| Hotline: 0983.970.780

Lý giải hiện tượng bão chồng bão năm nay

Chủ Nhật 15/11/2020 , 09:16 (GMT+7)

Đến thời điểm này đã có 21 cơn bão đổ bộ vào Philippines và có cường độ mạnh hơn. Liệu đây có phải là một điềm báo về tương lai “thực sự đáng sợ”?

Rốn bão Philippines

Thế giới đang trải qua năm 2020 với hàng loạt các cơn bão mạnh và có sức hủy diệt ghê gớm, nhưng các chuyên gia dự báo mọi thứ vẫn còn rất khó lường và nhiều quốc sẽ càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt do bão Vamco tại Manila, Philippines hôm 12/11/2020. Ảnh: Xinhua

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt do bão Vamco tại Manila, Philippines hôm 12/11/2020. Ảnh: Xinhua

Trong đó Philippines là nơi phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề nhất khi chỉ trong vòng hai tuần lễ đón siêu bão Goni vào ngày 30/10, khiến ít nhất 25 người chết, gần một triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại lớn đối với cơ sở hạ tầng và đất nông nghiệp. Ngoài ra hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hại, đến nay người dân vẫn đang bị mắc kẹt trong các lán trại sơ tán. Ước tính thiệt hại ban đầu do bão Goni gây ra đối với nước này đã vượt 200 triệu USD.

Trong khi quá trình khắc phục hậu quả siêu bão Goni vẫn đang tiếp tục thì cuối tuần qua, cơn bão mạnh khác là Vamco tiếp tục đổ bộ và gây ra lũ lụt lớn ở thủ đô Manila, cướp đi sinh mạng của 53 người và hàng chục người đang mất tích. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, bão Vamco đã là cơn bão thứ 21 đổ bộ vào Philippines.

Trước hiện tượng bão lớn ở Philippines ngày càng thường xuyên, dữ dội hơn và khó lường hơn thì giới khoa học chỉ tập trung vào các yếu tố liên quan đến khí hậu. Theo thống kê có khoảng 1/4 số trận bão trên thế giới đổ bộ vào Philippines và dự tính cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, những trận bão trong tương lai sẽ còn ảnh hưởng nặng nề hơn và di chuyển theo những hướng khó dự đoán và đối phó hơn.

Tính từ năm 2006 đến 2016, có tới 99 cơn bão đã vào Philippines và 10 trong số đó đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý nhất là cơn bão Haiyan đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6.000 người vào năm 2013.

“Phần lớn các cơn bão đều mạnh lên, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm. Chúng tôi đang trải qua những cơn bão mạnh hơn trước rất nhiều và chỉ có thể quy nó là do nhiệt độ nước biển nóng lên cùng với bầu khí quyển ấm lên”, Esperanza Cayanan, chuyên gia cơ quan khí tượng quốc gia Philippines cho biết. 

“Các dự báo trong tương lai của chúng ta thực sự đáng sợ. Nhưng không còn cách nào khác, chúng ta buộc phải chuẩn bị tìm cách để tự vệ”, bà Cayanan nói.

Nước ấm hơn là một dấu hiệu của biến đổi khí hậu, giúp cung cấp năng lượng cho các cơn bão nhiệt đới. Sự hiện diện của hiện tượng khí quyển La Niña do nhiệt độ bề mặt biển ở trung tâm Thái Bình Dương nguội đi, đồng nghĩa với việc các vùng nước ấm hơn hiện vẫn bao quanh Philippines, và đẩy nhanh quá trình hình thành bão.

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, khả năng giữ hơi nước của khí quyển cũng tăng theo và không khí có thể lưu giữ thêm khoảng 7% cho mỗi lần tăng một độ C. Điều đó có nghĩa là những trận mưa lớn hơn cũng sẽ đổ xuống theo đường đi của bão.

Phó giáo sư William Holden, chuyên gia khí tượng thuộc Khoa Địa lý và Khoa học Môi trường (Đại học Calgary) cho biết: “Trong thế kỷ tới, các xoáy lốc thuận nhiệt đới tương tự như siêu bão Haiyan sẽ trở nên phổ biến hơn”.

