| Hotline: 0983.970.780

Lý giải nạn di dân bất chấp rủi ro

Thứ Năm 31/10/2019 , 09:36 (GMT+7)

Cái chết của 39 người nhập cư trong xe tải đông lạnh trên đường tới Anh hồi tuần trước một lần nữa đã đánh động các quốc gia trước nạn buôn người.

   Mơ ước đổi đời

Trên Bloomberg, cây viết Leonid Bershidsky cho rằng, hoạt động đưa lậu người vào các quốc gia châu Âu (và nhiều nơi khác) thực chất có thể xem là ngành kinh doanh vận tải dựa trên nhu cầu của khách hàng.

“Khách hàng” của những đường dây vận chuyển lậu người ở đây là các di dân, vốn mang khát vọng đổi đời khi tìm đường tới những quốc gia như Anh. Yếu tố kinh tế có tính chi phối quyết định tới thực trạng này.

Một nghiên cứu quy mô lớn của Liên Hợp Quốc về di dân bất hợp pháp từ châu Phi sang châu Âu cho thấy, 60% trong số di dân nói lý do đầu tiên họ muốn tới châu Âu là để “tìm việc làm và kiếm tiền cho gia đình”. Có 21% cho biết đây là lý do thứ 2.

Di dân tới châu Âu với mơ ước về cuộc sống mới nhưng đường đi luôn đối diện nhiều rủi ro

Các con số thống kê khác củng cố cho kết quả trên. Cụ thể, có 39% số lượng di dân tới châu Âu từ năm 2005 tới nay có trình độ chỉ hết cấp 1 hoặc cấp 2. Trong đó, 78% đang gửi tiền về cho gia đình, với con số chiếm khoảng 1/3 thu nhập của họ ở châu Âu.

Năm 2017, số tiền các lao động nước ngoài gửi về gia đình lên tới 480 tỉ USD. Bước qua năm 2018, lượng kiều hối các di dân (hợp pháp và bất hợp pháp) chuyển về nước lên tới 689 tỉ USD. Theo Bloomberg, con số này cao gấp 3 so với tổng số tiền hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho chính các nước trên trong cùng thời gian.

Sử gia Cindy Hahamovitch, tác giả cuốn “No Man’Land” viết về các chương trình lao động di dân kết luận, tình trạng đói nghèo ở các quốc gia gốc của người di dân đang khiến dòng người di dân tiếp tục tăng.

Riêng tại Anh, dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết di dân đã chuyển về cho gia đình 17 tỉ USD trong năm 2018. Trong đó, khoảng 147 triệu USD là từ di dân Việt Nam.

Buôn người-cần giải pháp con người

Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, thu nhập trung bình lao động di dân ở châu Âu khoảng 1.020 USD/tháng. Chi phí trung bình để tới châu Âu, gồm các khoản chi trả cho các tổ chức đi lậu khoảng 2.710 USD.

Tính toán cho thấy một di dân để “hồi vốn” cần 9 tháng làm việc sau khi đến đích là một quốc gia châu Âu. Đây thực sự là một triển vọng tốt đối với di dân, vốn đều nghèo và đến từ các nước nghèo.

Ngay sau vụ 39 người thiệt mạng trong xe đông lạnh, chính quyền Anh đã đẩy mạnh hoạt động điều tra. Tuy nhiên theo nhà báo Leonid, để ngăn chặn hoạt động đưa người lậu tới châu Âu, Anh và các quốc gia khác cần có sự phối hợp cũng như đưa ra các giải pháp tổng thể vì vấn đề rất phức tạp.

Trên thực tế, hoạt động đưa người bất hợp pháp có thể giống như một ngành kinh doanh vận tải, xuất hiện từ nhu cầu trong thực tế. Việc siết chặt kiểm soát biên giới thậm chí có thể khiến di dân tìm tới các tổ chức đưa lậu người nhiều hơn.

Sơ đồ mô tả các ngả đường vượt biên vào châu Âu của dân nhập cư

Những kẻ này sẽ tìm tới các quan chức tham nhũng, kẽ hở tại đường biên. Đây là hoạt động di dân khó có thể tự làm. Bên cạnh đấy, cho dù các quốc gia châu Âu coi những tổ chức đưa lậu người vào lục địa là bất hợp pháp, người di dân thậm chí xem đây là những kênh hỗ trợ hợp pháp.

Một gợi ý với nước Anh là nước này có thể tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ trực tiếp phát triển cho các nước đang phát triển, đồng thời đảm bảo 100% số tiền đó được chuyển tới tay đúng người cần.

Tuy nhiên, Bloomberg cũng cho rằng đây là yêu cầu không khả thi trong thực tế. Chính vì vậy, để ngăn chặn dòng di dân bất hợp pháp và hoạt động của các tổ chức tội phạm liên quan, Anh và các quốc gia cần phối hợp chính sách hành pháp, di trú, bên cạnh trừng trị các tổ chức đưa người lậu.

Một chính sách hợp lý có thể giúp hạn chế những thảm kịch như ở Essex vừa qua, hay ở mức độ chung là con số 4.000 người thiệt mạng mỗi năm trong các cuộc di cư trên toàn thế giới.

Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và bình quân đầu người khoảng 44.000 USD/năm. Mức lương tối thiểu 8 bảng/giờ khiến Anh trở thành miền đất mơ ước với di dân từ các nước nghèo.

Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng của Anh cảnh báo, 31% người nhập cư bất hợp pháp vào Anh bị buộc bán dâm, 22% bị cưỡng bức lao động, giúp việc gia đình chỉ chiếm 11% và 17% là các công việc phi pháp khác

 

(Bloomberg)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.