lập xuân (4/2 DL) vì gieo mạ sớm sẽ có nguy cơ già ống do thời tiết ấm, gieo cấy muộn lúa trổ sẽ gặp gió tây gây lép lửng.

Ngoài ra, cần ưu tiên các giống lúa ngắn ngày để thâm canh sẽ giảm thiểu được rủi ro của thời tiết gây nên. Không nên đưa giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn vào cơ cấu các giống lúa của vụ xuân 2015.

Việc ngâm ủ thóc giống sẽ có thể gặp bất lợi (rét đậm) vì diễn biến thời tiết bất thường. Đây là khó khăn thường gặp đối với nông dân khi ngâm ủ thóc giống vụ xuân các năm. Do đó, nông dân cần chuẩn bị trước những biện pháp tác động tích cực nhằm ứng phó nếu trường hợp này xảy ra. Tốt nhất nên ngâm ủ mạ trong hộp xốp hoặc đào hố dưới đất để ủ nhằm tăng nhiệt độ cho đống ủ, giúp thóc nảy mầm tốt hơn.

Lượng nước tưới cho lúa xuân thường là khan hiếm trong những năm gần đây vì vậy, cần điều tiết nước cho lúa xuân sao cho tiết kiệm nhưng phải đủ nhất là các giai đoạn mẫn cảm (đẻ nhánh, làm đòng và trổ bông). Kĩ thuật tưới nước cho lúa hiệu quả theo cách thức “nông, lộ, phơi” cần được áp dụng.
Ngoài ra, việc thăm đồng thường xuyên phát hiện sâu bệnh hại và phòng trừ khi cần thiết đối với nông dân cần phải được tiến hành xuyên suốt trong cả vụ. Muốn đạt được kết quả cao trong công tác này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần chỉ đạo, giám sát, giúp đỡ nông dân thật sâu sát và chu đáo hơn.

Thậm chí, nếu trong thời gian ngâm ủ thóc lại gặp rét đậm kéo dài thì nên áp dụng biện pháp gieo mạ khi hạt thóc vừa mới nứt nanh (gieo trên luống mạ dược hoặc gieo trên nền đất cứng có ni lông che phủ).

Không nên giữ thóc quá lâu trong đống ủ kéo dài trên 1 tuần, vì làm vậy hạt thóc sẽ bị thôi chua, lượng dinh dưỡng bị thất thoát dần dẫn đến cây mạ sau gieo sẽ không dủ dinh dưỡng cung cấp héo dần rồi chết.

* Chú ý:

- Nông dân tuyệt đối không nên dùng ni lông che phủ, bọc thóc để giữ ấm cho đống ủ vì làm vậy thóc sẽ thiếu ô xi dẫn đến bị thối hỏng. Ngược lại cũng không nên che chắn qua loa chỉ là mô rơm nhỏ phủ đống ủ. Không nên gieo thẳng hay cấy mạ ngoài ruộng khi nhiệt độ thời tiết dưới 15 độ C.

- Việc chăm sóc mạ sau gieo cần bổ sung thêm dinh dưỡng kali trắng và vi lượng để phun qua lá giúp mạ cứng cáp và chống rét tốt hơn.

Thời kì sau gieo cấy nếu gặp bất lợi, cây lúa non khó phát triển thì nên sử dụng các loại phân giàu lân dễ tiêu và vi lượng để cây hồi phục nhanh, phát triển được thuận lợi.

Tuyệt đối không được sử dụng các chất kích thích sinh trưởng như GA3 để phun cho mạ hoặc lúa vì làm vậy cây sẽ phát triển không bình thường, thân lá kéo dài, mềm yếu dẫn đến dị dạng như lúa von.

- Nếu trong thời gian làm mạ lại gặp thời tiết ấm, cây mạ phát triển nhanh dẫn đến già, ống hoặc lại gặp rét đậm dẫn đến còm cõi, mất sức sống trước cấy thì cần phải loại bỏ và chuẩn bị thóc giống dự phòng để tiến hành gieo mạ thay thế (mạ nền) hoặc gieo thẳng ngoài ruộng (nếu có thể).

Một năm có mùa đông ấm sâu bệnh sẽ phát sinh và gây hại nhiều, gió tây sẽ đến sớm (khoảng sau 15/5 DL). Vì vậy, nông dân cần bố trí thời vụ thích hợp, tiến hành gieo cấy và chăm sóc lúa thật chu đáo để lúa trổ trước 15/5 DL là tốt nhất.

Cần bón lót đủ lượng phân NPK để lúa xuân phát triển và đẻ nhánh thuận lợi. Không nên bón đạm riêng lẻ hoặc bón đạm và kali không cân đối (thừa đạm) sẽ làm cho lúa bị sâu bệnh tấn công nhiều. Không nên gieo cấy với mật độ dày, nên để mật độ thưa hơn so với các vụ xuân khác để lúa đẻ nhánh được triệt để ngay giai đoạn đầu và hạn chế được sâu bệnh hại nhất là bệnh khô vằn.

Với các diện tích lúa gieo thẳng cần tuân thủ nghiêm ngặt về khâu kĩ thuật để giảm thiểu lượng mạ chết rét sau gieo hoặc cây lúa bị bệnh thối rễ thời kì còn non.

Không nên bón đạm urê riêng rẽ khi mạ có 1,5 - 2 lá thật như nông dân thường làm (bón đón tay trước khi dặm tỉa). Việc bón thúc mạ như vậy không những mạ chưa “ăn” đến dinh dưỡng bón mà thậm chí còn làm chết mạ nếu rét ập về.

Ngoài ra, lúa gieo thẳng còn hay bị hiện tượng trắng lá (bạch tạng) giai đoạn sau gieo khoảng 15 - 20 ngày (trước dặm tỉa).

Đây là hiện tượng bệnh sinh lý của cây chứ không phải do sâu hay nấm hại. Do thời kì đầu vụ, lúa xuân thường chìm trong thời tiết âm u, sương mù không có nhiều nắng nên cây mạ non quang hợp khó khăn, việc tổng hợp diệp lục về lá rất chậm.

Mặt khác, do lối thâm canh chỉ dựa vào phân hóa học của nông dân đã khiến cho nguồn dinh dưỡng vi lượng trong ruộng khan hiếm dần nên lúa thiếu vi lượng để hút.

Muốn khắc phục được hiện tượng này cho lúa người trồng cần bón lót một lượng phân vi lượng cùng với NPK đồng thời bổ sung thêm phân bón lá vi lượng+ kali trắng thời kì đầu và giữa vụ lúa.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.