Điều này đặt ra những vấn đề lớn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, những người có thể đã quen đối mặt với bão tố, tuy nhiên các nỗi lo sợ về sức mạnh chết chóc của bão cũng sẽ thường trực hơn. Đặc biệt là khi Philippines có khoảng 80% dân số sống trong bán kính 50 km tính từ bờ biển, nên khi mực nước biển dâng cũng ​​sẽ trở thành một vấn đề đáng quan ngại.

“Nước biển dâng cao sẽ khiến các hòn đảo có đông dân cư bị xóa khỏi bản đồ. Nhất là khi Philippines còn là một quần đảo dễ xảy ra động đất và núi lửa phun. Tóm lại chúng tôi không nhìn thấy nhiều nơi an toàn nữa,” bà Cayanan nói.

Không được phép chủ quan

Tiến sĩ Antonio La Viña, chuyên gia chính sách môi trường kiêm giám đốc điều hành Đài Quan sát khí tượng Manila, cho biết: Tỷ lệ thương vong do bão Goni là tương đối thấp so với các thảm họa thiên tai trước đây, nhưng điều đó không có nghĩa là nó bị phân tán sức mạnh đơn thuần mà cần phải tiếp tục tìm hiểu để đánh giá sát hơn về những rủi ro trong tương lai.

Người dân tỉnh Camarines Sur chống chọi với nước lũ tràn vào nhà trong bão Vamco. Ảnh: Ashley

Người dân tỉnh Camarines Sur chống chọi với nước lũ tràn vào nhà trong bão Vamco. Ảnh: Ashley

 “Đó luôn là một nhận thức sai lầm khi không có quá nhiều người chết mà cho rằng bão không thực sự nghiêm trọng trên thực tế. Theo cách đánh giá của tôi thì cơn bão này đã phá hủy một phần ba hòn đảo Luzon”, ông Antonio nói ngầm ám chỉ sự thờ ơ, chủ quan giữa các nhà hoạch định chính sách và chính quyền.

Người dân Philippines vốn đã quen với bão khiến cho họ trở nên nổi tiếng về khả năng phục hồi sau các thảm họa. “Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi khi được ca ngợi về sự kiên cường và tôi nghĩ chính chúng ta là người phải thay đổi nếp suy nghĩ này bởi khả năng phục hồi là một điều tốt nếu nó không phải là cái cớ cho việc không chuẩn bị tốt trước khi các cơn bão ập đến. Đừng lấy khả năng phục hồi của người dân để biện minh cho sự cẩu thả” ông Antonio cho hay.

Tiến sĩ Rodel Lasco, Giám đốc điều hành của Trung tâm Oscar M Lopez về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai cho biết, hầu hết mọi người đều nhận thức được “điều bình thường mới”, đặc biệt là sau bão Haiyan. Trong tương lai, những cơn bão dữ dội hơn sẽ còn bộc lộ nhiều lỗ hổng của chúng ta hơn.

Còn theo bà Cayanan, kinh nghiệm chính là người thầy tốt nhất. “Rất khó để tuyên truyền đến công chúng bởi trí nhớ của họ về các sự kiện cực đoan chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên chúng tôi đang cố gắng hết sức bởi chỉ khi nào bạn trải qua những tình thế khắc nghiệt trong đời, bạn sẽ nhớ mãi và bạn nên truyền lại kinh nghiệm đó cho thế hệ sau”, bà Cayanan nói.

Theo một số chuyên gia trong nước về biến đổi khí hậu, Philippines đã không nỗ lực cắt giảm lượng khí thải trong khi có rất nhiều không gian để làm điều đó như năng lượng, nông- lâm nghiệp. Trên thực tế, điều đó có thể làm cho nền kinh tế mạnh hơn nhưng là do chúng ta không có hành động dẫn đến nhiều hệ thống phòng thủ tự nhiên của đất nước chống lại thiên tai đã bị xóa sổ bởi hoạt động của con người như phá rừng ngập mặn, khai thác tài nguyên quy mô lớn làm mất ổn định trái đất cũng như đầu độc các rạn san hô.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.