| Hotline: 0983.970.780

Lý Sơn thời có điện

Thứ Năm 04/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Có điện, Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) như được lột xác. Khách du lịch đến đây ngày càng đông vì không còn sợ cái nóng khắc nghiệt.

Một bước lên “thiên đàng”

Trước đây, ở Lý Sơn điện chỉ có từ 17 giờ đến 23 giờ đêm. Dù có điện nhưng dùng cũng không thoải mái lắm, vì là điện máy nổ nên rất hạn chế.

Bây giờ thì chuyện ấy đã thuộc về dĩ vãng. Dân Lý Sơn bây giờ nhà nào cũng có tivi mặt phẳng, tủ lạnh, máy giặt, thậm chí nhiều nhà có điều kiện còn gắn cả máy lạnh. Cuộc sống ở Lý Sơn được nâng cao, khách du lịch đến ngày càng đông.

Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tự hào khẳng định: “Trước khi có điện, Lý Sơn chỉ có 5 khách sạn, nhà nghỉ. Bây giờ khách sạn nhà nghỉ đã tăng lên con số 13, thêm vào đó còn có 20 cơ sở lưu trú trong dân với công suất hơn 200 phòng”.

Rồi ông Linh nêu ví dụ: Trước đây, khách sạn lớn nhất đảo là Central Lý Sơn Hotel dự kiến chỉ đầu tư 10 tỷ đồng thì nay đã tăng đến 25 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ phòng đón khách.

Điện cũng đã “kích” được ngành thương mại dịch vụ ở Lý Sơn tăng trưởng. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện, đưa ra những con số biết nói: Hiện trên địa bàn huyện có 886 hộ kinh doanh nhiều mặt hàng. Từ đầu năm đến nay tổng doanh thu gần 200 tỷ đồng.

Sau khi có điện, ngành tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cũng phát triển mạnh. Hiện ở Lý Sơn có 321 cơ sở hoạt động các nghề gia công đồ gỗ, khai thác đá, sửa chữa tàu thuyền… thu hút gần 600 lao động địa phương.

Thay đổi dễ thấy nhất ở Lý Sơn là khách du lịch đến đây ngày càng đông, phải tăng thêm chuyến ca nô buổi chiều mới đủ phục vụ. Chỉ mới mấy tháng đầu năm ngành giao thông vận tải đường biển ở đây đã vận chuyển được gần 114.000 lượt khách và gần 42.000 tấn hàng hóa các loại để phục vụ du khách.

Những con số mà trước đây, khi chưa có điện, Lý Sơn có mơ cũng không dám nghĩ đến.

Ông Phạm Hoàng Linh nói chắc: “Khách đến Lý Sơn sẽ còn tăng cao hơn nữa. Trước đây, khi đời sống ở Lý Sơn còn thấp mà nhu cầu tìm hiểu về vùng đất này đã cao. Nay đã có điện, chắc chắn lượng khách đến Lý Sơn hằng năm sẽ vượt con số dự báo”.

Khách du lịch đến đông, nhu cầu tiêu dùng các món đặc sản tăng theo, người dân Lý Sơn có thêm nghề mới là nuôi tôm hùm lồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đảo này đã có 61 bè tôm hùm, mỗi bè chiếm khoảng 400m2 diện tích mặt nước, số lượng tôm nuôi ước khoảng 122.000 con.

“Từ đầu năm đến nay đã có 3 hộ xuất bán 3 tấn tôm hùm, thu về khoảng 3,5 tỷ đồng. Để tránh tình trạng tranh chấp chỗ neo đậu tránh trú gió bão giữa các bè tôm hùm và tàu đánh cá, UBND huyện chỉ đạo tạm thời không phát triển thêm nghề này”, ông Nguyễn Văn Lê cho hay.

Mơ điện ra đồng

Có điện, dịch vụ mua bán hải sản ở Lý Sơn đã có những bước chuyển biến ngoạn mục.

"Chúng tôi đang phối hợp với ngành điện lực Lý Sơn khảo sát việc kéo điện ra đồng để phục vụ SXNN. Hiện việc khảo sát đã hoàn tất, số kinh phí sẽ thực hiện là khoảng 3,5 tỷ đồng. Đồng thời triển khai quy hoạch chi tiết khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại thôn Đông xã An Hải với quy mô 5 ha”, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tích UBND huyện Lý Sơn, cho biết.

Trước đây, người mua bán hải sản ở đây bảo quản hàng bằng cách ướp thủy sản trong những thùng đá lạnh. Trời nóng, đá tan nhanh, phải thay liên tục. Một lớp đá một lớp thủy sản vẫn còn lo không đủ độ lạnh khiến hàng mất chất lượng, khách hàng chê ỏng chê eo mua thấp giá.

“Bây giờ có tủ cấp đông, thủy sản mua không hạn chế số lượng, bảo quản được lâu, dù hàng ế vẫn ăn ngon ngủ yên không lo hàng hư hỏng nữa”, chị Mạnh, một người mua bán hải sản ở thôn Đông, xã An Vĩnh bộc bạch.

Điện đã về đến tận nhà, vui lắm rồi. Nhưng nếu điện ra đến những cánh đồng tỏi thì người dân Lý Sơn còn “đã đời” hơn nữa. Bởi từ trước đến nay, người dân Lý Sơn tưới tỏi, hành chủ yếu chạy máy nổ, chi phí rất cao.

Ông Nguyễn Trí Thức, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải, nói: “Những lúc khô hạn, 1 giờ tưới bằng 2 máy nổ có chi phí 150.000đ. Mỗi sào tỏi, hành phải tưới đúng 1 tiếng rưỡi mới đủ nước, vị chi mất 200.000đ cho 1 lần tưới.

Mỗi vụ mùa phải tưới rất nhiều lần như thế. Đối với nông dân ở Lý Sơn, chi phí tưới cho cây trồng lấy hết lợi nhuận. Bây giờ có điện, chúng tôi mong ngày mong đêm điện được kéo ra đồng để nông dân được giảm chi phí SX”.

Lý Sơn có tổng diện tích đất canh tác gần 368 ha. Nhưng do trồng gối vụ nên diện tích đất gieo trồng hằng năm lên đến gần 1.300 ha. Thử làm 1 phép tính, với diện tích gieo trồng nói trên thì nông dân phải chi phí về bơm tưới cao đến thế nào?

Không chỉ vậy, các đấng mày râu ở huyện đảo này hầu hết đều tham gia nghề biển, nghề nông giao cho các bà vợ. Thế nhưng chân yếu tay mềm, nhiều người không quay nổi cái máy nổ, không kéo nổi ống dây đến ruộng để tưới.

Chị Trần Thị Hoa, nông dân xã An Hải, nói: “Chồng đi biển, mỗi khi tưới hành tỏi tui phải thuê người để quay máy nổ và kéo dây ra ruộng. Mùa hạn thì sáng tưới, chiều tưới, chi phí dữ lắm.

Gặp lúc giá hành tỏi xuống thấp thì chẳng còn chi là lời. Khung giá điện ở Lý Sơn bằng trong đất liền, nếu điện kéo ra đến đồng thì chi phí tưới sẽ được giảm đến 6 lần, nông dân đỡ khổ”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm