| Hotline: 0983.970.780

Ly kỳ chuyện quật mồ người bị 'trời đánh'

Thứ Hai 10/08/2015 , 14:10 (GMT+7)

Một người đàn ông dân tộc Xơ-đăng ở xã Đắc Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chẳng may bị sét đánh chết trong lúc đi rừng. Sau đó, anh ta được gia đình “đào sâu chôn chặt”, xây mộ kiên cố.

Bỗng vài ngày sau, rộ tin đồn rằng kẻ xấu đã quật mồ anh ta lên, cắt lấy mất tứ chi để mang về luyện bùa phép rồi. Thực hư thế nào?

Lời đồn nhanh như gió núi

Chúng tôi đến xã biên giới Đắk Xú trong cơn mưa rừng tầm tã. Mưa rừng ở vùng biên giới này thường dầm dề, lê thê suốt ngày đêm, khiến không gian miền rừng biên giới lạnh căm căm và ảm đạm đến não nề.

Anh Trần Bụi, nhà ở mặt quốc lộ 40, xã Bờ Y, cho biết, mùa mưa ở vùng rừng Ngã ba Đông Dương này thường kéo dài 7-8 tháng. Những ngày mưa đầu mùa thường có giông và sấm sét rất nguy hiểm. Đã nhiều người bị sét đánh chết rồi.

Xưa nay, người Xơ-đăng và một số tộc người khác ở Tây Nguyên tin rằng, những người bị sét đánh là cơ thể họ đã được truyền một dòng điện với sức mạnh vô song, gọi là thần lực.

Nếu ai có được bàn tay của người bị trời đánh làm bùa, thì có thể yên tâm “nhập nha” (đi ăn trộm) mà không bao giờ bị phát hiện, hoặc luyện để tăng sức mạnh phép thuật cho thầy bùa.

“Nghe nói trước khi đi hành sự, kẻ trộm có được bàn tay người bị sét đánh sẽ đăng đàn, khấn xin. Nếu bàn tay phát sáng thì yên tâm đi, còn khi bàn tay xám lại là báo hiệu điềm gở, cãi lời mà đi chắc chắn sẽ bị “tó” (tóm)”.

Cho nên, tử thi người chết do sét đánh là “mồi ngon” của cánh thầy bùa, pháp sư, phường trộm cắp”, anh Bụi nói.

Vì thế, mỗi khi có người bị sét đánh là người nhà phải âm thầm đi chôn, không để nhiều người biết, tránh kẻ xấu, và phải đào thật sâu, chôn thật chặt.

“Nghe nói người mới bị quật mồ các anh nghe là anh A K’lăn, 30 tuổi, ở thôn Đắk Giao, bị sét đánh chết ở trong rừng, xác cháy đen tội lắm.

Sợ bị kẻ xấu quật mồ lấy tử thi làm bùa phép, gia đình đã làm mộ kiên cố, canh giữ ngày đêm. Mấy ngày sau khi được chôn cất, tưởng mọi chuyện đã êm ai ngờ kẻ gian ác làm điều bất nhân quật mồ anh ta”, anh Bụi tiếp chuyện.

Để rõ hơn về câu chuyện quật mồ người bị sét đánh ở Đắk Xú, chúng tôi nhờ anh Bụi dẫn đường đến nhà a K’lăn ở thôn Đắk Giao.

15-22-19_nh-2
Ngôi nhà của vợ chồng anh A K’lăn

Trầy trật qua những con đường đất đỏ trơn trượt xen qua các buôn làng trong mưa gió não nề, rồi chúng tôi cũng đến được nơi cần đến.

Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, cửa đóng im ỉm của vợ chồng anh K’lăn trầm lắng giữa núi rừng thâm u. Nghe chúng tôi hỏi thăm, chị Y Trang, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đắk Giao, hàng xóm của vợ chồng anh K’lăn khẳng định: “Đúng rồi, thằng K’lăn với vợ nó là con Y Ang bị sét đánh. Lúc đó 2 vợ chồng đang làm rẫy thì trời đổ mưa to, vợ chồng nó chạy vào căn chòi dưới gốc cây gần đó trú.

Đang trú mưa thì sét đánh trúng chòi, 2 đứa văng ra ngoài, con vợ sợ quá bỏ chạy thục mạng, cứ tưởng chồng cũng chạy phía sau nhưng về đến nhà không thấy chồng. Hết mưa quay lại chòi thì thấy chồng chết cháy đen”.

Ở nhà cạnh bên, chị Y Kiên, 30 tuổi cho biết, vợ chồng K’lăn có 3 đứa con, đứa lớn nhất mới 10 tuổi, từ khi chồng chết đến nay, cuộc sống của 4 mẹ Y Ang rất khó khăn.

15-22-19_nh-3
Một góc nghĩa trang Đắk Xú

“Vợ chồng nó vay ngân hàng 20 triệu đồng để trồng cà phê. Cây chưa kịp lớn thì chồng nó chết rồi. Giờ nó khổ lắm. Mấy mẹ con suốt ngày ở trong rẫy thôi”, chị Y Kiên nói.

Nghe chúng tôi hỏi về chuyện quật mồ, cắt tứ chi, chị Y Kiên dè dặt nhìn quanh rồi nói nhỏ: “Người ta nói là có chuyện quật mồ, nhưng lại quật nhầm mộ người chết vì bệnh chứ không phải người bị sét đánh.

Vì mộ thằng K’lăn không để tên, gần đó lại có ngôi mộ của ông K’lăn nên kẻ xấu nhầm. Ở đây ai cũng bảo thế mà”.

Chỉ là hủ tục

Để tìm hiểu thực hư chuyện quật mồ, chúng tôi tìm gặp trưởng, phó thôn Đắc Giao nhưng họ đều đi rẫy. Chị Y Trang bảo, rẫy ở xa nên ở đây mỗi khi người ta vào rẫy là ở cả tuần mới về.

Sau một hồi đắn đo, chúng tôi quyết định đến UBND xã Đắc Xú và may mắn gặp được ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã.

Ông Bảng cho biết, vụ việc anh A K’lăn bị sét đánh chết là có thật. Ở đây mùa mưa, sấm sét nhiều lắm, nên lâu lâu vẫn có người, trâu, nhà cửa, cây cối… bị sét đánh cháy đen.

15-22-19_nh-4
Ông Nguyễn Hữu Bảng kể chuyện tin đồn quật mồ

"Xã Đắc Xú có 1.608 hộ, khoảng 6.600 khẩu với 15 dân tộc sinh sống, trong đó người Xơ-đăng chiếm đa số. Chuyện quật mồ người bị sét đánh, lấy tứ chi luyện bùa phép là một trong những hủ tục lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Lâu nay, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, ra tay quyết liệt nhằm xóa bỏ những hủ tục gây hậu quả lớn như quật mộ người bị sét đánh, nên hủ tục này gần như không còn xảy ra ở đây, mặc dù, bà con vẫn có người tin và khi có cơ hội, kẻ xấu vẫn sẽ ra tay”, ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đắc Xú.

“Có đúng là mộ anh A K’lăn bị kẻ xấu rình rập nhưng khi quật mồ lấy tứ chi thì đào nhầm mộ một người trùng tên không?”, tôi hỏi.

“Người ta đồn mộ người bị đào nhầm là mộ của ông Thao K’lăn. Lúc nghe tin, tôi đang tiếp khách phải bỏ dở về, điều động anh em công an xã một mặt nắm tình hình, một mặt tôi cùng một số anh em công an địa phương, có cả công an huyện đến ngay hiện trường kiểm tra thực hư.

Đến nơi rồi, khi nhìn thấy 2 mộ còn nguyên vẹn mới biết đó là tin đồn nhảm. Vụ này khiến cá nhân tôi cùng anh em cán bộ xã mất ăn mất ngủ mấy ngày trời”, ông Bảng đáp.

Tôi hỏi tiếp: “Nếu xác định là tin đồn nhảm thì thôi, sao các anh lại mất ăn mất ngủ?”, ông Bảng đáp: “Khi rõ rành sự việc, một mặt chúng tôi phải giải thích cho bà con được rõ, tránh để bị kẻ xấu tung tin đồn nhảm kích động, xúi giục gây tâm lý hoang mang, lo sợ hay phẫn uất.

Mặt khác chúng tôi cũng phải túc trực canh giữ hiện trường. Vì mình không được chủ quan, biết đâu kẻ xấu có ý đồ phao tin như thế để nhận diện mộ rồi thừa lúc mình cho đó là tin đồn nhảm bỏ không quan tâm thì chúng tổ chức bới đào!”.

Ông Bảng tâm sự, chỉ là một tin đồn nhảm vậy nhưng sức hút của nó thật ghê gớm, nếu chính quyền địa phương chủ quan, không tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Rời trụ sở ủy ban xã, trên đường đi ra, chúng tôi đi ngang nghĩa địa xã, nơi mà theo đồn đại của người dân xảy ra chuyện quật mồ. Nghĩa địa xã nằm ven QL40, con đường nghìn tỷ nối thị trấn P’lei Kần với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ăn sâu vào núi, nằm giữa núi rừng trùng điệp.

Cổng vào nghĩa trang có 2 câu thể hiện niềm tiếc thương của người sống với người đã khuất: “Nghĩa nặng gửi theo về chín suối/ Tình sâu để lại đến nghìn thu”.

Trên đồi cao, giữa rừng mộ hoang lúp xúp dưới những vạt cỏ lau, chúng tôi thấy có nhiều vật dụng như dao đi rừng, ché rượu, gùi, bình hồ lô, tẩu hút thuốc… nằm la liệt.

Đây là những vật dụng hằng ngày được người sống chia cho người chết theo tục chia của vẫn lưu truyền trong đa số các dân tộc thiểu số từ bao đời nay.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.